Sự phát triển của bé 10 tháng tuổi sẽ có nhiều khác biệt nếu bạn là người chăm sóc gần gũi bé, bạn sẽ thấy trẻ có khá nhiều thay đổi. Hãy cùng Cungconlonkghon.com xem những thay đổi và tiến bộ đó là gì nhé.
Bé 10 tháng tuổi có thể làm những gì?
Những âm thanh bập bẹ của trẻ 10 tháng tuổi nghe đã giống với một từ cụ thể nào đó. Bạn càng thể hiện sự hứng thú và quan tâm đến những âm thanh trẻ tạo ra thì trẻ càng dễ nói chuyện. Khi trẻ cố gắng nói về một vật gì đó với phát âm chưa hoàn chỉnh bạn có thể đáp lại bằng cách phát âm đúng và hoàn chỉnh từ đó, việc này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình.
Nếu trẻ đã biết bò thì giai đoạn này trẻ sẽ tiếp tục di chuyển khắp nơi. Bên cạnh đó, trẻ có thể vịn vào những đồ vật chắc chắn để đứng lên.
Những hoạt động liên quan đến sự di chuyển của bé 10 tháng tuổi
Ngoài việc ngồi khá vững, bò xung quanh bằng tay và đầu gối, bé 10 tháng tuổi có thể thực hiện những hoạt động liên quan đến sự di chuyển sau:
- Bé có thể vịn vào đồ vật để đứng lên thậm chí bước đi và thình thoảng có thể tự đứng một lúc mà không cần sự hỗ trợ của bạn. Tuy nhiên, con vẫn còn gặp khó khăn khi ngồi xuống vì vậy bạn cần quan sát và giúp đỡ bé.
- Bé có thể bò lên và xuống bất cứ bậc thang nào mà bé thấy. Vì vậy, bạn cần để ý con thật kỹ và nên lắp các cánh cửa di động tại cầu thang để hạn chế con bị té ngã khi cố gắng bò lên hoặc xuống.
- Bé có thể bước chập chững khi bạn nắm tay và đi phía trước đối diện với con.
- Bé có thể cúi xuống để nhặt một đồ vật nào đó khi bạn nắm tay bé.
Việc trẻ tự di chuyển được xung quanh là một bước tiến tuyệt vời nhưng cũng bao hàm những “thương tích” khi trẻ bị ngã hoặc va đập vào đồ vật trong nhà. Đó có thể là những vết trầy xước, vết bầm thậm hay vết sưng tấy. Do bạn không thể đảm bảo an toàn 100 % cho con nên nếu con bị té ngã hãy ôm hôn và vỗ về để an ủi và động viên bé.
Sự hòa đồng của bé 10 tháng tuổi
Tính cách của bé 10 tháng tuổi đang dần hình thành rõ nét hơn. Kỹ năng xã hội của trẻ cũng đang phát triển và trẻ có thể nở nụ cười một cách rộng rãi với mọi người hoặc có thể rất e dè, nhút nhát và giấu mặt đi khi người khác muốn tương tác với bé.
Bé cũng có thể lặp lại những âm thanh hoặc cử chỉ để thu hút sự chú ý của bạn, thậm chí có thể vẫy tay khi thấy bạn đi ra cửa.
Ngoài hành động, bé còn đang phát triển những ý nghĩ của riêng mình. Bạn có thể nhận thấy chúng khi bé phản đối việc được đặt vào ghế ngồi xe hơi hay xe đẩy của mình.
Bé có thể khó chịu vì những thứ trước đó không làm con lo lắng
Bé có thể thấy sợ những thứ trước đó không hề làm phiền con ví dụ như tiếng chuông cửa hay tiếng chuông điện thoại. Khi tình trạng này xảy ra, bạn hãy an ủi và cho bé thấy bạn luôn ở đó, mọi thứ sẽ ổn. Giai đoạn và cảm giác này của bé sẽ sớm trôi qua. Con chỉ cần thêm sự vỗ về của bạn cho đến khi bé bớt lo lắng về những âm thành hoặc hình ảnh nào đó.
Bạn có thể làm gì để giúp trẻ hiểu và sử dụng từ ngữ
Trẻ ở giai đoạn này mới bắt đầu hiểu được những từ và cụm từ đơn giản vì vậy điều quan trọng là bạn cần thường xuyên trò chuyện với bé. Bạn có thể giúp trẻ học từ mới bằng cách lặp lại cho con nghe.
Trò chuyện là một cách tuyệt vời để khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ và kỹ năng lắng nghe của trẻ. Khi trẻ nói một câu vô nghĩa, bạn hãy luôn cố gắng phản ứng lại theo cách nào đó. Trẻ có thể sẽ mỉm cười và tiếp tục “nói chuyện” với bạn. Bạn sẽ sớm nhận thấy một số từ hoặc cử chỉ của trẻ mà bạn có thể hiểu được, cũng như một số hình thức giao tiếp khác của trẻ như chỉ trỏ hoặc lẩm nhẩm điều gì đó.
Việc mô tả từng bước cụ thể những gì bạn đang làm cũng là một ý tưởng tuyệt vời để giúp trẻ phát triển nhận thức và khả năng ngôn ngữ , dù đó chỉ là hành động cắt hành tây cho bữa tối hoặc gấp quần áo. Bạn cũng có thể chỉ vào sự vật cho bé thấy khi bạn cùng bé ra ngoài. Bạn nên chỉ vào đối tượng và nói một cách chính xác, ví dụ : “Nhìn kìa con, có một chiếc xe buýt.”
Bạn cũng có thể hát hoặc đọc thơ cho trẻ nghe hoặc chơi các trò chơi, đồng thời thể hiện hành động đi cùng với lời nói, ví dụ: vẫy tay khi tạm biệt.
Bạn sẽ thấy trẻ sớm kết nối lời nói với mọi người và hành động. Trẻ có thể gọi mẹ khi nhìn thấy bạn hoặc gọi papa khi thấy ba, nhưng nhiều khả năng trẻ sẽ sử dụng mama hoặc dada một cách ngẫu nhiên cho cả hai bạn.
Bạn lo lắng liệu trẻ có phát triển bình thường hay không
Mỗi đứa trẻ là duy nhất và sẽ phát triển để chạm tới những cột mốc về thể chất và não bộ theo tốc độ của riêng mình. Nếu sự phát triển của bé 10 tháng tuổi của bạn chưa đạt được các cột mốc đó ngay thì cũng sẽ sớm thôi.
Đối với trường hợp trẻ sinh non, con sẽ cần nhiều thời gian hơn để làm được những việc tương tự như những đứa trẻ đồng trang lứa. Đó là lý do tại sao trẻ sinh non thường được xác định 2 loại tuổi:
- Tuổi theo thời gian : được tính theo ngày sinh của trẻ
- Độ tuổi chính xác : được tính dựa vào ngày dự sinh của trẻ
Bạn nên đo lường sự phát triển của trẻ sinh non dựa vào độ tuổi chính xác của trẻ hơn là tuổi theo ngày sinh. Bác sỹ sẽ là người đưa ra sự đánh giá chính xác nhất về sự phát triển của con.
Như vậy, bạn có thể thấy sự phát triển của bé 10 tháng tuổi đã có những thay đổi đáng ngạc nhiên so với trước đó. Trẻ đã tiến bộ không những về hoạt động mà còn cả về ngôn ngữ nữa. Việc trẻ bước được những bước đầu tiên và nói được những từ đầu tiên trong đời – đánh dấu giai đoạn con bắt đầu hành trình tìm kiếm sự độc lập của mình. Bạn hãy luôn theo sát để trợ giúp, khuyến khích cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển, bạn nhé.
Xem thêm>> Phương pháp giáo dục trẻ giai đoạn từ 0-3 tháng tuổi