Bài viết dưới đây là những chia sẻ của hot mom Phan Hồ Điệp – người đã áp dụng thành công phương pháp giáo dục Montessori cho bé về các trò chơi phát triển tư duy ngôn ngữ cho trẻ. Các mẹ cùng theo dõi xem những trò chơi đó là gì nhé!

Phương pháp giáo dục Montessori là gì?

Phương pháp giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác và chủ yếu áp dụng cho trẻ từ 2 – 6 tuổi.

Phương pháp Montessori nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại.

các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ

Chia sẻ các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ của  hot mom Phan Hồ Điệp

Trò chơi “Giỏ khám phá”

các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ

Đây được xem là trò chơi thú vị và đặc biệt mà ba mẹ có thể chơi cùng bé từ 9 tháng đến 5 tuổi. Để thực hiện trò chơi này, ba mẹ cần chuẩn bị một chiếc giỏ mây hình chữ nhật có kích thước phù hợp với bé sao cho bé có thể thò tay vào giỏ một cách dễ dàng và an toàn. Bên trong chiếc giỏ này, hãy bỏ vào những đồ vật khác nhau để con khám phá mỗi ngày như cốc nước, những hòn sỏi, túi cát, các loại quả, chìa khóa, ổ khóa, các loại vải, bàn chải đánh răng, gương, lược,… Đặc điểm của những đồ vật trong giỏ khám phá phải đảm bảo không có cạnh sắc, an toàn với trẻ để trẻ có thể cầm nắm và cảm nhận.

Cách chơi trò chơi “Giỏ khám phá” như sau: Mỗi ngày, hãy cho con lấy từ trong giỏ một số đồ vật để chơi. Trong quá trình các bạn nhỏ chơi với đồ vật, người lớn có thể giải thích cho con về đồ vật bằng việc sử dụng các tính từ miêu tả, gần gũi và chân thực nhất.

Ví dụ: Hôm nay, trẻ lấy từ giỏ một hòn sỏi to. Ba mẹ có thể trò chuyện với con về hòn sỏi đặc biệt này. Hãy miêu tả cho con thấy hòn sỏi có hình dáng như thế nào, có độ trơn nhẵn hay không, màu sắc như thế nào. Cách giải thích này có thể áp dụng cho trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Đối với trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể dùng cách khơi gợi bằng các câu hỏi để trẻ tự do nói lên cảm nhận của mình. Và ba mẹ sẽ bổ khuyết cho những cảm nhận của trẻ và cung cấp cho trẻ những thông tin chính xác về đồ vật trẻ lấy từ giỏ khám phá.

Việc trò chuyện và nói cho trẻ về đồ vật sẽ giúp các con ghi nhận nhiều từ ngữ sử dụng trong cuộc sống về cách phát âm, âm điệu cũng như các kiến thức xoay quanh đồ vật đó. Từ đó, các bạn nhỏ sẽ học được kỹ năng vận dụng ngôn ngữ trong miêu tả và thuật lại, giúp các con xây dựng nền tảng ngôn ngữ và hình thành khả năng viết văn sau này.

Để trò chơi phong phú hơn, mỗi tuần ba mẹ có thể thay đổi hoặc bỏ thêm vào giỏ nhiều đồ vật khác nhau hơn nhằm khơi gợi hứng thú tìm tòi, khám phá của trẻ. Với sự thay đổi mỗi tuần, mỗi ngày, chiếc giỏ khám phá không bao giờ là “cũ” đối với trẻ mà là một thế giới đồ vật sinh động và đa dạng. Các con sẽ chơi hoài không chán và ba mẹ hoàn toàn có thể cung cấp cho trẻ thêm vốn từ chỉ với một “chiếc giỏ mây”.

Trò chơi “Chiếc hộp bí mật”

Với trò chơi phát triển ngôn ngữ này, người lớn chỉ cần chuẩn bị một chiếc hộp chữ nhật có nắp thật đẹp với màu sắc bắt mắt để khơi gợi niềm yêu thích khám phá của trẻ, bên trong chứa các loại đồ vật theo chủ đề. Đây được coi là cấp độ hai của trò “giỏ khám phá” và áp dụng cho các bạn nhỏ lớn từ 4,5 đến 6 tuổi. Bởi ở thời điểm này, ngôn ngữ của trẻ đã có sự rõ ràng hơn và phát triển mạnh mẽ về chất và lượng ngôn ngữ. Điều ba mẹ cần làm chính là tạo cơ hội để trẻ củng cố, gia tăng vốn từ một cách hiệu quả nhất. Đó là lý do Hot Mom Phan Hồ Điệp khuyến khích phụ huynh chơi trò chơi “chiếc hộp bí mật” với trẻ.

Cách chơi trò chơi “chiếc hộp bí mật” khá đơn giản. Các con sẽ thò tay vào hộp, sờ và cảm nhận một đồ vật nào đó và miêu tả, giải thích cho ba mẹ về đồ vật đó để ba mẹ đoán. Việc vận dụng ngôn ngữ để tái hiện đồ vật thông qua cảm nhận bằng xúc giác cho người khác hiểu giúp các con phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên. Đồng thời, đây cũng là cách để phát triển các giác quan của trẻ một cách toàn diện.

Mức độ khó của trò chơi phát triển ngôn ngữ này tăng lên khi ba mẹ và bé cùng đặt ra quy tắc thời gian. Các con sẽ chỉ có thể miêu tả đồ vật trong khoảng thời gian nhất định. Khi có sức ép thời gian, các con sẽ buộc phải có sự phản xạ ngôn ngữ nhanh để lựa chọn những từ ngữ dễ hiểu và miêu tả chính xác về đồ vật.

Trò chơi sẽ vui hơn khi có sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhà. Trẻ sẽ là người sờ và cảm nhận, miêu tả trước và ba mẹ là người đoán và ngược lại.

Trò chơi “Tìm từ cùng loại”

Dựa trên nhịp độ phát triển tự nhiên của trẻ, ở giai đoạn từ 4 – 6 tuổi, ba mẹ có thể tăng độ khó của các trò chơi phát triển ngôn ngữ. Và tìm từ không cùng loại là một trò chơi tuyệt vời dành cho bé và ba mẹ tại thời điểm này. Chúng ta có thể chơi cùng trẻ mọi lúc, mọi nơi và ở bất cứ đâu với học liệu chính là vốn từ của ta.

Hiểu một cách đơn giản, trò chơi tìm từ không cùng loại chính là đưa cho con một dãy từ và đưa ra một câu hỏi về tìm từ không cùng loại để con tìm ra một từ không chung nhóm với các từ còn lại.

Ví dụ: Trong nhóm từ “xe đạp, xe máy, tàu thủy, ô tô” , con hãy tìm ra một từ chỉ phương tiện không di chuyển trên cạn. Ba mẹ có thể gợi ý cho con bằng việc mô tả đặc điểm, tính chất của từng từ, giúp con hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chúng. Theo đó, các bé cần chỉ ra “tàu thủy” là từ không cùng loại. Hay một dãy từ khác gồm “quả táo, quả ổi, quả cà, quả bí”, ba mẹ sử dụng hình ảnh để bé quan sát và mô tả cho bé bằng ngôn từ dễ hiểu để các con tự tìm ra đặc điểm của từng quả. Từ đó, trẻ có thể tìm ra từ không cùng loại là từ “quả bí” vì quả bí có dáng dài, không tròn như những quả khác.

Trong quá trình chơi, nếu sử dụng từ kèm hình ảnh, ba mẹ có thể hỏi ngược lại trẻ để trẻ miêu tả về điều chúng quan sát được và gợi ý cho bé đi đến câu trả lời về từ không cùng loại. Người lớn cũng nên nên khuyến khích con tự nghĩ ra câu đố cho mình. Đó chính là mức độ cao của việc quan sát và sử dụng từ ngữ.

Theo Hot Mom Phan Hồ Điệp, các nhóm từ loại trong trò chơi “tìm từ không cùng loại” có thể không cùng từ loại (danh từ, động từ, tính từ), không cùng màu sắc, không cùng hình dáng, không cùng chủng loại, không cùng số tiếng, không cùng trường nghĩa,… trên cơ sở đó, ba mẹ có thể chủ động xây dựng các dãy từ để đặt ra câu hỏi cho con.

các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ

Việc tìm từ không cùng loại không chỉ cung cấp thêm vốn từ cho con mà còn giúp các con ghi nhớ đặc điểm của từng từ, phân loại từ và ý nghĩa của từ cũng như mở mang kiến thức. Nhờ vậy, các con sẽ sở hữu vốn từ đa dạng, phong phú hơn và phát triển tiềm năng ngôn ngữ bền vững, tạo tiền để học tốt Tiếng Việt sau này.

Hi vọng với các trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ trên đây mà hot mom Phan Hồ Điệp chia sẻ sẽ hữu ích đối với các mẹ.

(Nguồn: Tham khảo)