Cungconlonkhon – Hầu hết những lời phàn nàn của các bậc cha mẹ thường tập trung ở một vấn đề gây bối rối nhất cho họ, đó là nuôi dạy những đứa con bướng bỉnh, hay chống đối, ương ngạnh.
Trong vốn từ của trẻ khoảng 2 tuổi trở lên, có một từ thường xuyên được sử dụng là từ “Không!”. Thậm chí, cả những đứa trẻ vốn được coi là ngoan ngoãn cũng có lúc trở nên bướng bỉnh. Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, những lúc gia đình bận bịu và đông người, từ “Không” đầy cương quyết ấy lại càng có dịp phát huy.
Khi trẻ lên 4, 5 tuổi, biểu hiện rõ rệt nhất là sự cãi lời cha mẹ. Đến tuổi lớn hơn, trẻ lại nảy sinh nhiều hình thức phản ứng mạnh mẽ như bỏ nhà đi, đến nhà bạn ở tạm, có khi đi “bụi” suốt mấy ngày để thoát ly khuôn khổ gia đình.
Vậy tại sao trẻ lại bướng bỉnh?
Các chuyên gia tâm lý cho biết, thái độ ngang bướng ở trẻ em chỉ là hiện tượng tự nhiên của con người một khi muốn tự rèn luyện ý chí tự lập và thể hiện cá tính, cũng như muốn được sống độc lập. Do vậy, khi cha mẹ gặp phải tình huống trẻ bướng cũng đừng quá bực mình mà chỉ cần thực hiện những phương thức khéo léo để uốn nắn trẻ.
Thật ra thì hành vi bướng bỉnh và chống đối của trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển từ lúc còn ấu thơ cho đến tuổi niên thiếu là bình thường. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ đã cố gắng học hỏi cách thức đối phó với những quy tắc và luật lệ của thế giới người lớn, đồng thời cũng ra sức đấu tranh cho quyền lợi cá nhân mình. Lẽ thường, tất cả trẻ con đều bướng bỉnh hoặc có biểu hiện chống đối và ương ngạnh vào một giai đoạn nào đấy. Trẻ không thể khôn lớn được nếu không có ý kiến, suy nghĩ, nhu cầu hay những mơ ước riêng tư. Chính những điều này giúp hình thành và khẳng định cá tính của chúng.
Khi trẻ bướng bỉnh nói “Không”, thay vì lo lắng, bực tức, bạn hãy vui mừng đi. Bởi đó là biểu hiện trẻ đã biết khẳng định cái tôi của mình. Khi trẻ lên 5 tuổi, trẻ cần có chính kiến riêng, biết chọn lựa một cách độc lập – đó là một khả năng rất quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức. Muốn dạy cho con điều này, bạn nên khuyến khích con mạnh dạn nói lên nhận định, ý kiến của mình.
Tuy nhiên, trẻ bướng bỉnh có thể xuất phát từ hai nguyên nhân: tâm lý và sinh lý.
Những nguyên nhân tâm lý khiến trẻ không vâng lời có thể là do thiếu hụt tình cảm vì cha mẹ không có thời gian dành cho trẻ hoặc trẻ bị cư xử quá khắc nghiệt. Chính vì thế, trẻ luôn luôn tìm kiếm sự chú ý. Bướng bỉnh hay chống đối là một trong những cách để trẻ lôi kéo sự chú ý của người khác, thể hiện vai trò của mình.
Chẳng hạn, nếu cha mẹ nói: ”Không nghe lời hãy liệu hồn” thì những lời đe dọa như thế thường kích thích đứa trẻ bướng bỉnh, nó muốn đương đầu với cha mẹ và xem mình có quyền hạn tới đâu.
Nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ bướng có thể kể đến là do cha mẹ, ông bà quá nuông chiều hoặc người lớn có sự mâu thuẫn trong việc đưa ra các giới hạn được phép và không được phép. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ thường mè nheo người bênh vực trẻ, người không cấm đoán và trở nên bướng bỉnh với mọi người để được chiều theo ý thích.
Một nguyên nhân khác khiến trẻ bướng bỉnh liên quan đến sức khỏe thể chất của trẻ. Khi trẻ ốm, mệt trẻ cũng dễ bướng bỉnh hơn lúc trẻ khỏe mạnh. Chăm lo việc ăn uống, sinh hoạt cho con tốt, phòng tránh bệnh tật cho con cũng là cách giúp trẻ bớt bướng bỉnh.
Theo báo Tuổi Trẻ Online, các chuyên gia tại Bệnh viện nhi Columbus, Ohio (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu trên các trẻ em ở độ tuổi 6-17 mắc chứng đau nửa đầu. Kết quả cho thấy khả năng trẻ bị đau nửa đầu mắc hội chứng ODD (hội chứng rối loạn thách thức) cao hơn so với trẻ bình thường.
Các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ nên để tâm nhiều hơn đến mối liên hệ giữa các cơn đau đầu và hành vi của trẻ. Họ cho rằng trẻ cần phải được chữa trị đặc biệt nếu trong một tháng, chúng than đau đầu tới 3 lần.
Những điều cha mẹ cần tránh
Đánh, mắng chửi con
Nếu cha mẹ dùng cách này để dạy trẻ chỉ làm trẻ bướng thêm mà thôi, bởi đó chỉ là sự đàn áp chứ không phải giáo dục. Chính những hành vi bạo lực kể trên đã hủy hoại sự phát triển cá tính của đứa trẻ.
Dán nhãn “hư, xấu, tồi…” cho con
Nếu lỡ các con có mắc phải sai lầm hay gặp vướng mắc gì thì cha mẹ cũng không nên dùng những lời nói nặng như: “Sao mày ngu thế, dốt thế!”. Với những lời nhận xét như vậy, thì cha mẹ đã vô tình xúc phạm trẻ và hất bỏ tất cả mọi cố gắng phấn đấu của trẻ từ trước đến nay.
Ngoài ra các mẹ cũng nên tránh phạt con trong những trường hợp sau:
- Phạt con khi cha mẹ đang nóng giận
- Phạt khi có người thứ ba sẽ khiến trẻ xấu hổ, tự ti hoặc nổi loạn.
Những điều cha mẹ nên làm
Kiềm chế cảm xúc tiêu cực
Khi con bướng, thay vì nóng giận, cha mẹ cần kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh. Cha mẹ càng bình tĩnh, giữ nét mặt bình thản, càng dễ dàng ngăn chặn cơn bướng bỉnh của trẻ. Thay vì mắng chửi, cha mẹ nói cho con nghe những cảm xúc của mình, lúc đó sẽ giúp con hiểu cha mẹ hơn mà không xúc phạm đến con. Một cử chỉ tiếc nuối thể hiện trên khuôn mặt, một thái độ ra vẻ thất vọng nhưng vẫn tỏ ra các bạn rất tin tưởng vào sự tiến bộ, đổi thay của con mình tốt hơn là dùng lời cay độc!
Cho con cái cơ hội được nói
Khi con cái của bạn có lỗi, có khuyết điểm, không phải trẻ không đau buồn. Hãy cho con bạn nói lên nỗi lòng của chúng. Cha mẹ cần hiểu được tâm tư nguyện vọng, cũng như tạo được sự gần gũi cần thiết để trẻ có thể bớt sợ mà bộc lộ nguyên nhân hay lý do vì sao chúng phạm lỗi. Có như thế, cơn giận dữ của cha mẹ sẽ giảm bớt đi.
Đưa ra yêu cầu đơn giản, nhẹ nhàng, có giải thích
Thay vì quát con: “Ăn nhanh lên!” hoặc “Có muốn ăn vài roi không?” thì cha mẹ nên nói: “Con ăn nhiều mới khỏe được như siêu nhân chứ!’, “Đã trễ lắm rồi. Con phải ăn nhanh để mẹ còn dọn dẹp và nghỉ ngơi nữa chứ. Mẹ còn rất nhiều việc phải làm chứ không thể chờ con mãi”. Chính việc đơn giản hóa của người mẹ trước thái độ cứng đầu của đứa con sẽ giúp trẻ biết suy nghĩ về nỗi cực nhọc của mẹ, để từ đó trẻ cảm thấy thương mẹ hơn và không muốn làm trái lời mẹ.