Tạo môi trường tiếp xúc với sách từ nhỏ, đọc sách cùng con mỗi ngày, dạy chữ một cách đơn giản, tự nhiên là những cách cha mẹ Nhật dạy con yêu sách.
Chắc hẳn không có cha mẹ nào quên được cảm giác hạnh phúc khi lần đầu tiên thấy con chỉ vào trang sách rồi đọc chữ đó lên phải không nhỉ? Việc trẻ biết đọc có một ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi nó là bằng chứng đầu tiên để chứng tỏ trẻ đã thoát từ bản năng động vật để vươn lên biết tư duy, sử dụng trí tuệ của một con người theo đúng nghĩa. Từ đây cánh cửa tri thức sẽ rộng mở với trẻ để trẻ thỏa mãn trí tò mò và khám phá thế giới xung quanh.
Dưới đây Cungconlonkhon.com chia sẻ cách người Nhật dạy con yêu sách, từ yêu sách tới yêu thích học chữ, qua việc trao đổi với bạn bè đồng nghiệp cũng như quan sát cha mẹ Nhật đọc sách cùng con.
Tạo môi trường để trẻ có hứng thú với việc học chữ và đọc sách
Qua những câu chuyện nhỏ tôi được nghe kể về thời thơ ấu của các bạn cùng phòng nghiên cứu và quan sát những bà mẹ nuôi con nhỏ, tôi đã rút ra một nhận xét: Muốn trẻ đọc thì đầu tiên phải tạo hứng thú, và muốn cho trẻ có hứng thú phải tạo ra môi trường giúp trẻ tiếp xúc với sách truyện từ sớm.
Môi trường để trẻ tiếp xúc với sách truyện là yếu tố tiên quyết giúp trẻ yêu thích việc đọc và học chữ.
Tất cả những người tôi nói chuyện đều đã được tiếp xúc với truyện thiếu nhi và sách tham khảo từ khi chưa đi học với rất nhiều hình thức khác nhau. Truyện thiếu nhi hay sách tham khảo được cha mẹ mua mới hoặc mua ở tiệm sách cũ, hoặc đa phần là mượn ở thư viện gần nhà.
Cha mẹ sẽ để sách ở nơi nào trẻ dễ lấy nhất, hay là đọc cho trẻ những sách mà trùng hợp với thời tiết hôm đó, sự kiện ngày hôm đó để cho trẻ dễ dàng nhớ. Những cuốn sách sẽ được đặt ngăn nắp ở một góc riêng cho trẻ cũng là một cách giúp trẻ cảm thấy coi trọng việc đọc sách.
Đọc sách cùng con mỗi ngày
Tất cả mọi người đều được cha mẹ đọc truyện cho nghe hồi còn bé. Có người thì được cô giáo đọc truyện cho nghe ở lớp rồi về kể lại cho cha mẹ, sau đó cha mẹ bắt đầu đọc truyện cho trẻ nghe. Thông qua những cuốn truyện cổ tích, thế giới tâm hồn trẻ được lấp đầy bởi trí tưởng tượng, bởi những câu chuyện về đạo lý, tình người, tình cảm gia đình, bạn bè, hay được khám phá thế giới động vật, thực vật, lịch sử, văn học qua những cuốn từ điển, truyện lịch sử.
Học chữ một cách đơn giản, tự nhiên
Khi trẻ đã bắt đầu thích những cuốn sách thì sẽ bắt đầu muốn tự đọc chúng. Lúc này cha mẹ sẽ vừa đọc vừa chỉ cho trẻ những từ trong sách. Thời kỳ từ 0 – 3 tuổi là thời kỳ trẻ có khả năng nhớ nguyên mảng và nhớ từng chữ một rất tuyệt vời, nên việc lặp đi lặp lại mỗi cuốn truyện chỉ cần 2-3 lần, trẻ có thể nhớ nội dung và cách đọc. Khi trẻ bắt đầu biết đọc thì sẽ càng kích thích hứng thú giúp trẻ phát huy khả năng ham muốn học hỏi, thỏa mãn trí tò mò. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ bằng những câu hỏi “Tại sao lại thế nhỉ, con thử tìm hiểu xem sao”. Nhật có hai bảng chữ cái là Higarana và Katakana, và thường thì trẻ sẽ được dạy bảng chữ cái để có thể đọc những cuốn truyện tranh không có chữ Hán tự. Hầu hết các trường mẫu giáo đều dạy chữ cái cho trẻ để trẻ có thể tự viết tên mình, tự làm bài tập đơn giản ở nhà như viết thư cho bạn, cho ông bà… Có những cha mẹ thì dạy cho con cả chữ Hán tự để con có thể đọc những cuốn sách khác khó hơn.
Thói quen đọc sách từ nhỏ đã hình thành nên một xã hội ham học
Có thể nhận thấy rằng người Nhật vô cùng bận rộn nhưng vẫn luôn biết tranh thủ mọi lúc mọi nơi như đứng đợi tàu, ngồi trong xe điện, trên xe bus để đọc sách. Tôi quan sát và thấy rằng trên xe điện trung bình 4, 5 người sẽ có một người đọc sách hoặc báo.
Tuy nhiên, xu thế gần đây cho thấy người trẻ dành thời gian trên tàu chơi game hay Chat, lướt web trên smart phone rất nhiều nên họ lười đọc sách đi hơn so với những người trung niên. Thực tế đúng là như vậy. Trên tàu phần nhiều là những người có tuổi đọc sách, còn lại giới trẻ thì chăm chăm vào chiếc điện thoại.
Giáo sư của mình là một người vô cùng bận rộn nhưng vẫn dành ra mỗi ngày khoảng 30 phút đến 1 tiếng để đọc sách. Hay như người quen của mình mỗi sáng dậy từ 4 giờ để làm việc và đọc sách. Có lẽ được tiếp xúc với sách truyện ngay từ khi còn nhỏ nên việc thích đọc sách đã trở thành một điều tự nhiên đối với nhiều người Nhật.
Đọc sách cùng con: kiên nhẫn như cha mẹ Nhật
Khi đọc sách cùng con,có lẽ nhiều cha mẹ cảm thấy nản lòng mỗi khi con không chịu ngồi yên nghe, hoặc cứ muốn giằng, xé, hay ném sách đi.
Những quan sát trực tiếp từ những người quen là người Nhật, tôi nhận thấy rằng cha mẹ Nhật rất kiên nhẫn với con cái trong việc đọc truyện cho con, chính vì họ thấu hiểu tâm lý trẻ thơ qua từng giai đoạn. Họ không quá vội vàng muốn con phải tập trung nghe ngay bởi vì trẻ con ở giai đoạn từ 1 – 3 tuổi khả năng tập trung chưa cao,thời gian tập trung chỉ khoảng 10 hay 15 phút. Trẻ tầm 1 tuổi hay 1 tuổi rưỡi chỉ tập trung được từ 5 – 7 phút.
Việc cha mẹ Nhật kiên trì đọc nhiều lần cho con còn xuất phát từ ý nghĩa tích cực của việc làm này. Khi nghe cuốn sách lần thứ hai trở đi, trẻ sẽ phản ứng tích cực hơn. Chẳng hạn,bản thân trẻ tự nhiên khám phá ra điều gì đó ngạc nhiên sẽ cảm thấy thích thú. Khi trẻ phát hiện ra từ vựng mới, trẻ sẽ hứng thú đọc theo. Đây là bằng chứng cho thấy trẻ có thể tự nhận thức một cách chủ động.
Có thể đối với người lớn thì việc đọc lại cho trẻ nghe này không có ý nghĩa gì, nhưng chính việc đáp ứng mong muốn của trẻ sẽ tạo ra cho trẻ cảm giác an toàn khi ở bên cha mẹ,trẻ hiểu được ý nghĩa thú vị của những cuốn truyện và những trao đổi qua lại của cha mẹ.
Việc đọc đi đọc lại cũng giúp trẻ nhớ được từ vựng, và dễ dàng hơn với việc dạy trẻ biết mặt chữ.
Phương pháp đọc sách cho con của cha mẹ Nhật
Đọc sách khi con có hứng thú: Cha mẹ Nhật ưu tiên tâm trạng của con, đọc sách cho con khi con có hứng thú. Nếu đang đọc mà trẻ bỏ đi chơi, đừng thuyết giáo với trẻ rằng mẹ đang đọc sao con lại không nghe, hãy ưu tiên tâm trạng trẻ, cho phép con làm điều con thích để cả hai mẹ con cùng vui vẻ.
Không có nguyên tắc nhất định nào về tốc độ đọc: Cha mẹ có thể đọc với tốc độ bình thường để trẻ không cảm thấy khó nghe hay thấy bị ép phải nghe.
Đọc cho trẻ bao nhiêu cuốn không quan trọng bằng việc trẻ có hứng thú với cuốn nào.
Thông qua những hình vẽ trong truyện,trí tưởng tượng của trẻ sẽ rộng mở hơn và trẻ sẽ thích thú với thế giới tưởng tượng của mình. Vì thế, nếu trẻ muốn dừng lại ở trang đó thật lâu thì hãy để cho trẻ ngắm mà đừng vội lật qua trang khác.
Quan trọng nhất là dựa vào nội dung cùng không khí của câu chuyện để điều chỉnh giọng điệu và giọng đọc của mình, lúc cần to thì nói to rõ ràng, lúc cần thủ thỉ thì hãy thủ thỉ.
Khi đọc cho trẻ liền mạch hai cuốn truyện trở lên, cần chú ý đến việc nghỉ giải lao, thay đổi nội dung và kết hợp độ ngắn dài của truyện để đọc cho trẻ, để làm sao trẻ sẽ muốn được nghe đọc tiếp lần sau.
Khi đọc đến đoạn nào cảm động, cha mẹ muốn hỏi xem con cảm thấy thế nào, nhưng đó là điều sai lầm. Nếu là trẻ ở độ tuổi vẫn chưa đủ khả năng dùng từ ngữ diễn đạt cảm xúc hay suy nghĩ của mình thì, điều đó lại khiến cho cảm xúc đang trôi theo câu chuyện của trẻ bị kéo ngược trở về thực tại, khiến trẻ mất hứng thú nghe tiếp. Đừng bao giờ hỏi trẻ về cảm tưởng khi đang đọc dở dang. Hãy hỏi sau khi đọc xong, và tùy từng lứa tuổi để áp dụng.
Hãy ghi lại mục tiêu và nhật ký đọc cho con nghe, con đã có thể nhớ hay kể lại những câu chuyện nào, từ đó làm bằng chứng theo dõi những tiến bộ của con.
Xem thêm>> Phương pháp học và chơi ở trường tiểu học như thế nào?