Trẻ sơ sinh bị sốt là phản ứng của cơ thể trẻ trước sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Trẻ sơ sinh bị sốt là nỗi lo lớn của các bậc cha mẹ, lo lắng vì sao con bị sốt? Làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt? Tất tần tật những thắc mắc về tình trạng trẻ sơ sinh bị sốt sẽ được Cungconlonkhon.com tổng hợp trong bài viết sau các mẹ tham khảo nhé!
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị sốt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sốt và mẹ cần quan sát thêm các triệu chứng đi kèm nếu thấy bé rét run, xuất huyết, co giật, khó thở, người tím tái, li bì… Tốt hơn hết là mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sốt:
- Sốt do vi khuẩn, virut: Vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào có thể thông qua đường hô hấp và đường tiêu hóa của bé gây các bệnh như: viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, bệnh tả, kiết lỵ… đều có thể gây sốt.
- Sốt do mọc răng: Từ 6 tháng tuổi trở lên trẻ sẽ bước vào quá trình mọc răng và cũng có thể bị sốt.
- Sốt sau khi tiêm phòng: Việc cho trẻ đi tiêm phòng cũng sẽ khiến trẻ bị sốt nhưng tình trạng sốt sẽ tự hết sau 1 – 2 ngày
- Với những bé bị sốt trên 38,5 độ C và có thêm một số biểu hiện như rét run, xuất huyết, co giật, khó thở, người tím tái, li bì… rất có thể trẻ đã mắc phải những bệnh nguy hiểm như viêm phổi, sốt rét, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, viêm màng não…
Biểu hiện của trẻ sơ sinh bị sốt
Thường thì các bậc cha mẹ biết được con bị sốt hay không bằng cách sờ vào trán, vào người xem thân nhiệt của con có nóng hay không. Hầu như mọi trường hợp nhiệt độ cơ thể bé nóng hơn đều mặc định rằng bé đã bị sốt. Thực tế, sốt ở trẻ không chỉ đơn thuần nhiệt độ cơ thể tăng mà còn kèm theo những triệu chứng khác nhau.
Do vậy, mẹ nên dùng nhiệt kế để kiểm tra thân nhiệt của trẻ sơ sinh một cách chính xác nhất. Nhiệt độ được đo chuẩn nhất tại các vùng như miệng, nách hoặc hậu môn. Dùng nhiệt kế giúp mẹ xác định xem bé sốt ở mức độ nào để có hướng chăm sóc hiệu quả và kịp thời.
Nếu thân nhiệt bé ở trong khoảng từ 37,5-38 độ, bé đã bị sốt nhẹ mẹ cũng không nên quá lo lắng. Trường hợp nhiệt độ tăng từ 38-39, bé có nguy cơ sốt cao, đặc biệt tăng đến 40 độ và có dấu hiệu co giật, mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị sốt?
Dựa trên mức độ sốt của trẻ cha mẹ sẽ có cách xử trí và chăm sóc khác nhau, cụ thể:
Khi trẻ bị sốt nhẹ: nhiệt độ đo được là từ 37,5 độ C – 38,5 độ C thì cha mẹ chỉ cần nới lỏng, cởi bớt quần áo của trẻ. Lúc này, trẻ chưa cần dùng thuốc hạ sốt mà chỉ cần được cho uống nhiều nước, Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ thì có thể cho trẻ bú nhiều hơn. Đặc biệt lưu ý, cha mẹ cần tránh để trẻ ở nơi có gió lùa và tiếp tục theo dõi thân nhiệt của trẻ.
Khi trẻ bị sốt cao: trên 38,5 độ C thì cha mẹ cần cởi bớt quần áo và cho trẻ mặc quần áo mỏng, mềm, thoáng, rộng rãi, thoải mái; giảm nhiệt độ trong phòng trẻ bằng cách mở cửa (cửa chính, cửa sổ), bật quạt nhẹ (tránh gió lùa). Lúc này, trẻ cần được cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol dành cho trẻ nhỏ (đơn chất dạng gói hoặc siro)…. Thuốc hạ sốt này dễ sử dụng và giúp hạ sốt nhanh, sau khi uống 30 phút và các tác dụng trong vòng 4 – 6 giờ, thuốc ít có tác dụng phụ. Tuy nhiên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý cho trẻ uống đúng liều lượng/cân nặng theo chỉ định. Trường hợp trẻ không uống được, có thể dùng thuốc hạ sốt dạng viên đặt hậu môn, nhưng nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì không nên dùng thuốc dạng viên đặt này.
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới sơ sinh bị sốt cao liên tục, 39 – 40 độ C, do hệ thần kinh của trẻ rất nhạy cảm nên nếu không xử trí kịp thời trẻ có thể bị co giật, thiếu oxy não. Vì vậy, cha mẹ phải liên tục theo dõi thân nhiệt của trẻ để có thể xử trí kịp thời, phòng trẻ sốt cao bị co giật. Trong cơn sốt cao trẻ có thể bị rét run, tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không ủ ấm hay mặc thêm áo quần áo cho trẻ mà cần phải tìm cách hạ nhiệt nhanh chóng bằng cách làm mát cơ thể và môi trường xung quanh trẻ. Đó là cách phòng ngừa tốt nhất và an toàn nhất để trẻ không bị sốt co giật.
Cùng với việc dùng thuốc, làm hạ nhiệt độ, lau mát cơ thể trẻ bị sốt bằng cách dùng khăn bông mềm thấm nước ấm lau lên trán, hai bên nách, hai bên hoặc lau người. Cụ thể, cha mẹ và người chăm sóc đặt trẻ nằm ngửa trên giường và cởi bỏ quần áo của trẻ. Dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm vắt hơi ráo. Đặt hai khăn ở hai nách, bẹn và dùng một khăn còn lại lau khắp người. Nước ấm bốc hơi giúp giãn mạch máu và làm trẻ mát. Cha mẹ lưu ý nên thay khăn khoảng 2 phút một lần. Khi thân nhiệt của trẻ hạ xuống dưới 38,5 độ C thì ngưng lau mát, lau khô người và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh bị sốt bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi hoặc nước điện giải oresol pha theo hướng dẫn, để phòng ngừa trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải gây mệt mỏi. Sau đó, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân và điều trị. Khi đưa trẻ đến cơ sở y tế, cha mẹ nên mang theo nhiệt kế và thuốc hạ sốt để có thể theo dõi nhiệt độ và cho trẻ uống thuốc khi cần.
Lưu ý, không được nặn chanh vào miệng và mắt khi trẻ sơ sinh bị sốt, và cũng không nên dùng nước đá lạnh để hạ sốt hay lau mát cho trẻ. Khi trẻ đang co giật, không giật tóc, vỗ vào người trẻ vì càng khiến trẻ bị kích thích và co giật nhiều hơn.