Ăn dặm kiểu Nhật tổng hợp những menu ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng cũng như giúp kích thích hệ tiêu hóa của bé hoạt động một cách trơn tru. Tuy nhiên các mẹ thường băn khoăn, bối rối về những thông tin cho bé ăn dặm trên Internet mà có ít chương trình nghiên cứu nào về phương pháp ăn dặm này. Mọi người hãy cùng theo dõi những câu hỏi cũng như lời giải đáp dưới đây để lưu ý trong quá trình cho bé ăn nhé!
Ăn dặm kiểu Nhật từ mấy tháng?
Theo lý thuyết bé sẽ ăn dặm khi đã đủ 5 tháng tuổi. Trên thực tế các mẹ nên bắt đầu cho con ăn dặm khi con đã có những biểu hiện như: thèm ăn, đòi thức ăn khi thấy người lớn ăn, biết cách ngậm thìa tương đối…Có nhiều bé đòi ăn sớm nhưng cũng có bé vẫn chưa sẵn sàng cho việc ăn dặm, vì thế mẹ phải là người hiểu tâm lý của con và đáp ứng nhu cầu ăn dặm của con. Thời gian lý tưởng để khởi động ăn dặm cho bé là đủ 5 tháng tuổi cho đến 6 tháng tuổi.
Ăn dặm kiểu nhật có cho dầu ăn không?
Dầu ăn/ mỡ động vật đóng vai trò quan trọng trong cả việc phát triển cũng như sinh trưởng. Không có dầu ăn/ mỡ động vật có thể gây ra rất nhiều bệnh, trong đó có cả những bệnh liên quan đến trí não, làm trẻ đần độn. Nhưng như thế không có nghĩa là mẹ phải trộn dầu ăn/mỡ động vật vào bất cứ món ăn nào của con trong khi nấu nướng. Việc lạm dụng thêm dầu ăn/mỡ vào thức ăn có thể khiến bé bị ngán, khó ăn, nhất là khi mẹ sử dụng dầu/mỡ thông thường thay vì các loại dầu ăn dặm sản xuất riêng cho trẻ.
Hiện nay trên thị trường có quá nhiều các loại dầu ăn được sản xuất dành riêng cho trẻ em, nào là dầu hạt cải, dầu ôliu, dầu cá hồi… Và hầu hết các loại dầu bổ sung này đều hướng dẫn sử dụng là không nấu, đun kỹ, gây ra hiện tượng mất chất dinh dưỡng, nên chỉ khi múc cháo, thức ăn của con ra bát, đĩa thì mới trộn vào. Tuy nhiên, có mẹ than thở rằng không mua, không cho vào đồ ăn của con thì sợ con mình phát triển không bằng… con hàng xóm, mà cho vào thì mấy loại dầu này có mùi quá đặc trưng, dẫn đến mất hẳn vị ngon của các món ăn mẹ kỳ công nấu nướng.
Thực chất, đúng là dầu ăn /mỡ động vật rất quan trọng, nhưng không cần nhiều. Đồng thời, chính quá trình chế biến hàng ngày: xào, rán, nấu, thậm chí luộc rau cũng có dầu ăn (để rau bóng và mềm) đều đã đủ lượng dầu ăn/ mỡ cần thiết rồi. Các loại dầu ăn dành cho trẻ em được quảng cáo là thêm DHA giúp trẻ thông minh hay thêm vitamin này nọ giúp trẻ phát triển,… đều có thể bỏ qua nếu không phù hợp với hương vị của món ăn. Có nghĩa là không tội gì các mẹ ép con ngày nào cũng phải ăn thêm vài giọt dầu ăn trẻ em, làm mất đi hương vị nguyên bản, chưa kể nó còn gây ngán, khó ăn, biếng ăn ở trẻ em.
Ăn dặm kiểu Nhật cần chuẩn bị những gì?
Những dụng cụ ăn dặm kiểu Nhật cho bé cần thiết dùng đến là bộ chế biến ăn dặm kiểu Nhật như đĩa mài, rây lọc, dụng cụ vắt cam, cối, chày,..để nghiền nát thức ăn dặm. Ngoài ra các mẹ cần chuẩn bị thêm nồi áp suất, bình ủ nhiệt để làm nóng thức ăn cho bé. Bộ thìa, bát đĩa ăn dặm và ghế ăn dặm cũng vô cùng cần thiết và không thể thiếu khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật.
Ăn dặm kiểu nhật có cho gia vị không?
– Khuyến cáo: Bé dưới 1 tuổi không nên ăn gia vị (bột canh, bột nêm, muối, mỳ chính, nước mắm, đường, ớt gừng tỏi,…) đặc biệt là gia vị mặn vì sẽ làm hại đến thận của bé.
– Tốt nhất hãy để bé đủ 1 tuổi mới nghĩ đến việc nêm nếm. Còn nếu buộc phải nêm nếm (do sức ép từ gia đình) thì cố gắng để bé đủ 9 tháng, lượng ăn chỉ như đầu đũa chấm vào thôi.
Với những lời giải đáp cho những thắc mắc của các mẹ về cho bé ăn dặm kiểu Nhật trên đây hi vọng sẽ hữu ích đối với mọi người. Chúc các mẹ nuôi con khỏe mạnh!
-Tổng hợp-