Cungconlonkhon – Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà nội – Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Nhi Trung ương vế những bệnh trẻ em hay mắc phải, mọi người hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây:
Nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi, con gái tôi từ 9 tháng tuổi bị viêm phế quản,viêm mũi họng. Cháu rất hay bị nhầy dịch mũi đặc khó thoát ra ngoài. Tôi có cho cháu đi điều trị từ 9 tháng đến nay con tôi đã 18 tháng nhưng vẫn ko khỏi mà hay tái phát, thuốc điều trị trong 6 tháng liên tục là Aeruis, singulair 4mg, bronket, avamys liều 120, seritide, xịt hummer và khi có nhiều mũi thì dùng thêm collergis. Và đến nay 18 tháng bệnh vẫn hay tái phát lại bị thêm viêm tai giữa. Gia đình rất mệt mỏi, xin chuyên gia tư vấn giúp,tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy: Đây là một bệnh đường hô hấp trên, liên khoa giữa nhi và tai-mũi-họng. Chuyên khoa tai-mũi-họng có một câu nói là “lai rai như tai-mũi-họng”, tức là bệnh cứ tái đi tái lại, thông từ tai sang mũi, họng, vì thế không có gì lạ nếu hôm nay bác sĩ này chẩn đoán viêm họng, ngày mai bác sĩ khác lại chẩn đoán viêm tai giữa… Tôi cũng hiểu tâm lý của các ông bố bà mẹ lo lắng và chị cũng rất kiên trì cho con đi khám liên tục 9 tháng và uống đủ các loại thuốc và tôi cũng muốn nhắc lại rằng phòng bệnh tiên phát hơn thứ phát, dự phòng chính là cách để làm cho đứa trẻ không bị bệnh. Tôi cũng nhất trí là con chị chắc chắn bị tình trạng dị ứng nên mới liên tục bị bệnh tai mũi họng như thế.
Ngoài việc tuân thủ điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ thì còn một vấn đề đáng quan tâm là gia đình đang sống trong môi trường như thế nào. Ví dụ trong nhà có người hút thuốc lá không, môi trường có quá chật hẹp hay không, cháu có bị lây nhiễm chéo trong môi trường nhà trẻ hay mẫu giáo không, con chị có bị suy dinh dưỡng không, có bệnh lý khác kèm theo không… chúng ta phải giải quyết tất cả các vấn đề đó kết hợp với dùng thuốc thì mới giải quyết được tình trạng bệnh của cháu. Tôi nghĩ anh chị nên đưa cháu đến cơ sở điều trị chuyên khoa tai-mũi-họng trung ương để được tư vấn chính xác cả về dự phòng tiên phát, cả về chế độ ăn, thuốc…
ThS.BS. Lê Anh Tuấn: Tình huống của con bạn cũng gặp khá phổ biến trong các chuyên khoa tai-mũi-họng và chủ yếu là đến các phòng mạch. Những trường hợp như vậy chúng tôi cũng gặp khá nhiều với các biểu hiện viêm mũi họng, sau đó có thể có viêm tai hay viêm phế quản, có thể kèm theo các bệnh lý ở phế quản như bệnh hen. Ở góc độ chuyên ngành tai-mũi-họng, ở lứa tuổi con bạn là lứa tuổi viêm VA. Trong trường hợp bệnh tái diễn nhiều, khi thăm khám có VA quá phát thì chúng ta cũng có thể cân nhắc vấn đề nạo VA vì đấy có thể là ổ nhiễm trùng, khởi phát đầu tiên của các đợt bệnh tái đi tái lại, hơn nữa vị trí đấy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bệnh lý viêm tai, tức là cứ sau khi viêm mũi họng lại viêm tai, đôi khi bệnh viêm tai sẽ làm cho các bà mẹ lo lắng hơn rất nhiều. Do đó tôi cũng đồng tình với BS. Thuý là bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa tai-mũi-họng để được tư vấn kỹ hơn.
Con tôi 8 tháng tuổi thường xuyên bị mề đay dị ứng, khi thay đổi thời tiết cháu bị hăt hơi xổ mũi. Bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. tiêm phòng đầy đủ, cân nặng =8kg. Như vậy BS cần phòng bệnh và chữa bệnh ở đâu? và có cách nào chữa khỏi không?
Trả lời:
Con chị có khả năng bị mày đay cấp. Trẻ bị mày đay hay có cơ địa dị ứng. Trẻ thường hắt hơi sổ mũi, ho khan khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa.Cách tốt nhất là chị nên đưa cháu đến khoa dị ứng làm các xét nghiệm xem cháu bị dị ứng với loại dị nguyên gì? Từ đó đề ra hương thức phòng tránh loại dị nguyên đó. Trong trường hợp không thể phòng tránh hoặc không thể phát hiện các dị nguyên gây dị ứng, trẻ cần được điều trị trong các đợt cấp bằng thuốc kháng Histamin hoặc kháng Leukotriene.
Chị có thể cho cháu uống nhiều nước, dùng các thuốc bổ gan, lợi mật đông y. Trẻ có cơ địa dị ứng không có khả năng chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên đến một thời điểm nào đó, tình trạng mày đay có thể thuyên giảm. Thường tình trạng mày đay thuyên giảm vào lứa tuổi đi học hoặc vào tuổi dậy thì.
Thưa BS, tôi có bé trai nay 19 tháng được chuẩn đoán bị hen suyễn. Cháu hay bị ngứa ngáy lúc ngủ (chăn chiếu được giặt thường xuyên), thường hay bị khò khè lúc chuyển trời, cháu bị dư cân (18kg). Xin BS tư vấn dinh dưỡng và cách phòng ngừa để bé không bị khò khè nhiều và giảm triệu chứng ngứa? Cảm ơn!
Trả lời:
Trẻ 19 tháng 18kg là có tình trạng thừa cân, thừa cân cũng là yếu tố làm nặng lên bệnh hen suyễn. Trước tiên cần biết chế độ ăn hàng ngày của cháu như thế nào?
Trẻ em là cơ thể đang phát triển nên nhu cầu dinh dưỡng rất cao. Ở lứa tuổi con bạn, nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày là cho trẻ ăn 5 bữa/ngày, mỗi bữa chừng 1 bát. Thức ăn có thể chọn là cháo đặc hoặc cơm nát, bún, mỳ.
Thành phần thức ăn: bổ xung thịt, cá và rau xanh và nên cho trẻ trẻ ăn nhiều loại hoa quả.
Tuy nhiên do con bạn đã thừa cân nên bạn nên hạn chế tinh bột và chất béo. Chia nhỏ bữa ăn để trẻ luôn có cảm giác no, tăng vận động cho trẻ. Bạn cho trẻ ăn cá thay cho thịt. Bạn nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp hạn chế tăng cân nhưng vẫn đảm bảo phát triển trí não, miễn dịch và chiều cao.
Làm sao biết được là trẻ bị dị ứng sữa thưa bác sĩ? Triệu chứng, biểu hiện của dị ứng sữa ở trẻ nhỏ là gì?
Triệu chứng dị ứng sữa khác nhau từ trẻ này sang trẻ khác, xảy ra từ một vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa hoặc ăn các sản phẩm có sữa. Ngay sau khi trẻ ăn sữa, dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sữa có thể bao gồm: Phát ban ngoài da, ngứa và sưng nề quanh miệng, môi.
Các dấu hiệu muộn bao gồm:
- Đau bụng, tiêu chảy
- Phân lỏng, có thể có máu
- Ho hoặc thở khò khè
- Chảy nước mũi, chảy nước mắt
- Phát ban, ngứa quanh miệng
- Đau bụng ở trẻ sơ sinh
Trường hợp nặng có thể có biểu hiện shock phản vệ với các dấu hiệu:
- Co thắt đường hô hấp, thở rít, khó thở
- Mặt đỏ bừng
- Ngứa
- Shock, tụt huyết áp
Trên đây là một số vấn đề, bệnh trẻ em hay mắc phải mà các mẹ cần phải chú ý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ. Hi vọng những thông tin chia sẻ trên đây sẽ hữu ích đối với mọi người.