Các giai đoạn của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

0
1123

Không giống như các phương pháp ăn dặm thông thường khác, ăn dặm tự chỉ huy không chia các giai đoạn theo tháng tuổi cụ thể của bé. Đối với phương pháp này bé sẽ có toàn quyền quyết định mình thích ăn món gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của bé. Bởi vậy, việc chia giai đoạn ăn dặm của bé theo tháng tuổi thường là không khả thi bởi mỗi bé sẽ có sự phát triển về tư duy, kĩ năng cũng như sở thích khác nhau.

Một em bé bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy hoàn toàn từ 6 tháng tuổi có thể sẽ biết dùng thìa để tự xúc thức ăn vào 13 tháng, hoặc 16 tháng hoặc cũng có thể là 20 tháng. Một vài bé khác, bắt đầu với BLW muộn hơn, ví dụ từ 2 tuổi, có thể phải đến 30 tháng mới sử dụng thìa thành thạo. Một số trường hợp em bé sinh thiếu tháng cũng có nhiều khả năng phát triển các kĩ năng chậm hơn so với các bé sinh đủ tháng. Giới tính của bé – một phần nào đó – cũng là nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển kĩ năng của các bé. Các món ăn dành cho bé do đó cũng thay đổi phù hợp với kĩ năng mà bé đã đạt được.

Như vậy, các mẹ không thể cứ áp một khuôn theo tháng tuổi để buộc con mình phải đạt được một mục tiêu nào đó trong ăn uống, nhất là với các bé ăn dặm tự chỉ huy.

Ăn dặm bé chỉ huy chia các giai đoạn ăn của bé dựa vào kĩ năng ăn uống mà bé đạt được. Nhìn chung, một em bé bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy từ 6 tháng tuổi sẽ trải qua 4 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn tập bốc
  • Giai đoạn bốc nhón (bằng 2 ngón tay)
  • Giai đoạn tập dùng thìa (nĩa, dao… hoặc các dụng cụ hỗ trợ ăn uống khác)
  • Giai đoạn hoàn thiện

=>> Xem chi tiết: Giải đáp thắc mắc ăn dặm tự chỉ huy của mẹ Bubu Huong

Một số thắc mắc và giải đáp về BLW của mẹ bỉm sữa

HỎI:

Con em 6 tháng 10 ngày, tập ăn dặm BLW được nửa tháng rồi. Hôm vừa rồi em có cho con thử cơm nắm mà có lẽ em nắm cơm chặt quá nên con ăn cứ bị dính lên hàm trên. Rồi con còn cắn miếng to nên cảm thấy giống như sắp bị nghẹn vậy. Em có làm sai chỗ nào không? Cho bé tự ăn như vậy thì bổ sung tinh bột cho con thế nào? Em nên cho bé bắt đầu với các loại thực phẩm nào?

ĐÁP:

Bé mới tập ăn bạn chưa nên cho ăn cơm vội nhé, vì bản thân cấu trúc của cơm là nhiều hạt rời nhau và lại có độ dính kết cao, do đó bé mới tập ăn rất khó để xử lý. Bạn nên chờ đến khi bé đã có kĩ năng BLW tốt thì mới giới thiệu cơm. Giai đoạn tốt nhất để giới thiệu cơm là khi bé tập bốc nhón (giai đoạn 2).

Thực ra ở Việt Nam chúng ta có thói quen ăn cơm hàng ngày nên khi nhắc đến tinh bột là nghĩ ngay tới cơm. Tuy nhiên tinh bột còn có ở rất nhiều món ăn khác như ngô (bắp), khoai tây, nui, bánh mì, mì, sợi, bún, phở v.v… Khoai tây có thể giới thiệu khi bé mới tập ăn, bạn chú ý cắt miếng vừa phải, chọn khoai không quá bở để bé không bị nghẹn. Khi bé đã bốc và nuốt tốt (sau khoảng 1 – 2 tháng), bạn có thể cho bé thử với  bánh mì, ngô, khoai lang giống Nhật. Các loại thực phẩm tốt nhất nên giới thiệu cho bé trong thời gian đầu là các loại củ quả, rất lành và cũng rất dễ cho các bé xử lý, ví dụ như: Cà rốt, su su, su hào, bí đao, táo, lê (hấp sơ), chuối…

HỎI:

Khi cho bé ăn dặm tự chủ thì nhiều lúc bé chỉ ăn một loại thức ăn và nhất quyết không ăn loại thức ăn khác, ví dụ như bé nhà mình rất thích ăn thịt, rau nhưng lại không chịu ăn đồ ăn có tinh bột. Mình sự như vậy bé sẽ bị thiếu chất do ăn uống không cân bằng, vì theo các hướng dẫn về dinh dưỡng, mỗi bữa ăn nên đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất. Mình nên xử lý thế nào với trường hợp này?

ĐÁP:

Chúng ta đều biết rằng các nhà khoa học khuyên phải ăn cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên đối với trẻ em, việc cân bằng 4 nhóm dinh dưỡng không tính theo ngày mà tính theo lượng ăn của 1 tuần (hoặc lâu hơn) bởi vì lượng ăn của trẻ còn rất ít. Do đó, bạn không cần quá chú trọng vào việc đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong 1 bữa cho bé mà nên để bé vui vẻ tận hưởng món ăn mà bé yêu thích.

Ăn dặm bé tự chỉ huy

Thêm vào đó, các bé thường có sự phân biệt yêu ghét rất rõ ràng nhưng cũng rất ngắn hạn. Có thể hôm nay bé thích ăn bí đao và ăn bí đao liền trong 1 tuần nhưng sau đó lại không hề động đến món này nữa và chuyển qua thích thịt. Có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các em bé có khả năng tự cân bằng dinh dưỡng của cơ thể mình rất tốt, và bé thường tự biết cơ thể cần gì để bổ sung. Lý thuyết thì có rất nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ ăn uống của con. Một khi các bé vẫn vui vẻ ăn một món cả tháng trời thì cha mẹ cũng chẳng có lý do gì để cảm thấy phiền lòng cả.

Và một điều rất quan trọng khác là trẻ dưới 1 tuổi dinh dưỡng chính của các bé vẫn là từ sữa. Chỉ cần bạn đảm bảo bé bú đủ lượng sữa bé cần mỗi ngày là bạn đã hoàn toàn yên tâm rằng bé được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Ăn dặm – như cái tên của nó – chỉ là dặm thêm để bé làm quen với đồ ăn thôi.