Các kĩ năng cần thiết dành cho bé giai đoạn cuối BLW

0
908

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến với các mẹ những kĩ năng cần thiết giai đoạn cuối của quá trình ăn dặm tự chỉ huy. Mọi người hãy cùng theo dõi thông tin chi tiết sau đây.

Một số kĩ năng cần thiết giai đoạn cuối bé ăn dặm tự chỉ huy

Bé đã sử dụng thìa thành thạo để xúc được hầu hết các loại thức ăn với cấu trúc, độ lỏng rắn khác nhau. Một số bé bắt đầu học cách sử dụng đũa hoặc dao ăn.

Bé có thể ăn được hầu hết các món ăn giống như người lớn. Bé ăn đa dạng thực phẩm và không kén chọn. Bé không còn tình trạng chỉ tập trung ăn một loại thực phẩm nhất định hoặc quá ghét bỏ một loại thực phẩm nào, giờ đây em bé của bạn sẵn sàng ăn nhiều loại thức ăn khác nhau và có một chế độ ăn uống khá cân bằng và đầy đủ.

Bé có thái độ ăn uống nghiêm túc, luôn tự yêu cầu được ngồi vào bàn, ghế, yêu cầu bát đĩa thìa được dọn sẵn sàng khi đến bữa ăn. Các em bé BLW thích những bữa ăn được chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ.

Bé thể hiện niềm yêu thích, đam mê với việc ăn uống. Phần lớn các bé ăn dặm tự chỉ huy là những “kẻ sành ăn”, bé có thể phân biệt được ngon dở và thường có yêu cầu khá cao về chất lượng của thực phẩm.

Bé bắt đầu ăn lượng ăn ổn định và nhiều hơn.

Sau khi biết sử dụng thìa thành thạo, các bé bắt đầu thể hiện mong muốn được ăn uống giống như cha mẹ trong bữa ăn. Phần lớn các bé từ chối sử dụng bát thìa nhựa dành riêng cho mình mà thích được dùng bát sứ như người lớn và tất nhiên – sử dụng đũa.

Bạn không cần phải sắm riêng cho bé một đôi đũa đặc biệt dành riêng cho bé, vì sự thực là bé chỉ thích dùng đũa giống như của bạn đang dùng mà thôi. Nếu gia đình bạn đang dùng đũa inox hoặc đũa nhựa (khá trơn và khó dùng) thì bạn hãy thử đổi qua dùng đũa gỗ và cho bé dùng một đôi giống mọi người. Các món dạng sợi như mì, bún phở cắt dài vừa phải hoặc món canh rau là những món tập gắp tuyệt vời khi mới bắt đầu. Các mẹ cũng có thể cho bé thử gắp với món cơm viên hoặc các món không quá trơn.

Bé lúc này đã khá khéo léo nên sẽ không mất quá nhiều thời gian để sử dụng đũa thành thạo.

Những lưu ý dành cho mẹ 

Cho bé trải nghiệm nhiều hơn nữa các món ăn mới  mà trước đây bé chưa được thử. Đi nhà hàng hoặc tham dự các buổi liên hoan cuối tuần ở ngoài là dịp để bé được khám phá nhiều hơn về các bữa ăn.

Các mẹ có thể giới thiệu cho bé đũa hoặc dao ăn nếu bé bắt đầu muốn được thử dùng. Phần lớn các bé không mất quá nhiều thời gian để tìm cách sử dụng các dụng cụ này.

Hãy cho bé cơ hội cùng vào bếp và giúp bạn làm bếp, bé sẽ rất thích thú khi được tham gia chế biến bữa ăn của chính mình.

Các mẹ cùng theo dõi thắc mắc và câu trả lời về ăn dặm bé tự chỉ huy đến từ mẹ Bubu Huong dưới đây:

HỎI:

Mình muốn cho con ăn dặm theo BLW nhưng phải đi làm. Con mình ở nhà có người trông nhưng họ không biết chế biến thức ăn kiểu BLW, vậy mình nên làm thế nào khi công việc của mình khá bận rộn, không chắc có nhiều thời gian chuẩn bị đồ ăn cho con được?

ĐÁP:

Hiện nay việc trữ lạnh và trữ đông thực phẩm không còn xa lạ gì với các bà nội trợ. Khoa học cũng chứng minh trữ đông thực phẩm không làm mất đi nhiều dinh dưỡng của đồ ăn.

Giai đoạn mới tập

Rau: Giai đoạn này ưu tiên các loại rau họ củ để tập cho bé cầm nắm và tránh bị hóc. Nếu chỉ chuẩn bị trong 2 – 3 ngày bạn có thể thái sẵn hỗn hợp các loại củ, rửa sạch, để thật khô, bỏ hộp rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Đến bữa ăn nhờ người nhà hấp/luộc vừa phải cho con. Nếu muốn chuẩn bị cho cả tuần, hãy để rau củ đã thái sẵn vào túi/hộp kín rồi bỏ lên ngăn đá tủ lạnh.

Hoa quả: Chỉ một số loại quả có thể cắt sẵn và để ngăn mát như dưa hấu, xoài, bơ. Các loại quả khác cần ăn lúc nào cắt lúc đó để đảm bảo độ tươi ngon. Hoa quả cắt rồi chỉ nên dùng tối đa 2 ngày.

Protein: Khi mua thịt về bạn có thể thái sẵn, rồi nhờ người nhà luộc hộ. Làm các món chả thịt lợn/gà, chả cá, (thịt/cá/tôm mua về xay nhuyễn, trộn cùng rau tùy í, bột mì/sữa mẹ cho thịt mềm, chút pho-mát) rồi cho hoặc làm nem thịt/nem rau củ. Đến bữa ăn cho vào hấp hoặc rán. Riêng món chả đậu phụ chỉ để được 1 ngày.

Ngũ cốc: Cơm có thể nấu sẵn. Bánh mỳ có thể mua hoặc tự làm từ trước, với các loại mỳ, nui muốn luộc nhanh hãy thả vào nước luộc ít baking soda (muối nở) để rút ngắn thời gian luộc.

Giai đoạn bốc nhón

Rau: Các mẹ nên thái hạt lựu và để vào ngăn đá, khi muốn luộc/xào/nấu canh thì đem ra nấu.

Nhà mình thường hay dành nguyên 1 ngày để hầm xương các loại hoặc hầm các loại nước rau củ rồi để nguội cho vào ngăn đá, thế là khi muốn nấu canh bạn chỉ việc rã đông nước, cho rau củ và thịt vào là có được món canh thơm ngọt bổ dưỡng.

Hoa quả + Ngũ cốc: Như giai đoạn mới tập ăn

Protein: Chỉ cần thay đổi thành phần trong các loại chả là chúng ta đã có rất nhiều vị khác nhau: chả bò/gà/lợn – chả hải sản tôm /cua/cá/sò – khoai tây trộn các loại thịt viên lại rồi khi ăn lăn qua trứng, bột mì, vụn bánh mỳ – khoai lang lệ phố – nếu mẹ khéo tay có thể làm giò/giò sống/chả cho bé.

Giai đoạn tập thìa và hoàn thiện BLW

Giai đoạn này bé gần như ăn được thức ăn giống hệt bố mẹ nên không cần thiết phải chuẩn bị riêng/thêm món cho bé. Khi nấu, bạn có thể cho thức ăn của con ra trước rồi nêm gia vị hoặc ăn nhạt theo con là được.

Cungconlonkhon.com (Tham khảo)