Khi chăm sóc trẻ từ 6-7 tháng tuổi, mẹ cần nắm rõ những mốc phát triển của con, đây là giai đoạn tập ăn nên ba mẹ cần lưu ý xử lý khi bé sốt mọc răng, cho con vận động như thế nào để mau cứng cáp? Dưới đây là cách chăm sóc trẻ từ 6-7 tháng tuổi thế nào để con phát triển toàn diện
Sự phát triển của trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi
Khi trẻ được 6-7 tháng tuổi, trọng lượng của trẻ đã tăng gấp đôi so với lúc mới sinh. Tuy nhiên những năm tháng đầu, mỗi tháng bé có thể tăng từ 680 – 900g nhưng kể từ tháng 6 bé sẽ phát triển chậm lại, mỗi tháng chỉ tăng khoảng 450g. Lúc này, chiều cao của bé cũng tăng chậm lại, khoảng 1,27cm mỗi tháng.
Ngoài ra, trong thời gian này mẹ cũng có thể nhận thấy màu mắt của bé đã thay đổi rất nhiều so với lúc sinh, Hơn nữa. ở thời điểm hiện tại không chỉ thị lực mà cả 5 giác quan của trẻ đều đã phát triển vượt bậc.
Trẻ 6 – 7 tháng biết làm những gì?
Vận động
Tự ngồi lên: Trước tiên, em bé sẽ dùng tay để chống đỡ để có thể ngồi lên, qua một thời gian bé có thể tự ngồi được mà không cần tay đỡ.
Lẫy: Một số trẻ có thể tự lật từ nằm ngửa sang nằm sấp hoặc ngược lại
Bò: Trẻ 6 tháng tuổi đã có thể bò tới, bò lui bằng cách dựa vào sàn nhà và dùng lực đẩy lên. Lúc này, các mẹ sẽ thấy bé nâng tay, đầu gối lên và đá qua lại.
Giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp của trẻ 6 tháng tuổi cũng phát triển đáng kể:
- Bé sẽ mỉm cười, cười lớn và phát âm được một số phụ âm đơn giản như m,b
- Nhận ra tên mình khi nghe người khác gọi tên
- Trẻ có thể phát ra âm thanh thể hiện sự vui mừng hoặc buồn chán
- Trẻ thích trò chuyện, chơi với người khác đặc biệt là bố mẹ
- Phân biệt được người quen và người lạ
Nhận thức
- Trẻ 6 tháng tuổi thích ngắm mình trong gương
- Tò mò về mọi thứ và cố gắng lấy mọi thứ ngoài tầm với
- Cho đồ vật vào miệng
- Bắt đầu chuyển đồ vật từ tay nọ sang tay kia.
Cách chăm sóc trẻ 6-7 tháng tuổi
Thời gian ngủ
Trẻ từ 6-7 tháng tuổi có thể ngủ từ 6-8 tiếng một đêm. Trẻ nhỏ có thể thức dậy ăn vài lần trong đêm nhưng không thường xuyên như trước. Ban ngày, trẻ cũng thường ngủ 2-3 tiếng. Khi bé ngủ, mẹ nên bỏ tất cả thú nhồi bông, vật cản hay đồ vật khác ra giường cũi của bé.
Cách giao tiếp với trẻ
Tại thời điểm nafym bé đã chuẩn bị tới thời điểm học nói, vì vậy mọi thứ bố mẹ nói với bé đều có ý nghĩa. Để giao tiếp với trẻ, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Nói chuyện với bé thật chậm rãi, rõ ràng và đơn giản
- Chơi với bé, cho bé ra ngoài trời chơi mỗi ngày
- Chơi trò bắt trước với trẻ: bé cười, bạn sẽ cười lại. Khi bé phát âm, bạn sẽ nhắc lại và xây dựng những từ ngữ đơn giản từ âm đó.
- Đọc và chỉ cho trẻ những truyện tranh màu sắc
- Chỉ cho bé xem nhiều đồ vật mới và gọi tên của những đồ vật đó.
- Đặt bé nằm sấp hoặc ngửa rồi đặt đồ chơi xa bé một chút để bé bò đi lấy đồ chơi.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Nếu mẹ vẫn chưa cho bé ăn dặm thì đây là thời điểm thích hợp để bố mẹ lên lịch thực hiện một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải duy trì việc cho bé bú sữa.
Mẹ hãy cố gắng cho bé thưởng thức mùi vị tự nhiên của thực phẩm, hạn chế thêm muối, đường và gia vị vào thức ăn dặm của bé. Đồng thời, mẹ cần chú ý đến việc tạo hứng thú và tâm lý thoải mái cho bé khi đến bữa ăn.
Lưu ý khi cho bé 6 tháng tuổi ăn dặm
– Bú sữa 2-3 giờ/lần, tương đương 500-800ml sữa/ngày.
– Ăn dặm thêm 2-3 bữa bột/ngày, bảo đảm đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, rau xanh, đạm, chất béo, vitamin…Nên nhớ thêm dầu ăn dành cho trẻ nhỏ vào bột mỗi lần bé ăn. Bạn có thể chọn loại dầu oliu, dầu vừng hoặc dầu mè để thay đổi khẩu vị, kích thích bé ngon miệng.
– Không nên thêm đường vào bột của bé. Việc thừa đường có thể làm tăng men chua trong dạ dày, khiến bé dễ mắc chứng rối loạn tiêu hóa. Khi ấy, bột có thể cản trở sự hấp thu canxi, dẫn tới tình trạng còi xương. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi bé trông bụ bẫm nhưng vẫn bị bác sĩ chẩn đoán là mắc chứng còi xương.
– Không cho trẻ ăn cơm quá sớm bởi khi bé chưa mọc đủ răng, bé sẽ không nhai nổi và có thể nuốt chửng cơm. Điều này không tốt chút nào cho hệ tiêu hóa của trẻ.
– Bạn cần hạn chế thói quen ngậm thìa thức ăn rồi mới đút cho trẻ, vì như thế mẹ có thể lây truyền vi khuẩn sang con.
– Cai sữa quá sớm. Nhiều mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ ăn dặm sẽ bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, nhưng đây là một sai lầm vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ nhỏ. Vì thế, hãy cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Sau đó, xây dựng một kế hoạch ăn dặm từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp và từ loãng đến sền sệt rồi đến đặc.
– Nạp quá nhiều dinh dưỡng. Đừng bất ngờ khi đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng đạm mỗi bé cần một ngày là từ 4 – 4,5g/kg trọng lượng cơ thể. Với trẻ 1 tuổi thì mỗi ngày tối đa là 100g thịt.
Những việc cần làm khi chăm bé 6 tháng tuổi
– Đưa trẻ đi tiêm phòng cúm (mũi 1)
– Luôn giữ vệ sinh cho bé để hạn chế việc mắc bệnh cảm, cúm, chân tay miệng…
– Dành thời gian âu yếm, trò chuyện và chơi trò chơi với bé để bé phát triển trí não, thể chất
– Chú ý dấu hiệu không khỏe của bé: giảm lượng ăn, nôn ói, phát ban, người nóng…
– Tìm hiểu một số nhà trẻ, trường mầm non uy tín để đảm bảo an toàn khi gửi bé
– Thực hiện kế hoạch cho bé ăn dặm mỗi ngày với các loại thức ăn “dễ tiêu”
– Đặt đồ chơi trong tầm tay bé để khuyến khích bé bò nhưng cần lựa chọn các loại đồ chơi an toàn hợp vệ sinh.
– Chú ý an toàn của bé trước những vật dụng, đồ chơi dễ gây ra tai nạn
– Không để quá nhiều thú nhồi bông, gối… trong cũi ngủ của bé.
Một số biểu hiện “thông báo” trẻ chậm phát triển
– Khi ngồi tựa vào vật nào đó như thành giường hay ngồi vào lòng ba mẹ mà đầu bé vẫn ngả ra sau.
– Trẻ vẫn chưa biết lật cả hai bên như lật sang trái hoặc sang phải.
– Trẻ không thể phát ra tiếng cười, rất khó đưa đồ vật vào miệng, khi tỉnh giấc lúc nửa đêm, bé rất khó ngủ lại.
Trên đây là cách chăm sóc trẻ 6 – 7 tháng tuổi ba mẹ có thể tham khảo để hành trình nuôi con trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Chúc ba mẹ thành công!