Yêu thương mang lại hạnh phúc cho con người. Mệnh đề này chưa thật chính xác nếu chúng ta yêu thương không đúng cách. Muốn yêu thương mang lại hạnh phúc, chúng ta phải học, trẻ em lại càng cần phải học để biết yêu thương.
Có ý kiến cho rằng giới trẻ hiện nay vô cảm hơn trước, hung hăng hơn trước, thể hiện cụ thể qua các vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Nguyên nhân phải chăng vì cha mẹ chưa dạy cho các em bài học yêu thương ngay từ khi còn bé?
Những trẻ có hành động vô cảm như báo chí đưa tin là rất đáng thương. Chúng là nạn nhân của thực trạng giáo dục, của xã hội, nhà trường và gia đình. Tại sao các em mất kiểm soát cảm xúc đến mức làm những việc mà bình thường cho các em làm, chưa chắc các em đã dám làm. Ta cũng đã thấy rất nhiều nước mắt hối tiếc từ chính các em đó thôi. Tại người lớn vô cảm? Tại áp lực học tập? Tại môi trường học không thân thiện, thiếu tình yêu thương? Tại cha mẹ không biết yêu thương các em?
Phân tích vấn đề này, có lẽ cần một nghiên cứu chuyên sâu. Cá nhân tôi nhận thấy nguyên nhân từ cha mẹ là lớn nhất. Vì cha mẹ chưa dạy cho các em bài học yêu thương ngay từ bé. Từ khi còn là bào thai, các em đã rất cần được thai giáo, cần dưỡng chất yêu thương từ cha mẹ và mọi người xung quanh để trưởng thành cả về trí tuệ và nhân cách. Nhưng, hiện nay có bao nhiêu bà mẹ được quan tâm, được yêu thương, có bao nhiêu bà mẹ bị bỏ rơi, bị đối xử tệ khi mang thai? Bao nhiêu người cha, người mẹ vì cơm áo gạo tiền đi làm suốt ngày không nhìn thấy mặt con, nói gì đến trò chuyện, quan tâm?
Có một bạn trẻ tâm sự trên diễn đàn: “Chỉ mong cha mẹ dành 15 phút cho con mỗi ngày”. Điều này thật đáng suy nghĩ. Nếu hỏi 100 người mẹ có yêu con không, sẽ có 99,9% bà trả lời là có. Nhưng, nếu hỏi 100 đứa con của 100 bà mẹ đó rằng: “Con có cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho con không?”, chắc số trả lời “Có” nhỏ hơn rất nhiều.
Dạy trẻ biết yêu thương chính là dạy trẻ nên người. Chỉ có tình yêu mới giúp con người với con người biết “sống cùng” nhau, biết chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng cuộc sống chung hạnh phúc. Xã hội hiện đại đang có một căn bệnh “chúng ta sống giữa nhiều người mà không sống cùng nhiều người” (Đám đông cô đơn, Riesman). Muốn chữa trị tận gốc căn bệnh này chỉ có thể bằng tình yêu thương. Đây là một môn học khó. Khó nhất của môn này là bắt buộc người dạy phải có “vốn” về chính điều mình muốn dạy. Môn học “cách yêu thương” này không thể có một giáo án chung cho tất cả các phụ huynh. Mỗi gia đình là một trường học, mỗi cha mẹ là một thầy cô giáo đặc biệt; dạy con không bằng lý thuyết mà bằng hành động, không chỉ giảng giải mà còn cho con cùng tham gia, không áp đặt mà phải cho con tự thay đổi. Cha mẹ là tấm gương để trẻ soi vào, tự học lấy tình yêu thương và tự thể hiện tình yêu thương theo cách riêng của mình.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ cần dạy trẻ qua cách sống, không cần dạy trẻ cụ thể. Người lớn biết sống yêu thương là điều kiện cần, biết dạy trẻ thông qua các hoạt động hàng ngày là điều kiện đủ. Vậy, người lớn nên hành động thế nào để con trẻ học được bài học yêu thương?
Biểu hiện của tình yêu thương là sự quan tâm. Bằng những hành động cụ thể, cha mẹ có ý thức dạy con về tình yêu thương sẽ có rất nhiều cách khác nhau, ví dụ cha mẹ xem tivi, đọc báo cùng con, thảo luận về những mảnh đời bất hạnh và cùng bàn cách giúp đỡ trong khả năng của gia đình. Cha mẹ quan sát những người sống xung quanh xem ai cần giúp đỡ thì luôn sẵn sàng, vừa “mua láng giềng gần”, vừa tập cho con thói quen quan tâm, giúp đỡ người khác.
Gần gũi nhất là những hoạt động trong nhà: sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ với nhau và cha mẹ với con cái. Quan tâm, yêu thương đúng cách, đúng điều mà các thành viên trong gia đình đang cần. Con đang cần yên tĩnh, cha mẹ không nên hỏi han nhiều. Đó mới chính là sự quan tâm!
Biết lắng nghe con: lắng nghe khi con nói, lắng nghe cảm xúc của con cũng là cách thể hiện tình yêu thương và dạy con cách yêu thương. Hay đơn giản hơn nhưng vẫn có hiệu quả cao là cha mẹ dành cho con thật nhiều cử chỉ âu yếm, bằng ánh mắt, bằng cái nắm tay, ôm hôn… Cách này giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ nhanh nhất và nhiều nhất.
(Theo: Ths. Phạm Thị Thúy)