Game online, đề tài đang được nói nhiều trong thời gian gần đây, có phải là nguyên nhân chính tạo nên những thói hư, tật xấu cho giới trẻ?
Tại sao trẻ nghiện game online có xu hướng tăng cao?
Gần đây, tình trạng một số bạn trẻ tham gia vào các tệ nạn xã hội như đua xe, sử dụng ma túy, quậy phá, đánh nhau, nghiện game online… đang ở mức báo động, gây lo lắng cho xã hội, nhà trường, gia đình.
Đây là điều đáng tiếc, nhưng xét cho cùng, bản thân các bạn trẻ rất đáng thương. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề xã hội này là từ giáo dục gia đình. Đứng trước cơn bão kinh tế, cha mẹ phải vất vả kiếm sống hoặc lao vào kiếm tiền cho thật giàu. Điều này đã làm họ quên mất trách nhiệm dạy con.
Con trẻ không được chăm lo, dạy dỗ chu đáo cũng như thiếu sự quan tâm, tình yêu thương thực sự, sẽ cảm thấy chơi vơi giữa dòng chảy cuộc sống. Các em rất dễ trở thành nạn nhân cho những kẻ xấu dụ dỗ. Bản thân trẻ cũng có những bức bối tích tụ lâu ngày nên dễ phát sinh những cảm xúc tiêu cực dẫn đến sai lệch hành vi.
Một trong các nguyên nhân chủ yếu của việc nhiều bạn trẻ dễ rơi vào hư hỏng và sa sút về nhân cách còn do các em có chỉ số cảm xúc thấp. Trong các em có quá nhiều cảm xúc xấu, tiêu cực (buồn, chán, giận dữ…) mà không có khả năng kiểm soát nên dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn như một cách “giải khuây” nguy hiểm.
Gần đây, rất nhiều tin tức tiêu cực và cả những vụ án được cho là xuất phát từ game online được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí, game online còn bị đánh đồng như một loại “ma túy số”. Thế nhưng, thực ra, game online lành mạnh là một công cụ giải trí tốt cho con người và là thành tựu của sự phát triển khoa học kỹ thuật. Bản thân nó không hề xấu.
Nếu chúng ta quy kết game online chỉ trên mặt tiêu cực mà không xét tới các mặt tích cực nó mang lại là không công bằng. Game online có sức hấp dẫn như bất kỳ hình thức giải trí nào. Xấu hay không là tùy thuộc vào việc sử dụng của mỗi người. Đại đa số các bạn trẻ nghiện game đều xa rời cuộc sống thực, bị cuốn vào thế giới ảo vì ở đó họ được khẳng định mình.
Trường hợp một bà mẹ có con nghiện game online gần đây tại Nhà Văn hóa Phụ nữ là một ví dụ điển hình. Chị rất bức xúc với game vì con chị nghiện game 6 năm nay. Chị tìm mọi cách cấm đoán con nhưng không thành công. Nhưng khi biết về hoàn cảnh gia đình thì mới biết được nguyên nhân thực sự làm trẻ chán học, mê game là do những bức bối trong nhà. Trường hợp của bé này sống cùng mẹ và bác gái nhưng có nhiều mâu thuẫn xung đột giữa những người lớn. Người lớn lại áp đặt nhiều chuyện, kể công nuôi dạy cháu trẻ, không những vậy đứa trẻ này lại bị bố bỏ rơi từ bé. Mặc cảm, buồn chán, bức bối chuyện nhà đã khiến đứa trẻ này đắm chìm trong game và nghiện lúc nào không hay.
Theo nghiên cứu của Maslow về tháp nhu cầu của con người thì được thể hiện bản thân là nhu cầu lớn nhất. Nhưng nhu cầu này của các bạn trẻ hiện nay chưa có cơ hội được đáp ứng. Các bạn trẻ đang rất thiếu sân chơi lành mạnh. Trò chơi giải trí, địa điểm chơi, người hướng dẫn chơi, phong trào thi đua… đều thiếu với hầu hết các bạn trẻ, nhất là ở các thành phố lớn.
Tại TP.HCM vốn đã ít công viên (nhất là các quận ven đô), nhưng quanh đó lại thường bị bao vây bởi quán nhậu, bãi đáp cho những kẻ nghiện hút,… Game đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ để giải trí và khẳng định bản thân.
Cha mẹ hãy cùng con hiểu về game online
Để giúp cho con trẻ chơi game đúng cách, các ông bố bà mẹ hãy tìm hiểu và định hướng cho con mình chơi những thể loại game phù hợp với từng lứa tuổi. Chúng ta đừng cấm mà hãy tham gia cùng con nếu có điều kiện và quản lý con theo cách của mình cho phù hợp.
Đối với những trẻ đã lỡ “nghiện game” thì gia đình hãy giúp con cái lấy lại cân bằng trong cuộc sống bằng cách cùng chơi game với con để có thể kiểm soát và hạn chế chúng chơi game. Điều quan trọng nhất là hãy để con cái cảm nhận được tình cảm gia đình và luôn được cha mẹ động viên, khơi gợi những ước mơ, hoài bão cao đẹp.
Chúng ta đừng vội đổ lỗi cho game online mà hãy xem tại sao con chúng ta mê game. Game chỉ là công cụ giải trí, thế nên hãy giúp con trở thành một người chơi thông minh.
“Trong mỗi đứa trẻ đều có những tài năng tiềm ẩn. Sự chuẩn bị kỹ càng từ lúc đầu đời chính là chìa khóa thành công cho tương lai mỗi cháu.” – Maria Montessori – bác sĩ và nhà giáo dục người Ý
(Theo cuốn sách “Kỹ năng làm cha mẹ”)