Bài viết dưới đây là tâm sự của một ông bố ở Bình Dương về biểu hiện của con gái nghi ngờ có dấu hiệu bệnh tự kỷ. Mọi người hãy cùng lắng nghe tâm sự và lời khuyên từ chuyên viên tâm lý Vũ Cẩm Vân để hiểu thêm về căn bệnh tự kỷ ở trẻ này nhé!

“Con gái tôi 2 tuổi rưỡi. Gần đây tôi thấy cháu có một số biểu hiện làm tôi rất lo, không biết cháu có bị mắc bệnh tự kỷ hay không. Vừa qua, vợ chồng tôi cho cháu đi học nhà trẻ tư thục, nhưng đã một tháng nay, sáng nào trước khi đi học bé cũng quấy khóc. Buổi chiều về nhà bé không thích đi chơi đâu, chỉ thích ở nhà. Trước đây bé rất ngoan, bây giờ lại hay mè nheo, dỗi hờn, động đến cái gì cũng lăn ra ăn vạ. Tôi nghe cô giáo bảo là cháu tỏ ra rất thông minh, chỉ có điều ở lớp bé không thích chơi với các bạn mà chỉ chơi đồ chơi một mình. Điều này vợ chồng tôi cũng nhận ra vì cháu tiếp thu rất nhanh, nhớ lâu và chỉ cần dạy một hai lần là cháu hiểu ngay. Ở nhà, cháu cũng ít thích chơi với các anh chị em họ. Tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng thì thấy một số biểu hiện của trẻ bị tự kỷ rất giống con của tôi như: ăn vạ thường xuyên, rất kén ăn, ăn đầy đủ chất nhưng vẫn gầy ốm, hay đi nhón chân, hay thích cào cấu cha mẹ… Những biểu hiện này bộc lộ rõ nhất là từ khi cháu đi học nhà trẻ tư thục cách đây một tháng. Vợ chồng tôi rất hoang mang không biết cháu có vấn đề gì không. Xin chuyên gia sớm tư vấn giúp chúng tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.”

TRẢ LỜI:

Chào anh, tôi rất chia sẻ cùng anh cảm giác lo lắng khi nhận thấy những dấu hiệu khác thường của con mình. Tuy nhiên, với những biểu hiện như anh đã nêu trên thì chưa thể kết luận cháu bé nhà anh bị tự kỷ. Để yên tâm hơn, anh nên đưa bé đến khoa tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng để được khám trực tiếp và dựa trên rất nhiều biểu hiện khác nữa mới có thể chẩn đoán chính xác. Với những gì anh đã chia sẻ thì theo tôi, có lẽ bé gặp những khó khăn về tâm lý vì không thích nghi với việc đi nhà trẻ. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 1/3 số trẻ trước 3 tuổi khi đi nhà trẻ có thể gặp một số khó khăn và 90% số này có vấn đề rối loạn tâm lý như rối loạn về ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn về hành vi, rối loạn về ngôn ngữ và giao tiếp.

Anh biết không, rất nhiều phụ huynh chúng ta không có thói quen và cũng chưa có ý nghĩ là cần phải chuẩn bị tâm lý cho con khi quyết định cho con đi nhà trẻ hoặc bắt đầu đi học. Trong thực tế điều này hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với những trẻ em nhạy cảm, quyến luyến và gắn bó với người thân. Nếu thiếu đi việc tạo điều kiện để trẻ có thời gian thích nghi dần với hoàn cảnh mới, thì trẻ rất dễ bị “sốc”, sợ hãi trước môi trường hoàn toàn lạ lẫm, đồng thời trẻ sẽ mang mặc cảm bị bỏ rơi, trở nên thiếu tự tin, căng thẳng, hoảng loạn…

Để khắc phục được tình trạng này, khi bắt đầu có ý định cho bé đi trường mẫu giáo hay nhà trẻ, cha mẹ hãy ân cần cùng con đến trường để con làm quen với không gian mới. Khi tham quan trường mầm non, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ xem những hình ảnh đẹp mắt, tạo điều kiện để trẻ quan sát các bạn chơi, cho trẻ tiếp cận với trò chơi bên ngoài sân trường, trong lớp học… Cứ như vậy mỗi ngày một ít để trẻ cảm nhận sự gần gũi, thân thuộc, nhờ đó bé sẽ không cảm thấy sợ hãi khi vào trường. Đến khi trẻ đã trở nên thích thú, cha mẹ mới bắt đầu đưa trẻ vào lớp gặp gỡ cô giáo và chơi cùng các bạn. Cha mẹ đứng chờ bên ngoài để quan sát sự thích ứng của trẻ, kịp thời có mặt nếu trẻ căng thẳng, lo lắng khi không tìm thấy cha mẹ. Sau khi trẻ đã thích nghi dần, cha mẹ mới tăng dần thời gian để trẻ ở lại nửa buổi rồi mới đến cả ngày. Cha mẹ không nên tách rời trẻ một cách đột ngột, vì như vậy sẽ khiến trẻ mang tâm lý bị bỏ rơi, điều này rất dễ dẫn đến những biểu hiện rối loạn như đã nói trên. Vì vậy, dù bận rộn như thế nào, phụ huynh cũng cần sắp xếp để giúp trẻ thích nghi từ từ với môi trường đi học. Thái độ, cử chỉ và hành động của cha mẹ là điều rất quan trọng đối với trẻ trong thời gian đầu đi học. Lúc đưa trẻ đến trường, cha mẹ không nên vội vã bỏ đi, hãy thể hiện để trẻ luôn yên tâm là cha mẹ luôn yêu thương trẻ. Thời gian đầu, cần đón trẻ sớm hơn hoặc đúng giờ để trẻ không phải sốt ruột, mong ngóng. Trên đường đi học về cũng như khi ở nhà, cha mẹ cũng đừng quên trò chuyện cùng con để chia sẻ với con niềm vui đến trường. Để tạo hứng thú cho con khi đến lớp, cha mẹ hãy luôn trò chuyện cùng trẻ về những câu chuyện vui vẻ ở trường, chuyện về cô giáo, về các bạn… Tuy nhiên, cần tránh nói những gợi ý không tích cực như: “Cô giáo có đánh con không?”, “Bạn có giành đồ chơi của con không?”, vì những gợi ý này vô tình tạo ấn tượng không tốt đối với trẻ. Tránh hù dọa trẻ như “Nếu con không ngoan, cô giáo sẽ không thương con”…

Những năm tháng đầu đời có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm của trẻ sau này, vì vậy anh chị hãy luôn dành sự quan tâm, yêu thương và thời gian chơi cùng con. Ngay lúc này, anh chị cũng không nên lo lắng quá mức mà hãy bình tĩnh để trấn an, khuyến khích trẻ, bù đắp cho con bằng thời gian chất lượng hơn là số lượng khi ở nhà. Hãy ân cần khi giải thích cho bé về những điều mà bé trải qua ở trường, đồng thời luôn yêu thương và quan tâm đến con. Vì đây là trải nghiệm đầu đời của bé khi bước vào một môi trường mới lạ nên bé sẽ gặp một số khó khăn, tuy nhiên không vì những khó khăn này mà chúng ta quá cưng chiều vì điều này sẽ khiến trẻ ỷ lại và ngày càng lệ thuộc cha mẹ nhiều hơn. Tôi tin rằng với sự kiên trì, bình tĩnh và quan tâm, yêu thương đúng mức, anh chị và con sớm vượt qua khó khăn này. Chúc anh thành công.

(Nguồn: Sưu tầm)

=>> Xem thêm: Bí quyết để mẹ chọn trường mẫu giáo phù hợp cho con