Theo thống kê năm 2003 của đại học New Hampshire trên 991 gia đình Mỹ thì ở trẻ 2 đến 4 tuổi, có 90% các bố mẹ ghi nhận quát mắng con trong 12 tháng gần đó, và đỉnh điểm là ở tuổi lên 7,98% bố mẹ thừa nhận to tiếng với con. Nghiên cứu xem xét tới tất cả các hành động trấn áp tâm lý như quát mắng, dọa đánh (nhưng không đánh), chửi thề, xỉ vả (nói con ngu, lười…) và dọa đuổi ra khỏi nhà.
Một nghiên cứu khác năm 2013 chỉ ra rằng trong số gần 1000 gia đình, trẻ hay bị bố mẹ quát mắng ở tuổi 13 có xu thế phạm phải các vấn đề về hành vi như không nghe lời ở trường, nói dối bố mẹ, ăn trộm, đánh nhau, phá phách tài sản công khi lên 14 tuổi. Đồng thời trẻ cũng thường xuyên có các biểu hiện tâm lý tiêu cực hơn, như cảm thấy buồn, muốn khóc, chán ghét bản thân, cảm thấy mình vô dụng thậm chí nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ. Nghiên cứu còn xác nhận tương tác 2 chiều giữa hành vi của trẻ và bố mẹ. Bố mẹ quát mắng khiến trẻ không nghe lời, hành vi chống đối của trẻ ngược lại cũng khiến cho tần suất quát mắng tăng cao, trẻ lại càng chống đối, bố mẹ lại càng quát mắng. Tạo nên một vòng luẩn quẩn càng ngày càng khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Chúng ta thường hay tự nhủ rằng mắng con cũng không sao, miễn là bố mẹ vẫn yêu thương gần gũi với con. Tâm lý “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” bấu víu vào suy nghĩ này. Tuy nhiên kết quả của nghiên cứu này lại cho thấy, ngay cả khi bố mẹ quan tâm chăm sóc con nhiều, thì những lời nói sát thương của bố mẹ vẫn có liên hệ tới các vấn đề về hành vi và tâm lý ở trẻ.
Lưu ý rằng các nghiên cứu này tập trung vào mức độ quát mắng con rất thông thường phổ biến chứ chưa đến mức verbal abuse (khủng bố bằng lời nói) đâu nhé!
Nếu bạn quát mắng con với mong muốn làm thay đổi hành vi của con thì bạn nên dừng lại ngay vì không hiệu quả đâu. Khi con người cảm thấy tức giận, áp lực, não sẽ tiết ra hoocmon cortisol, kích hoạt phản ứng “chiến hay chạy” (fight or flight). Đây là phản ứng sinh lý tự nhiên khi trung tâm nhận thức của não đóng cửa và trung tâm cảm xúc chiếm lĩnh hoàn toàn. Đó là lý do khi chúng ta quát mắng trẻ, có 2 khả năng xảy ra, 1 là chúng đóng băng luôn và không làm gì, phớt lờ lời nói của bố mẹ, 2 là chúng sẽ phản ứng lại bằng cách hét lên, nổi cơn tam bành. Và cả 2 cách này đều không phải cách tốt để kiểm soát cảm xúc tiêu cực.
Nhưng việc nhận thức sự thiếu hiệu quả của việc quát mắng thường không giải quyết được vấn đề. Vì hiếm bố mẹ nào lấy việc quát mắng con làm phương pháp giáo dục cả. Đa phần chúng ta mắng con không phải để dạy, mà là để được giải tỏa cơn tức giận, là phản ứng của chúng ta với những gì không như ý.
Rất nhiều bố mẹ hỏi làm sao để có thể kiềm chế được cơn giận với con. Khó quá bỏ qua?Nhưng có thật sự khó như vậy không?
Chúng ta có thể bình tĩnh nuốt cục tức khi bị sếp chửi, ngậm bồ hòn làm ngọt khi bị khách càu nhàu. Nhưng con chỉ cần hơi ho he là mẹ xinh, mẹ đẹp biến ngay thành mụ phù thủy mắt trợn ngược, mồm khạc ra lửa. Điều đó cho thấy chúng ta đều có khả năng nhẫn nhịn, có thể kiểm soát được cơn giận nhưng rõ ràng chúng ta đã không lựa chọn làm như vậy với con. Có thể không phải bởi vì chúng ta cho rằng chúng ta là bố mẹ thì chúng ta có quyền, mà đơn giản bởi vì quát con thì sẽ chẳng có một hậu quả nào xảy đến với chúng ta ngay tức thì như khi ta bật lại sếp hay chửi lại khách hàng cả. Khổ thân con trở thành cái thùng rác xả giận cho bố mẹ…
Hậu quả có thể không đến ngay trong 1 phút, nhưng 1 tuần, 1 năm, 20 năm là chúng ta sẽ lãnh đủ. Đừng lấy làm lạ khi con nổi cơn tam bành, gào khóc ăn vạ khi không được theo ý mình, bởi chính bố mẹ đã quát tháo ầm ĩ khi con không nghe theo ý bố mẹ đấy thôi. Đừng hỏi rằng sao con tôi lại như thế bởi chính bố mẹ đã xử lý những cảm xúc tiêu cực không hề tốt.
Nên ghi nhớ chính hành động của bố mẹ bây giờ sẽ tạo ra những đứa con kém tự tin, nhưng lại vô cùng hung hăng trong tương lai. Con không bật lại ngay thôi nhưng khi chúng tuổi teen chúng sẽ càng khó bảo, rồi khi chúng ta về già, có bị nó mắng lại cũng đừng hỏi tại sao. Không phải vì chúng vô ơn, mà vì chúng chỉ biết cách xả cơn tức giận lên những người yếu hơn mình. Lúc nhỏ thì đó là con, nhưng về sau lại là chính chúng ta già cả đó.
Vậy nên không chỉ vì lợi ích của con, mà còn là vì lợi ích của chính chúng ta khi đầu bạc răng long, hãy học cách xử lý các cơn giận với con từ bây giờ.
(Nguồn: Mamibuy)