Một quan niệm rất sai lầm đang phổ biến hiện nay là việc cho rằng các em bé phải mọc đủ răng hàm mới có thể nhai và ăn được các đồ ăn thô. Điều này cũng tương đương với việc sau 2 tuổi (là thời gian các bé mọc đủ răng sữa) thì con mới được cho làm quen với các loại đồ ăn nguyên miếng. Tuy nhiên, có một điều rất nhiều người lớn không hề biết tới, đó là phản xạ nhai của con người bắt đầu có vào khoảng 7 tháng tuổi và cũng giống như bất kỳ kĩ năng nào khác, nếu không được tạo điều kiện để thực tập đúng thời điểm thì phản xạ này sẽ mất đi.
Rất nhiều bà mẹ đã gặp vấn đề với việc ăn thô, ăn dặm của con khi bé được 2 hoặc 3 tuổi, thậm chí lớn hơn. Các em bé này hầu hết đều được ăn cháo, cơm hoặc đồ ăn xay nhuyễn cho tới ít nhất 2 tuổi. Bỏ qua việc nó gây quá tải tới hệ tiêu hóa như thế nào thì việc ăn đồ ăn xay nhuyễn quá lâu cũng chính là nguyên nhân làm mất đi phản xạ nhai của trẻ. Đứa trẻ – sau một thời gian dài ăn đồ ăn xay nhuyễn chỉ quen nuốt, giờ đây không biết cách điều khiển lưỡi, các cơ trong khoang miệng để nhai và nghiền nát thức ăn. Thức ăn dù nhuyễn hay nguyên miếng lớn khi được đưa vào miệng, các bé cũng chỉ biết nuốt. Và một sự thật hiển nhiên cho thấy, lúc này – với hàm răng đã mọc đầy đủ và thẳng hàng đẹp lối – các em bé vẫn hoàn toàn không biết nhai.
Có một thực tế mà rất nhiều người đang nhầm lẫn, đó là NHAI thực ra không phải là nhiệm vụ của răng. Răng chỉ là công cụ để nhai mà thôi. Nhai là sự kết hợp giữa lưỡi và các cơ trong khoang miệng, lưỡi đảo để nhào trộn thức ăn với nước bọt, các cơ được não điều khiển để di chuyển 2 hàm và nghiền nát thức ăn. Phản xạ nhai thường có lúc bé được khoảng 7 tháng và tất nhiên nếu lúc đó bé không được tạo cơ hội nhai, bé vẫn được đút những loại đồ ăn nghiền nát, xay nhuyễn thì phản xạ này sẽ mất đi, tới lúc đó việc bé có nhiều hay ít răng không còn quan trọng nữa, vì răng nếu không có sự điều khiển của não và các cơ thì cũng chỉ giống như “sản phẩm trưng bày” mà thôi.
Một vấn đề khác được đặt ra, vào giai đoạn 6 – 7 tháng tuổi, phần lớn các bé chỉ mới có vài cái răng cửa hoặc là chẳng có cái răng nào. Nếu nói răng là công cụ để nhai, thì thời điểm này bé sử dụng công cụ gì để nhai khi chưa có răng? Để trả lòi câu hỏi này, ta phải quay lại một chút về kiến thức thai giáo. Sự hình thành cấu trúc của hàm và răng bắt đầu diễn ra rất sớm vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, bởi sự tăng nhanh của các tế bào biểu mô ở miệng tạo nên hình dáng hàm răng. Trải qua nhiều quá trình phát triển trong thời kỳ mang thai, khi sinh ra em bé có một lớp “đệm nướu” mà ta thường hay gọi là “lợi”. Nhiều người thường nghĩ rằng “lợi” của em bé mềm và yếu, tuy nhiên nếu bạn hỏi những bà mẹ đang cho con bú về cảm giác mỗi khi bị bé “cắn” bằng lợi thì bạn sẽ biết sự lợi hại thực sự của “bộ nhá” thời kỳ khai sơ này. Nếu vẫn chưa tin, bạn có thể thử bằng cách dùng ngón tay đưa vào miệng cho các em bé cắn… Đừng hình dung “lợi” của em bé mềm xèo và héo hơn giống như lọi của các ông bà cụ răng đã rụng lả tả, móm mém. Với “bộ nhá” nhìn có vẻ mong manh của mình, các bé hoàn toàn có thể xử lý rất nhiều loại đồ ăn thô không thua kém gì bất cứ một người lớn đầy đủ răng nào.
Hi vọng với những thông tin Cungconlonkhon chia sẻ trên đây sẽ hữu ích đối với các mẹ!