Quan niệm dân gian vẫn cho rằng, cho bé ăn dặm sớm giúp bé cứng cáp, mau lớn, biết đi nhanh hơn bạn bè cùng tuổi. Nhiều mẹ còn cho con ăn bột ngay khi bé vừa 4 tháng tuổi mà không biết rằng, cho con ăn dặm sớm ẩn chứa nhiều tác hại khôn lường.
Một trong những sai lầm của cha mẹ khiến con mãi còi cọc, kém thông minh là cho bé ăn dặm quá sớm trong khi hệ tiêu hóa con còn non yếu chưa hoàn thiện khiến bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, giai đoạn phù hợp để trẻ bắt đầu ăn dặm là khi con tròn 6 tháng tuổi. Lúc này, sữa mẹ đã mất đi ít nhiều dinh dưỡng và kháng thể, con cũng đã lớn, hoạt động nhiều, tiêu hao nhiều năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng tăng cao nên sữa mẹ không thể đáp ứng đủ.
Vì sao không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm?
1/ Hệ tiêu hóa bé chưa hoàn thiện
Trước 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa con còn non yếu, ruột con chưa trưởng thành, do đó bé chưa thể có phản ứng ngăn ngừa những thực phẩm gây dị ứng đi vào máu. Điều này có thể đặt trẻ vào tình trạng nguy hiểm.
2/ Con chưa có phản xạ nuốt
Trước 6 tháng tuổi con chưa có khả năng phối hợp hoạt động của lưỡi và động tác nuốt, nếu được cho thức ăn, bé sẽ không nuốt mà thức ăn cứ vậy trong miệng, tăng nguy cơ hóc nghẹn.
3/ Con vẫn còn phản xạ đẩy lưỡi
Trước 6 tháng tuổi, con có khả năng tiếp nhận thức ăn lỏng và khi có thứ gì khác thức ăn lỏng đi vào miệng, theo phản xạ bé sẽ đẩy lưỡi và đưa thức ăn ra ngoài.
4/ Con chưa có răng
Thông thường, bé sẽ mọc chiếc răng đầu tiên khi con tròn 6 tháng tuổi. Đây là dấu hiệu cho biết bé đã sẵn sàng với việc nhai nuốt thức ăn. Khi mọc răng, con cũng chảy nhiều nước dãi để sản sinh những enzym cần thiết tiêu hóa thức ăn.
5/ Con chưa biết ngồi
Khi con chưa ngồi vững, việc đút cho bé ăn rất khó khăn. Nếu mẹ bế bé như cho bú để đút thức ăn dặm cho bé, sẽ khiến bé khóc và không tiếp nhận thức ăn. Vì vậy, hãy cứ đợi cho đến khi con đã sẵn sàng.
Những nguy cơ bé phải đối mặt nếu ăn dặm quá sớm
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bà mẹ vẫn được khuyến cáo nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Khi con tròn 6 tháng mới nên cho bé tập ăn dặm. Đã có khuyến cáo là vậy nhưng vì nôn nóng khi thấy con chậm lên cân hay nghe nói con ăn dặm sớm sẽ cứng cáp, mau biết đi, nhiều mẹ vội vàng cho bé ăn bột ngay khi con được 4 – 5 tháng tuổi, khiến bé phải gánh chịu nhiều vấn đề về sức khỏe.
1/ Gặp các vấn đề về tiêu hóa
Do hệ tiêu hóa con còn chưa hoàn thiện, bé không thể tiêu hóa được hết lượng thức ăn dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, gây áp lực cho dạ dày…
2/ Trẻ suy dinh dưỡng
Giai đoạn 4 – 5 tháng tuổi trẻ rất cần bú mẹ. Nếu cho con ăn dặm vào thời điểm này, bé sẽ không được bú mẹ nhiều, không được nhận nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ dẫn đến suy dinh dưỡng, còi cọc.
3/ Trẻ bị biếng ăn
Do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện đã được nhồi nhét cho ăn dặm, bé gặp các vấn đề về tiêu hóa dẫn đến sợ hãi khi ăn, chán ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng cả thể chất và trí não.
Tuy các chuyên gia khuyến cáo bố mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi con tròn 6 tháng tuổi, nhưng bố mẹ cũng phải xem xét tùy cơ địa từng bé mà có thể quyết định cho con ăn dặm khi bé đã sẵn sàng. Để biết bé đã sẵn sàng ăn dặm hay chưa, bố mẹ cần dựa vào các một số dấu hiệu sau:
– Con nghiêng người về hướng có thức ăn hoặc tỏ vẻ thèm khi thấy người lớn ăn
– Con đã biết há miệng khi được đưa thức ăn cho
– Con đã biết tự ngồi và giữ đầu thẳng
– Con thích thú khi được cho thức ăn
– Bé vẫn đói sau khi đã bú đủ 8-10 cữ
– Bé nặng gấp đôi khi sinh và trọng lượng tối thiểu là 6kg khi sinh.
Những sai lầm bố mẹ thường gặp khi cho bé ăn dặm
Ngoài sai lầm cho con ăn dặm quá sớm, bố mẹ cũng cần tránh một số sai lầm khi cho con ăn dặm khiến bé thiếu dinh dưỡng, ốm yếu, còi cọc, chậm phát triển trí não.
– Cho con ăn thức ăn nghèo nàn dinh dưỡng
– Nấu một nồi cháo hâm lại nhiều lần cho bé ăn
– Nêm muối vào cháo ăn dặm của con
– Ép bé ăn quá nhiều cữ và mỗi cữ quá nhiều trong ngày
– Xay cháo mịn cho bé ăn làm bé mất phản xạ nhai
– Cho con ăn rong, lê la khắp nơi
– Ép bé ăn khi con không thích
– Cắt giảm lượng sữa của con
– Không cho con ăn thêm rau và trái cây
– Không cho con uống đủ nước.