Dạy trẻ tự lập ngay từ khi còn nhỏ giúp trẻ trưởng thành cũng như có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên quá trình này không thể ngày một ngày hai mà cha mẹ cần kiên trì.
- Chia sẻ những cách dạy trẻ dưới 1 tuổi từ tiến sĩ Martin J. Drell
- Cha mẹ thông thái thường làm 9 điều sau đây cho con của họ
Dạy trẻ tự lập với chính cơ thể của mình
Khi trẻ 3 tuổi, các bậc cha mẹ có thể bắt đầu dạy con cách tự vệ sinh những phần quan trọng của cơ thể. Con cần biết những nơi chỉ mình con được phép đụng vào, những nơi thuộc về con và con cần biết cách tự bảo vệ cơ thể mình. Tự lập về cơ thể giúp trẻ tránh bị xâm hại, cũng như là điều quan trọng cho cuộc sống lành mạnh.
Bố mẹ nên chọn những cuốn sách dạy trẻ hiểu về cơ thể mình. Sách phải có nội dung trong sáng, đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Khi vệ sinh cá nhân, bố mẹ có thể trò chuyện để từng bước giúp bé nắm được những kiến thức cơ bản. Không để trẻ tùy tiện đi tiểu ở nơi công cộng cũng như không nên có suy nghĩ cho trẻ đi tiểu bất kì chỗ nào như suy nghĩ của mọi người trước đây.
Không ít bố mẹ sẵn sàng để con tiểu ngay gốc cây bên đường, hay ngay trong công viên thay vì tìm nhà vệ sinh công cộng cho trẻ. Cũng có không ít bố mẹ thoải mái thay đồ cho con giữa đám đông, trước hàng chục con mắt nhìn vào, hoặc để cho mọi người cưng nựng trẻ bằng cách sờ vào những bộ phận nhạy cảm… Nếu bé dễ dãi với những hành động phô diễn cơ thể nơi công cộng như vậy thì khi lớn hơn cũng khó có ý thức giữ gìn hình ảnh bản thân.
Dạy trẻ tự lập về tình cảm
Dạy trẻ tự lập về tình cảm là dạy trẻ biết cách làm chủ cảm xúc của mình, không bị môi trường làm ảnh hưởng đến suy nghĩ. Điều này rất quan trọng với trẻ trong tương lai bởi nó sẽ giúp trẻ bình tĩnh xử lý tình huống, không phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác và mạnh mẽ. Ngược lại, thiếu tự lập về tình cảm sẽ khiến trẻ dễ bi lụy, khó thoát khỏi những nỗi buồn đau, mất mát và dễ bị lung lay trước những tác động bên ngoài.
Để dạy được con tự lập về tình cảm, trước hết cần giúp bé hiểu được những cảm xúc bên trong của chính mình, kể cả những cảm xúc tiêu cực. Khi bé còn nhỏ, mỗi khi trò chuyện với con hãy cố gắng đứng ngang tầm mắt bé để con có thể quan sát gương mặt mẹ, quan sát những biểu cảm phong phú lúc vui, lúc buồn, lúc ngạc nhiên…
Thông qua đó, trẻ học được cách thể hiện các cung bậc cảm xúc khác nhau.
Từ 3 tuổi, trẻ bắt đầu khám phá những cảm xúc mới lạ và vì còn hạn chế về mặt ngôn ngữ, trẻ chưa thế diễn đạt hết được những suy nghĩ của mình nên trẻ sẽ cáu giận, bực bội hay hờn dỗi. Lúc này, bố mẹ cần giúp con gọi tên những cảm xúc tiêu cực đó, bình tĩnh lắng nghe con và giúp con đối mặt. Đây là giai đoạn quan trọng bởi nếu giải quyết sự cáu giận của trẻ bằng bạo lực hay bằng những lời mắng sẽ khiến trẻ trở nên nóng tính, khó kiềm chế. Bố mẹ có thể dành cho bé chút thời gian để bé tự nguôi ngoai, rồi mới trò chuyện nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc với trẻ. Tuyệt đối không chế nhạo hay phủ định những cảm xúc tiêu cực của con.
Dạy trẻ tự lập đối với các mối quan hệ xã hội
Điều này sẽ giúp con bạn tự tin trong giao tiếp, không sợ đám đông và dễ kết bạn. Khi trẻ trưởng thành sẽ giúp chúng tự lập về quan hệ xã hội cũng như biết cách giao tiếp. Ngay từ bé, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho con được tiếp xúc với các hoạt động cộng đồng để con có cơ hội giao tiếp với bạn bè, anh chị. Dẫn con đến công viên, nơi trẻ được tự do chạy nhảy và tham gia các trò chơi đông người, đăng ký tham gia các câu lạc bộ hay các nhóm hoạt động cuối tuần… Khi trẻ phát sinh mâu thuẫn với bạn, đừng can thiệp thô bạo bằng cách lập tức chạy tới, ngăn cản hay thay chúng giải quyết. Hãy quan sát và thử cho con tự đối mặt với các vấn đề của mình trước khi tham gia vào và phân tích cho bé cách làm đúng.
Các bậc cha mẹ cũng nên dạy con tôn trọng cha mẹ, ông bà, dùng kính ngữ và biết chào hỏi khi cần thiết. Trẻ cũng cần học cách chia sẻ tự nguyện và vui vẻ để có được sự thân thiện và hài hòa trong các mối quan hệ.
Ngoài ra bố mẹ cũng nên khuyến khích bé biết chủ động đưa ra các ý kiến, quan điểm cá nhân bằng cách thường xuyên trò chuyện với con, gợi mở bé thể hiện suy nghĩ trước những vấn đề bố mẹ nêu ra. Bố mẹ cần cố gắng lắng nghe con kể cả những câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn hoặc vô nghĩa của trẻ và tuyệt đối không than phiền hay cấm bé không được hỏi nhiều trong các cuộc tranh luận.
(Nguồn: Tham khảo)