Ở Việt Nam đa phần các bé phải khoảng 4 – 5 tuổi mới có thể tự dùng thìa để xúc ăn thành thạo, có những bé đã đi học tiểu học – có thể tự biết xúc ăn nhưng rất lười xúc và thường được cha mẹ đút cho ăn. Tuy nhiên với những mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW đều bất ngờ về khả năng tự xúc ăn một cách thành thạo của bé khi mới khoảng 18 tháng tuổi.
Các kĩ năng cần thiết cho bé
Phần lớn các bé ăn dặm tự chỉ huy có thể sử dụng thìa để xúc đồ ăn vào khoảng 15 – 18 tháng tuổi nếu bé bắt đầu tự ăn từ 6 tháng và đã thành thạo kĩ năng bốc nhón. Đương nhiên sẽ có những bé sớm hơn hoặc trễ hơn. Và vì việc sử dụng thìa là một kĩ năng rất khó nên độ trễ của bé có thể chênh lệch vài ba tháng, do đó cũng không quá ngại nếu con bạn gần 2 tuổi mà kĩ năng dùng thìa vẫn còn tệ. Hãy cứ kiên nhẫn và bình tĩnh chờ đợi Khi bé được khoảng 10 – 11 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu giới thiệu thìa cho bé. Việc giới thiệu thìa lúc này hoàn toàn chỉ mang tính chất làm quen để cho bé quan sát, gặm, xoay vần hoặc thậm chí là ném vứt thìa xuống đất.
Ban đầu phần lớn các bé sẽ chỉ cầm thìa và chọc chọc vào đồ ăn, có bé sẽ đưa thìa lên miệng mút, có bé thì sẽ ném cái thìa đi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên hay phẫn nộ, đơn giản là vì con cảm thấy chưa sẵn sàng để dùng thìa. Một thời điểm khác bé sẽ thích ngậm thìa nhưng lại sử dụng cán thìa hoặc lòng thìa úp ngược. Hãy cứ để bé thử nghiệm và tự rút ra kinh nghiệm, sẽ đến lúc bé nhận ra phải cầm thìa thế nào cho đúng.
Quá trình khám phá và làm quen với thìa có thể diễn ra trong khoảng 2 – 3 tháng hoặc lâu hơn. Sử dụng thìa thành thạo thực sự là một kĩ năng khó bởi nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chính xác giữa trí não, mắt, tay và miệng. Một thìa thức ăn đi từ bát qua thìa vào tới miệng sẽ phải trải qua một chuỗi các phối hợp phức tạp của cơ thể, bao gồm:
Não nhận tín hiệu từ mắt nhận diện vị trí của đồ ăn => Tay được não điều khiển để sử dụng thìa xúc đồ ăn lên => Não phân tích khoảng cách từ thìa lên tới miệng và điều khiển tay di chuyển quãng đường phù họp đưa thức ăn lên miệng => Tay phối hợp với miệng để đưa đồ ăn vào trong miệng chính xác, không rơi vãi.
Việc tự xúc bằng thìa cũng yêu cầu tay bé phải đạt được độ khéo léo và dẻo dai nhất định; bàn tay, cánh tay, cổ tay bé cũng phải sử dụng linh hoạt để có thể cầm nắm, vận chuyển và đổi hướng kịp thời.
Vào khoảng 13 – 15 tháng, nhiều bé bắt đầu tỏ ra hứng thú với việc sử dụng thìa để xúc đồ ăn. Lúc này, bé đã biết công dụng của thìa dùng để làm gì, tuy nhiên vì sử dụng thìa là một kĩ năng rất phức tạp nên bé sẽ mất kha khá thời gian mới có thể sử dụng thìa thành thạo. Trong quá trình tập luyện sẽ có những lúc bé cảm thấy bực bội, cáu gắt tới độ quăng thìa đi, gạt đổ bát đồ ăn hay gào khóc đòi ra khỏi ghế. Tình trạng này xảy ra do bé cảm thấy không điều khiển được tay và thìa theo ý muốn.
Tùy vào kĩ năng của từng bé mà thời gian bé tập luyện với thìa sẽ lâu hay nhanh. Tuy nhiên, phần lớn các bé sẽ sử dụng thìa thành thạo trong khoảng từ 18 – 24 tháng tuổi. Mẹ không nên sốt ruột, thúc giục bé và cũng không nên cáu gắt khi thấy bé lóng ngóng, bực bội.
Những lưu ý dành cho mẹ khi bé tập ăn với thìa
Việc sử dụng thìa có thể chia làm hai kĩ năng chính cơ bản:
- Kĩ năng múc: Múc thức ăn lên từ bát
- Kĩ năng gập cổ tay: Gập cổ tay để đưa thìa có thức ăn từ bát lên tới miệng chính xác
Một số bé sẽ thích học kĩ năng múc trước khi học được kĩ năng gập cổ tay. Các bé này thường biết xúc rất gọn và khéo trước khi biết đưa đồ ăn vào miệng. Bé sẽ thường làm rơi vãi gần như hết thìa đồ ăn trên đường di chuyển của thìa và gặp khó khăn khi đưa thìa vào miệng. Một số bé khác lại thích học cách điều khiển cánh tay, cổ tay khi đang dùng thìa trước khi học được cách múc đồ ăn. Các con khi được cung cấp một thìa đồ ăn đã múc sẵn có thể tự đưa vào miệng rất chính xác, nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi cố gắng tự múc thức ăn lên từ bát.
Việc mẹ cần làm là quan sát bé và nhận biết bé thuộc nhóm nào để hỗ trợ bé cho phù hợp:
Đối với các bé thiên về kĩ năng xúc, mẹ nên cung cấp cho bé các món có thể “dính” vào thìa như cháo đặc, cơm dẻo, xôi vì những món ăn này sẽ khó bị rơi vãi trên đường di chuyển và bé sẽ dễ dàng học được cách điều chỉnh tay cho phù hợp mà không lo thức ăn bị rơi ra hết. Khi bé đã học được cách điều chỉnh tay chính xác, mẹ có thể cho bé thử sức để “xúc” các món dạng lỏng như canh, súp để tăng độ khó và tập luyện thêm sự khéo léo cho bé.
Đối với các bé thiên về kĩ năng điều khiển tay, trước khi cho bé làm quen với thìa, mẹ nên cho bé sử dụng nĩa với các món ăn dạng viên, miếng nhỏ. Các bé trong nhóm này có thể rất nhanh chóng biết cách xiên thức ăn vào dĩa và tự đưa lên miệng chính xác không gặp khó khăn gì. Dần dần khi bé đã khéo léo hơn, mẹ có thể thay nĩa bằng thìa, sử dụng một vài món ăn dạng sệt, dễ “dính” để giúp bé học cách múc lên gọn gàng (khoai tây nghiền, cháo đặc…).
Không có bằng chứng nào về việc liệu bé biết múc trước hay bé biết điều khiển tay trước sẽ nhanh học được cách sử dụng thìa thành thạo hon. Việc nhanh hay chậm các kĩ năng hoàn toàn phụ thuộc vào bé, vào cơ thể, sự sẵn sàng, sự phối hợp của các bộ phận trong cơ thể bé. Việc này cũng hoàn toàn không thể hiện rằng bé thông minh hay kém cỏi hơn các bé khác. Mỗi em bé là một cá thể phát triển độc lập và duy nhất, vì vậy mẹ hãy chỉ nên nhìn vào sự phát triển của con để điều chỉnh cho phù hợp chứ không nên so sánh với bất kỳ đứa trẻ nào khác và áp đặt lên con mình. Nếu các mẹ để cho bé theo phương pháp BLW ngay từ đầu, chắc chắn bé sẽ có đủ sự khéo léo và tự lập mà bạn mong muốn ở con.
(Theo: Tham khảo)
=>> Xem thêm: Nhai – Nhả trong quá trình bé ăn dặm tự chỉ huy BLW