Đồ đông lạnh có tốt cho bé trong quá trình ăn dặm? Các mẹ nên lựa chọn những loại thực phẩm nào để cấp đông? Mọi người hãy cùng theo dõi những thông tin chia sẻ dưới đây:
Một số quan điểm về đồ đông lạnh
Nhìn chung người Việt khi nghe thấy nói cấp đông đồ ăn dặm cho bé là có cảm giác không ngon lành, mất chất…Lại còn cho em bé nữa thì tội em bé quá. Tuy nhiên, về mặt khoa học thì đồ đông lạnh lại không hại như mọi người suy nghĩ.
Ở chế độ đông lạnh, hoàn toàn không có trao đổi chất, thực phẩm gần như ở trạng thái ngủ và giữ nguyên trạng thái lúc mới nấu xong. Với một thí nghiệm trên tivi cũng cho kết quả là thịt bò tươi hoàn toàn và thịt bò đông lạnh 10 ngày cho hội các bà nội trợ ăn thì trong số họ không có một ai bỏ phiếu chọn bên thịt bò tươi ngon hơn (???). Thêm một ví dụ nữa với thực phẩm cụ thể là mít chín “ăn rất ít mà vẫn tăng cân rất nhiều”, câu hỏi đặt ra đó là không lẽ ăn đồ mất chất mà được như vậy?
Vì vậy, nếu để lựa chọn giữa đông lạnh và em bé được ăn đa dạng, với nấu nướng ăn ngay nhưng đơn giản ít món thì các mẹ vẫn có thể chọn cho con ăn thức ăn đông lạnh.
Nói đến đồ đông lạnh, thú thật nước Nhật có lẽ là nước của đồ đông lạnh cũng nên. Cá biển muốn tươi lâu và bán được giá, khi mới được đánh bắt ngư dân đã phải cấp đông ngay lập tức từ trên tàu của họ, vậy nên các nhà hàng siêu thị mới có món cá sống tươi nguyên. Còn nếu vận chuyển cá từ biển về đất liền mà không sử dụng phương pháp cấp đông thì liệu có nguyên liệu tốt phục vụ cho nhà hàng.
Các gia đình Nhật thường đông con, người chồng đi làm vợ chăm vài đứa con, cuộc sống bận rộn như vậy nhưng làm thế nào để đảm bảo cho gia đình bữa ăn đầy đủ chất hàng ngày? Họ tận dụng thời gian chơi với con và giảm tải stress cả trong việc cơm nước với phương pháp đông lạnh thực phẩm.
Vậy sử dụng phương pháp đông lạnh có làm giảm dinh dưỡng trong thực phẩm khi cho bé ăn dặm? (Trả lời của chị Akiko – trích từ FB của mẹ Aichan)
“Việc làm đông lạnh thực phẩm, tôi không có các số liệu như các nhà khoa học, không biết chính xác hàm lượng dinh dưỡng bị mất đi bao nhiêu, nhưng tuỳ từng thực phẩm và phương pháp đông lạnh khác nhau mới có thể nói được là có bị mất chất hay không. Tôi tổng kết từ các điều thu nhận được khi học về quản lý dinh dưỡng cho bữa ăn…”
Cụ thể, vitamin dễ hoà tan (như vitamin C chẳng hạn) ngay từ lúc đem luộc vitamin đã bị tụt giảm rồi. Thì sau đó cấp đông cũng không thể làm giảm hơn được nhiều nữa. Còn đối với các rau củ chứa nhiều vitamin dạng lipid như A,D,K… (như cà rốt, ớt chuông…) khi làm đông lạnh thì lượng vitamin cũng không mất đi là mấy.
Rau chân vịt là loại rau nhiều vitamin thường hay dùng nhiều trong bữa dặm, so sánh giữa việc luộc lên rồi sử dụng ngay và việc làm đông lạnh thì cả 2 việc trên đều làm vitamin C giảm sút ít nhiều nhưng để đông lạnh thì hàm lượng vitamin A, K lại không hề thay đổi.
Trong 1 bữa ăn quan trọng là sự cân bằng dinh dưỡng hay nói đơn giản hơn là đầy đủ chất (có nghĩa là phong phú các loại thực phẩm để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể), vậy nên nhờ phương pháp đông lạnh các mẹ có thể cung cấp bữa ăn dặm phong phú cho con. Tuy nhiên các mẹ cần lưu ý là không phải làm đông lạnh tất cả các loại thực phẩm mà cần phải có chọn lọc và có phương pháp cấp đông đúng cách. Nếu thực phẩm nào khi làm đông bị giảm vitamin C chẳng hạn thì có thể bổ sung thêm bằng hoa quả tươi trong bữa ăn để cân bằng chất dinh dưỡng cho bé.
Chuẩn bị bữa ăn cho con thực ra rất mất thời gian và vất vả, nếu mẹ tính làm đồ ăn sẵn để tủ lạnh ăn vài bữa thì nên dùng phương pháp đông lạnh sẽ tốt hơn. Đối với gia đình nào nhiều thời gian và dư giả thì không nhất thiết phải sử dụng đến phương pháp đông lạnh, nhưng có thể thấy sử dụng đông lạnh là cách bổ sung phong phú cho bữa ăn hàng ngày của bé, 1 bữa có thể dùng nhiều loại rau củ, thực phẩm cung cấp đủ chất cho sự phát triển của bé.
Phương pháp đông lạnh hoàn toàn được đảm bảo nếu các mẹ biết làm đúng cách. Một vài điểm cần lưu ý sau:
– Đặt chế độ “cấp đông” (làm đông nhanh) là chức năng gần đây thường hay có ở tủ lạnh.
– Dàn mỏng thực phẩm để làm đông nhanh hơn
– Nhiệt độ trong ngăn đá luôn để dưới 18 độ
– Tránh mở tủ lạnh quá lâu hoặc nhiều lần làm nhiệt lạnh tràn ra ngoài.
– Nhớ ghi chú ngày làm đông, không để thực phẩm đông lạnh quá 1 tháng.
Những thực phẩm có thể cấp đông cho bé ăn dặm
Hầu hết các loại thức ăn của bé – đặc biệt là ở dạng nghiền – được cấp đông rất tốt. Đôi khi mẹ thấy kết cấu bị thay đổi, vì quá trình cấp đông làm các phân tử nước bị dãn nở, phá vỡ thành tế bào, nhất là thực phẩm được cấp đông dạng nguyên – ví dụ, một quả chuối đông lạnh sẽ nhũn khi rã đông – nhưng nếu là chuối nghiền thì tình trạng này ít hơn nhiều.
Một số lời khuyên dành cho mẹ:
- Đừng làm loãng thức ăn của bé trước khi cấp đông. Nhiều loại thực phẩm trở nên lỏng hơn khi rã đông (đặc biệt là trái cây và rau), nếu bổ sung thêm chất lỏng trước khi đông lạnh sẽ làm cho thức ăn chảy nước và lỏng hơn rất nhiều khi rã đông.
- Các loại thảo mộc và gia vị có xu hướng mất đi hương vị khi cấp đông. Vì thế các mẹ nên thêm chúng sau khi món ăn đã rã đông, khi hâm nóng.
- Nhiều loại trái cây – đặc biệt là chuối, bơ, táo và lê – có thể chuyển màu nâu khi ñông lạnh và rã đông. Điều này là bình thường và nó không có hại, nhưng nếu mẹ không thích như vậy thì có thể trộn một ít nước chanh vào thực phẩm trước khi cấp đông, tuy nhiên “họ nhà cam” có thể gây dị ứng ở trẻ. Đối với trường hợp này thì các mẹ không nên cho vào và phải chấp nhận sự đổi màu này.
- Nếu mẹ muốn tự làm nước dùng, nên cấp đông chúng thành từng viên trong khay đá. Mẹ sẽ có những viên nước dùng sẵn để sử dụng khi cần thiết.
(Nguồn: Tham khảo)