Vì nhiều lý do mà các mẹ không thể cho con ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy hoàn toàn từ 6 tháng tuổi: có thể do áp lực của gia đình, định kiến của xã hội hoặc có thể do các mẹ biết đến BLW quá muộn. Chính vì vậy mà các mẹ có thể cho bé ăn theo phương pháp chỉ huy không hoàn toàn. Mọi người hãy cùng Cungconlonkhon tìm hiểu đặc điểm của phương pháp này nhé!
Vì sao nên áp dụng phương pháp chỉ huy không hoàn toàn?
Có nhiều băn khoăn của các mẹ đó là liệu không theo BLW hoàn toàn, không bắt đầu từ khi bé được 6 tháng tuổi thì kết quả có khả quan hay không, liệu có thể tạo cho bé một thái độ ăn uống nghiêm túc, tự giác như các bé ăn dặm tự chỉ huy hoàn toàn hay không. Câu trả lời đơn giản nhất: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu với BLW và BLW không phải là một phương pháp đòi hỏi phải quá tuân thủ khắt khe về lịch ăn hay tiến trình ăn. BLW đơn giản chỉ là lắng nghe và giúp con tự nhận biết và sử dụng các kĩ năng vốn có của bé trong ăn uống mà thôi.
Ăn dặm bé chỉ huy là một phương pháp ăn dặm có nhiều điểm khác biệt và có phần trái ngược vói những hiểu biết và quan niệm ăn dặm thông thường, do đó các bà mẹ chọn phương pháp BLW thường gặp khá nhiều sự phản đối, nghi hoặc của gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Để thực hiện BLW hoàn toàn và từ bỏ đồ ăn nghiền nhuyễn cùng với việc đút thìa nhiều khi là một thách thức vô cùng khó khăn ở nhiều gia đình và khiến người mẹ thực sự rơi vào một “cuộc chiến” đầy cam go.
Nếu điều kiện không cho phép thì các mẹ cũng không nhất thiết phải cho bé thực hiện ăn BLW hoàn toàn mới có thể đạt được kết quả ăn uống như mong đợi. Rất nhiều bà mẹ đã thử áp dụng và cũng đạt được kết quả khá tốt khi thực hiện ăn dặm chỉ huy không hoàn toàn với sự kết hợp giữa BLW và đút thìa. Việc này vừa đảm bảo con của bạn phát triển được các kĩ năng ăn uống đúng với sự phát triển của cơ thể, vừa giúp bạn và gia đình yên tâm hơn về lượng ăn hàng ngày của bé cũng như tránh những xung đột trong cách nuôi con của các hệ tư tưởng khác nhau.
Các cách ăn dặm chỉ huy không hoàn toàn
Các mẹ có thể kết hợp BLW và việc đút thìa trong cùng 1 bữa ăn hoặc 2 bữa ăn khác nhau.
Điều này có nghĩa là các mẹ có thể cho bé ăn BLW và ăn đút trong cùng một bữa ăn hoặc ăn BLW riêng một bữa, ăn đút riêng một bữa. Tuy nhiên, các mẹ cũng cần lưu ý tới các nguyên tắc khi kết hợp để đạt được kết quả tốt nhất:
Thời gian đầu khi bé mới tập ăn BLW thì bắt buộc PHẢI tách bữa ăn đút và bữa ăn BLW thành 2 bữa riêng biệt. Điều này để tránh gây cho bé sự khó hiểu, bối rối vì lúc này bé mới tập ăn, nếu trong cùng một bữa bạn vừa đút vừa để bé bốc, bé sẽ không hiểu được lúc nào nên tự ăn và lúc nào thì được đút. Các mẹ hãy chờ cho tới khi bé có kĩ năng bốc và xử lý thức ăn tương đối tốt mới kết hợp cả đút và BLW trong cùng một bữa (ít nhất sau khoảng 1 tháng đầu tiên).
+ Khi kết hợp BLW và ăn đút trong cùng một bữa ăn, các mẹ hãy để cho bé tự ăn theo BLW trước rồi mới ăn đút. Mọi người có thể đặt ra một khoảng thời gian nhất định (10 phút, 15 phút…) để bé tập ăn BLW, sau đó dẹp đồ ăn bốc đi và tiến hành đút. Tuyệt đối không vừa cho bé bốc đồ ăn vừa đút, hành động vừa cho bé tự bốc vừa đút sẽ giống như việc các mẹ bày đồ chơi lên bàn cho bé chơi để dụ bé ăn đút vậy.
+ Các bé ăn dặm theo phương pháp BLW thường không thích những đồ ăn quá nhuyễn và bé có thể xử lý được những đồ ăn thô hơn các bé ăn cháo bột hoàn toàn. Vì vậy, khi chế biến các món ăn để đút cho bé, các mẹ cũng không nên làm các món ăn quá mềm nhuyễn như bột hay cháo loãng. Mọi người hoàn toàn có thể cho bé bắt đầu với cháo nguyên hạt và rau củ, thịt băm nhỏ vừa phải, dần dần chuyển lên cắt hạt lựu và miếng to hơn.
+ Luôn ngồi trong ghế ăn với lưng thẳng dù ăn BLW hay ăn đút. Không tivi, không đồ chơi, không đi rong và không gây mất tập trung trong bữa ăn của bé. Dù con tự ăn hay bạn đút cho con hãy luôn tạo cho con một thái độ ăn uống tốt.
+ HÃY LUÔN TÔN TRỌNG CON. Nếu như con lựa chọn BLW mà từ chối đút thìa thì hãy để cho bé ăn theo BLW. Nếu như con thích mẹ đút hơn là BLW cũng không sao cả, hãy đút cho con, nhưng các mẹ cũng nên giới thiệu đồ ăn BLW cho bé mỗi bữa, chắc chắn sẽ tới lúc bé hứng thú với việc tự mình ăn.
+ Luôn nhớ việc ăn là con ĐƯỢC QUYỀN ăn chứ không phải là NGHĨA VỤ con phải ăn. Bất cứ khi nào con có dấu hiệu muốn dừng ăn, kể cả BLW hay ăn đút – hãy chấm dứt bữa ăn tại đó và cho con ra khỏi ghế.
Hi vọng với những thông tin trên sẽ hữu ích đối với các mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn. Chúc các mẹ thành công!