Wonder week – các tuần khủng hoảng của trẻ là những giai đoạn trẻ trở nên khó ăn khó ở, hay quấy khóc và đòi sự quan tâm đặc biệt ở bố mẹ. Vậy bố mẹ nên làm gì để vượt qua những “cơn bão” của con một cách dễ dàng? Mọi người hãy cùng tham khảo thông tin dưới đây:
Theo nghiên cứu của hai bác sĩ Nhi khoa người Hà Lan Frans Plooij và Hetty van de Rijt đã chỉ ra 10 “cơn bão” trong gần 80 tuần đầu đời của một em bé như sau:
Tuần khủng hoảng số 1: Tuần thứ 5
Sau khi đầy tháng cũng chính là mốc khủng hoảng đầu tiên của trẻ. Lúc này trẻ bắt đầu ngủ ít hơn, tỉnh táo và chú ý đến thế giới xung quanh. Thế giới bên ngoài có nhiều điều hấp dẫn và mới lạ tự nhiên ập đến khiến bé choáng ngợp và khó ở.
Đặc biệt trong giai đoạn này bé sẽ cảm thấy bất an và trẻ hay quấy khóc ở thời điểm từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Đó chính là bản năng “động vật” trong bé – đặc biệt lo sợ và cần mẹ sau khi mặt trời lặn. Mẹ hãy lưu ý ở bên con, vuốt ve ôm ấp con và cho con bú thường xuyên hơn trong thời điểm này để trấn an bé nhé.
Ở giai đoạn này bé cũng có thể sẽ trải qua một “bước nhảy vọt” tăng trưởng thể chất (gọi là growth spurt) – khi chiều cao và cân nặng đều tăng tốc. Điều này sẽ khiến bé đói nhanh, khó ngủ và quấy khóc nhiều hơn.
Tuần khủng hoảng số 2: Từ tuần thứ 8 – 9
Giai đoạn này là lúc bé bắt đầu nhận thức về việc được ăn, thay bỉm…những việc được lặp đi lặp lại nhiều, bé có thể đã biết nói u ơ hay đưa tay qua lại. Sự tò mò về thế giới xung quanh cũng khiến tâm trạng bé khó ổn định để đi vào giấc ngủ.
Tuy nhiên ở thời điểm này bố mẹ có thể rèn luyện cho bé một thói quen ngủ theo lịch trình đều đặn với môi trường cố định.
Tuần khủng hoảng số 3: Tuần thứ 12
Thời điểm bé được 12 tuần (3 tháng tuổi) cũng là lúc bé đang tập lẫy. Bé không ngừng học hỏi và luyện tập để có thể cử động nhịp nhàng khéo léo chính vì vậy mà bé cũng trở nên hiếu động, việc ăn ngủ cũng trở nên xáo trộn.
Tuần khủng hoảng số 4: Từ tuần 15 đến tuần 19
Đây được xem là một trong các tuần khủng hoảng của trẻ mà thời gian kéo dài. Lúc này bé biết cầm nắm các đồ vật và mẹ sẽ bắt đầu thấy bé biết cho tay vào miệng mút hoặc cầm nắm để bỏ tất cả mọi đồ vật trong tầm với nhét vào miệng. Bé cũng biết nhìn theo mẹ hoặc bố, đẩy núm ti ra khi đã no.
Tuần khủng hoảng số 5: Từ tuần 23 đến tuần 26
Thời điểm này là lúc bé bắt đầu học hỏi về khoảng cách xa gần, thế giới trở nên rộng lớn hơn trong mắt bé, và bé cố gắng hoàn thiện kỹ năng lăn, trườn, bò… để tự mình khám phá.
Tuần khủng hoảng số 6: Từ tuần 34 đến tuần 37
Con vận động không ngừng và tiến bộ vượt bậc trong việc bò, tập đứng thẳng và có thể tập bước với sự hướng dẫn của người lớn.
Giấc ngủ của trẻ cũng bị ảnh hưởng lớn trong giai đoạn này. Bố mẹ cố gắng giữ nguyên lịch trình và thói quen ngủ cho con để bé ngủ ngon hơn. Giai đoạn này con cũng đã hoàn toàn nhận thức được người quen người lạ, biết đòi theo người mà bé tin tưởng.
Tuần khủng hoảng số 7: Từ tuần 42 đến tuần 46
Con trẻ đã bắt đầu hiểu trình tự. Con sẽ bắt đầu nói nhưng từ đơn, biết trả lời câu hỏi ngắn, biết chỉ vào đồ vật mình muốn, thích chơi xếp chồng đồ vật.
Tuần khủng hoảng số 8: Từ tuần 51 đến tuần 54
Khi trẻ khoảng 1 tuổi cũng là lúc con bắt đầu thể hiện sở thích cá nhân, chính kiến độc lập của mình. Ví dụ như con nhất định muốn đi tất màu hồng chứ không thích tất màu xanh. Hoặc khi con không muốn ngủ trưa, ngủ tối… thì sẽ phản đối quyết liệt. Vậy nên đưa bé vào nề nếp sinh hoạt trong giai đoạn này khá vất vả, bố mẹ sẽ phải sẵn sàng đón nhận những cơn ăn vạ dữ dội đấy nhé!
Tuần khủng hoảng số 9: Từ tuần 60 đến tuần 64
Bé tiếp thu cực nhanh từ những phản ứng của bố mẹ đối với hành động của bé. Ví dụ, con vứt đồ chơi xuống đất thì mẹ sẽ nói gì, con không chịu ngủ thì bố sẽ tỏ thái độ ra sao…Vì vậy thời gian này rất cần sự nhất quán của bố mẹ trong việc đưa ra thông điệp chính xác, thiết lập khuôn khổ và giới thiệu cho bé biết nếp sống kỷ luật.
Tuần khủng hoảng số 10: Tuần 71 đến tuần 75
Khi gần 20 tháng tuổi, trẻ đã có thể hoàn toàn đi vững và chạy nhảy, biết thay đổi hành vi sao cho phù hợp với hoàn cảnh. Trẻ cũng sẽ bắt đầu phát triển sự đồng cảm và ít ích kỷ, cùng với các kỹ năng ngôn ngữ.
Ở giai đoạn này bố mẹ cần hết sức kiên nhẫn, kìm chế sự cáu giận và đôi lúc cũng phải tỏ ra cương quyết với con. Tuy nhiên các mẹ cũng không nên la mắng vì mẹ mắng con cũng có hại như đánh con vậy, sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của trẻ sau này.
Các mẹ hãy lưu lại các tuần khủng hoảng của trẻ ở trên đây để chuẩn bị tinh thần và tâm lý vượt qua giai đoạn “bão tố” này nhé!