Cha mẹ chính là người giúp trẻ phát huy được khả năng trí tuệ vô hạn của trẻ. Và giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ để làm điều đó.

Phương pháp giáo dục theo phương pháp Shichida này được áp dụng tại nhà, giúp phát triển trí não của trẻ nhỏ trước khi đến trường. Giáo dục tại gia đình là bước quan trọng nhất để phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ mà trẻ có, do đó rất cần sự thấu hiểu và hiệp lực của cả cha mẹ. Hãy cùng Cungconlonkhon.com tìm hiểu nhé!

Trò chơi phán đoán (extra sensory perception):

Rèn luyện năng lực cảm nhận, trực quan (trực giác), tri giác và xúc giác. Chẳng hạn, người lớn cầm một hòn bi trong tay cho trẻ xem rồi giấu tay sau lưng, sau đó giơ ra trước mặt trẻ và hỏi xem hòn bi ở tay nào. Hoặc cha mẹ giấu con thú nhỏ sau lưng rồi hỏi con đoán xem con thú nằm ở tay nào…

Đây là trò chơi có thể luyện trực quan, não phải rất tốt, giúp ích nhiều cho trẻ trong việc phán đoán các tình huống trong học tập, công việc sau này

Trò chơi ghép hình:

Rèn luyện năng lực tưởng tượng, phán đoán, tư duy. Đây là trò chơi phổ biến, hầu như cha mẹ nào cũng cho con chơi. Chẳng hạn con có các miếng gỗ rời hình vuông, tròn, chữ nhật, việc của con là ghép đúng vị trí các hình đó trên tấm gỗ lớn.

Lúc đầu, cha mẹ có thể cho con chơi ghép hình đơn giản như hình vuông, tam giác, tròn kể trên.

Chơi trò ghép hình cùng con

Dần dần khó hơn thì mua miếng ghép hình con vật, tranh ảnh và chơi cùng trẻ, đoạn nào trẻ gặp khó khăn thì ta gợi ý cho trẻ tìm hướng ghép đúng.

Bí mật trong việc rèn luyện trí thông minh của trò chơi ghép hình chính là: Não phải có vai trò đưa ra dự đoán bằng trực quan xem một bộ phận đó sẽ nằm đúng vị trí nào trong toàn bộ, não trái có nhiệm vụ lắp ghép một cách chính xác những tổ hợp đó.

Trò chơi ghép hình sẽ giúp rèn luyện cả não trái và não phải, giúp luyện trí tưởng tượng, tư duy phán đoán lẫn tính nhẫn nại. Cha mẹ hãy thường xuyên khen nếu trẻ làm tốt, khuyến khích trẻ cố gắng, động viên con “cố lên”, “con có thể làm được mà!”… để trẻ kiên trì và vượt qua chính mình

Luyện trí nhớ:

Rèn luyện trí tưởng tượng, tập trung, ghi nhớ. Cha mẹ có thể giúp con ghi nhớ câu chuyện vừa được đọc bằng cách làm những tấm thẻ nhỏ bao gồm những hình liên quan, cho con sắp xếp hình theo thứ tự xuất hiện của các sự kiện trong câu chuyện đó.

Nếu không có thẻ và tranh vẽ, cha mẹ có thể viết các chữ “từ khóa” lên giấy rồi nhắc lại cho con (đây cũng là cách hay để dạy con học chữ).

Hoặc cha mẹ bày ra một loạt hình ảnh (loài hoa, các loại quả), úp và bảo con đoán là hình gì, đồng thời nhắc con câu chuyện, sự kiện liên quan, chẳng hạn “Hôm qua con cũng ăn quả này đấy!”

Mẹ có thể vừa nấu cơm, dọn nhà vừa chơi và đố vui với con. Điều quan trọng nhất ở trò chơi này là tạo ra câu chuyện thú vị để kích thích hứng thú và tâm trạng vui vẻ của trẻ.

Chơi trò ám thị:

Giúp con có hình ảnh tích cực về bản thân, có hứng thú và động lực học hỏi. Đây là bài học về nuôi dưỡng tâm hồn và trái tim của trẻ nhỏ. Thay vì quát mắng và dùng những từ ra lệnh, cha mẹ hãy dùng những từ ngữ biểu cảm rằng ta sẽ rất vui nếu trẻ làm như thế, hay vỗ tay khen khi trẻ làm việc tốt.

Chẳng hạn khi con tự đi giày, tự mặc quần áo, tự dọn đồ chơi khi chơi xong, vẽ được bức tranh, đọc xong cuốn sách, giúp ta làm việc nhà thì cha mẹ tỏ ra vui mừng khen trẻ, cho con thấy rằng cha mẹ rất hài lòng nếu trẻ làm những việc đó.

Luyện trí tưởng tượng bằng hình ảnh minh họa:

Rèn luyện năng lực biểu hiện, năng lực miêu tả bằng hình ảnh, năng lực văn học. Nhiều cha mẹ chơi trò này với con nhưng có thể không biết rằng nó có ích cho trí tưởng tượng của trẻ: giả động tác con chó, con mèo kêu ra sao, cầm chiếc vòng như vô lăng ô tô rồi bắt chước chú lái tàu làm như nào, tạo hình dáng con voi, con gà như nào, tập chơi đồ hàng, cho trẻ tập kịch như là đang biểu diễn thật trên sân khấu.

Cho con đọc thơ, tập làm cô giáo, tập làm người bán hàng… Cha mẹ có thể cùng con thay đổi vai, ví dụ hôm nay mẹ là người đầu bếp, con là người trợ giúp lấy dụng cụ thì hôm sau đổi vai con sẽ là người nấu, còn mẹ sẽ là người phụ bếp…

Luyện khả năng liên tưởng:

Rèn luyện suy nghĩ phổ quát, liên tưởng, năng lực ngôn ngữ, từ vựng, năng lực biểu hiện. Hỏi con xem nghĩ đến biển thì tưởng tượng đến cái gì (thuyền, cá, bãi cát…) Mặt trời thì liên tưởng đến gì (nóng), con khỉ thì tưởng tượng giống cái gì… hay cùng thi để xem ai nói được nhiều từ có chữ đầu bằng A, B nhiều nhất…

Với những câu trả lời chưa đúng của con, không nên nói là trẻ nói sai rồi, vì như vậy sẽ làm trẻ mất tự tin mà không nói tiếp nữa.

Học vẽ: Rèn luyện cách cầm bút, năng lực biểu hiện, sáng tạo

Mua giấy, sáp màu, bút màu về cho trẻ vẽ. Trẻ muốn vẽ gì cũng được. Sau đó ta tăng dần độ khó bằng cách đố trẻ vẽ con vật, cho nhìn bức tranh để trẻ vẽ theo… Trẻ vẽ xấu hay đẹp không quan trọng, cha mẹ hãy luôn khen ngợi để khuyến khích trẻ vẽ tiếp. Khi con vẽ bậy ra sàn, cha mẹ không nên la mắng ngay vì có thể chỉ vì con vẽ hăng say quá mà không nhận ra, hoặc con chưa biết là không được vẽ lên sàn, tường. Hãy dặn con trước về điều đó, hoặc chuẩn bị cho trẻ một không gian thật rộng hoặc một tờ giấy cỡ Ao để con chơi thoải mái.

Rèn luyện con cầm bút để vẽ

Chơi cung hay hồn trận:

Rèn luyện năng lực cầm bút, sự tập trung, xử lý thông tin. Trên báo thi thoảng có trò chơi tìm đường đến kho báu trong những bức tranh chi chit đường đi. Cha mẹ cũng luyện như thế bằng cách mới đầu vẽ 2, 3 đường đến chỗ cần đến, sau đó tăng dần độ khó để đố trẻ tìm ra đích đến. Hoặc ban đầu để trẻ vẽ tự do, sau đó thì vẽ mê cung theo luật cha mẹ quy định.

Tùy theo lứa tuổi, bố mẹ đưa ra mê cung đơn giản hay phức tạp. Trò chơi này giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng như có cái nhìn bao quát toàn thể, nâng cao ý chí để dẫn đến đích, hiểu rằng muốn đến đích phải biết phân tích tình huống, xử lý thông tin.

Tập diễn kịch, tự diễn thuyết giới thiệu về bản thân:

Rèn luyện năng lực biểu hiện, năng lực diễn thuyết, khả năng khẳng định và đánh giá bản thân.

Đầu tiên, cha mẹ hãy hướng dẫn cho con những thông tin về bản thân như: con tên là gì, con bố mẹ nào, con bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, đang học ở trường mầm non gì, con thích cái gì… Sau đó dạy trẻ giới thiệu về bản thân, diễn kịch cho cả nhà coi, đọc thơ trước mặt mọi người để con luyện tính tự tin.

Nếu con nói sai hay làm gì ngớ ngẩn, cha mẹ cũng không nên cười chế giễu, vì điều đó sẽ làm thui chột sự tự tin của trẻ.

Dạy trẻ đọc thơ, ca hát:

Rèn luyện năng lực ghi nhớ, năng lực biểu hiện, năng lực lý giải vấn đề. Cha mẹ hãy tích cực dạy trẻ học thuộc thơ, bài hát. Đây là phương pháp hay để giúp trẻ phát triển trí nhớ,biểu hiện cá tính, lý giải vấn đề.Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy con ca dao, tục ngữ, bài đồng dao, dân ca, đồng thời giải thích ý nghĩa cho con hiểu. Kể cho con nghe câu chuyện các danh nhân và đề nghị con nhắc lại cũng là bài tập tốt cho trẻ.

Mẹ hãy dạy con ca hát

Cha mẹ có thể chơi những trò này cùng con lúc cả nhà đi chơi, đi chợ hay khi mẹ nấu cơm, làm việc nhà…

Dạy con làm thơ:

Rèn luyện năng lực sáng tạo, năng lực biểu hiện, năng lực văn chương. Ban đầu, cha mẹ hãy dạy trẻ đọc những bài thơ ngắn, có kèm theo tranh minh họa thì càng tốt. Mỗi lần đọc hết một câu mẹ sẽ dùng thước gõ nhẹ để tạo thành nhịp, như thế trẻ sẽ có hưng phấn để đọc tiếp câu sau.

Bạn có nhớ khi mình còn học mẫu giáo hay lớp 1 cô giáo cũng hay dùng cách này để dạy học sinh đọc bài không? Việc tạo ra nhịp điệu để kích thích sự hưng phấn cho trẻ là vô cùng quan trọng khiến trẻ có động lực muốn tiếp tục học.

Sau đó, cha mẹ hướng dẫn cách ghép vần hay ghép câu thơ ngắn,mới đầu bắt đầu bằng câu thơ 3 chữ, không cần phải vần điệu, sau đó thì tăng dần độ dài.Trẻ nói bất cứ chủ đề nào, câu nào cũng được. Hoặc là ba mẹ đọc câu đầu rồi để trẻ sáng tác câu tiếp theo.Ví dụ như: “Con chó nhà em. Có màu lông vàng. Canh nhà rất giỏi…”.

Ở Nhật có thơ haiku là thể thơ 3 câu theo luật 3-5-3 chữ, ví dụ như: “Chú mèo nhỏ/ Đang nghịch đùa/ Chiếc lá khô”. Thể loại thơ này có câu ngắn, liên quan đến sự vật trẻ gặp hàng ngày, trẻ em thích đọc và dễ thuộc. Vì thế, ở các trường học Nhật Bản, việc rèn luyện trí tuệ cho trẻ bằng cách học thuộc lòng thơ haiku là một phương pháp rất phổ biến.

Dạy con tính toán:

Rèn luyện sự khởi động tức thời, năng lực tập trung, xử lý thông tin. Khi trẻ đã bắt đầu biết khái niệm về chữ số, cha mẹ hãy bắt đầu cho con tiếp xúc với các trò chơi tính toán.

Kẻ một bảng, chiều dọc và chiều ngang đều đánh số từ 1 đến 10. Hỏi con 2 cộng 2 nằm ở ô nào.Trẻ sẽ nhìn dọctheo ô 2 ở hàng cột đến vị trí ô 2 ở hàng ngang, viết vào kết quả là 4. Đây là bài học khó nên đòi hỏi sự kiên nhẫn và lặp đi lặp lại nhiều lần.

Đếm giờ:

Rèn luyện khái niệm về thời gian, cảm giác về thời gian, giờ giấc, thói quen sinh hoạt. Khi trẻ nắm bắt được khái niệm thời gian, biết giờ giấc thì sẽ hình thành thói quen sinh hoạt đúng giờ, từ đó trẻ sẽ biết giữ lời hứa… Cha mẹ hãy hướng dẫn con nhìn đồng hồ, nên kết hợp với thời gian ăn của trẻ để dạy trẻ về nhận thức thời gian. Ví dụ như giúp con hình dung 7 giờ sáng thì ăn sáng, hay đúng 12 giờ ăn trưa, 7 tối giờ bố đi làm về thì ăn tối…Tiếp theo đó, cha mẹ có thể dạy con về tính phút, tính giây.

Dạy so sánh, quan sát:

Rèn luyện khái niệm về so sánh, năng lực quan sát, lý giải từ trái nghĩa. Đưa ra trước mặt con một loạt đồ vật có hình dáng kích thước khác nhau để dạy con biết so sánh to, nhỏ, cao thấp, nhiều, ít… Khi đi đường hỏi trẻ tòa nhà nào to hơn, cao hơn, cái ô tô nào to hơn, cái nào cao nhất, cái nào thấp nhất…

Nhận thức về thứ tự, vị trí:

Rèn luyện khái niệm về thứ tự, nhận thức không gian, khái niệm về vị trí, tọa độ. Dạy trẻ nhận biết trái phải, trên dưới, trước sau. Miêu tả vị trí bằng cách là chỉ vào các đồ đạc sắp xếp trong tủ rồi nói vị trí tương quan cho trẻ. Hoặc cho con nhìn đồ trang trí trên tủ rồi hỏi con xem con gấu được đặt ở đâu…

Dạy con nhận thức về thứ tự, vị trí

Cha mẹ cũng có thể kẻ nhiều ô vuông rồi hỏi con ô nào bên phải, bên trái, ô trên, ô dưới. Nếu trẻ lớn hơn một chút có thể kết hợp bản đồ để dạy trẻ khái niệm về vị trí, tiếp đến là những khái niệm tọa độ trên trục X, Y.

Cho con đi chợ, mua hàng:

Dạy trẻ khái niệm tiền bạc, khái niệm tiền thừa (tiền trả lại). Cha mẹ hãy chơi trò đồ hàng với trẻ bằng cách bày la liệt các món đồ, nói giá cả mỗi thứ, sau đó đưa trẻ một ít tiền để trẻ tự tính toán trả tiền. Nếu con đưa thừa tiền, hãy hỏi con “Còn dư bao nhiêu nhỉ?”…

Nếu nhà có hai anh em, hoặc bạn hàng xóm thì hãy để trẻ chơi trò mua hàng, bán hàng sẽ rất hữu ích.

Tập phát triển điểm sai khác:

Rèn luyện năng lực nhận thức, năng lực quan sát, và năng lực tập trung. Trên báo thường có trò đố vui là tìm 5, 6 điểm khác nhau giữa hai bức tranh, thì trò chơi này cũng tương tự như thế. Cho một loạt những bức tranh hay tấm card rồi đố trẻ tìm ra  hai con giống nhau, hay tìm điểm chung giống nhau giữa các con vật, hay trong 5 hình tìm ra những điểm chung giữa các hình…

Luyện nghe đọc viết chính tả:

Rèn luyện năng lực tưởng tượng, năng lực biểu hiện, năng lực văn chương.

Khi trẻ bắt đầu biết viết thì cha mẹ đọc những từ ngắn cho trẻ viết. Mới đầu trẻ không viết được nhưng cha mẹ đừng vội vàng nôn nóng mà la mắng trẻ, luyện dần dần thì trẻ sẽ tiến bộ. Khi trẻ đã đi học hoặc gần đến tuổi đi học, cha mẹ ra đề tài gồm các từ khóa để trẻ viết câu văn ngắn, chỉ cần là những từ đơn giản thôi chứ không nên đòi hỏi trẻ phải viết được một câu hoàn chỉnh. Cho trẻ viết nhật ký cũng là một cách hay để rèn luyện khả năng này.

Luyện năng lực xử lý:

Rèn luyện năng lực viết, tính toán, năng lực tập trung. Trò chơi này có ý nghĩ rất lớn để tạo cho trẻ ham muốn học tập, lòng say mê lao động và sự tự tin. Chẳng hạn tìm ra đường đi đúng trong mê cung trong 3 phút, làm bài tính trong vòng 2 phút… Với trò chơi xếp hình ta cho trẻ thời gian 3 phút để xếp và bấm thời gian để trẻ làm. Nếu trong thời gian quy định trẻ chưa làm xong, cha mẹ cũng không nên la mắng hay tỏ thái độ thất vọng mà chỉ nói nhẹ nhàng là đáng tiếc quá, mẹ con mình cùng làm lại nào,hay để mai chơi tiếp… tránh tạo áp lực cho trẻ.

Rèn luyện năng lựa viết và tính toán cho trẻ

Ngoài ra có thể chơi trò cầm đũa gắp hạt lạc từ cốc này chuyển qua cốc kia trong thời gian cố định… để luyện khả năng tập trung, tính toán cho con.

Rèn luyện khả năng hình ảnh:

Luyện khả năng ghi nhớ hình ảnh trong não, năng lực tập trung, rèn luyện tinh thần.

Lấy tấm card màu vàng, vẽ một vòng tròn đậm màu xanh lên đó, cho trẻ nhìn trong 15 giây rồi bảo trẻ nhắm mắt lại tưởng tượng xem trong đầu có tưởng tượng lại hình ảnh vừa nhìn không. Cho trẻ nhìn bức tranh trong 15 giây rồi bảo trẻ nhắm mắt lại và tưởng tượng lại bức tranh đó. Lặp đi lặp lại trò chơi này sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung, ghi nhớ bằng hình ảnh vào trong não.

Xem thêm>> Cha mẹ dạy con cách yêu thương như thế nào?