Để phát triển trí lực và nhân cách cho con bí quyết để thành công trong việc giáo dục lễ nghĩ không phải cha mẹ nào cũng làm được. Hãy để cungconlonkhon.com chia sẻ bí quyết cha mẹ Nhật làm gì để phát triển trí lực và nhân cách cho con để thành công trong việc giáo dục lễ nghĩa.
1. Trẻ ngoan phải biết kiềm chế
Khi trẻ khóc, cha mẹ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu của trẻ sẽ khiến chúng chỉ biết đến bản thân mình và không có khả năng tự kiềm chế cảm xúc. Nếu không dạy trẻ biết chịu đựng ngay từ những việc nhỏ nhất thì khi lớn lên sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Đặc trưng của những trẻ có hành vi phạm pháp là không có khả năng tự chế ngự bản thân, luôn nghĩ đến mình trước tiên.
Khi trẻ khóc, hệ thần kinh ức chế sẽ hoạt động và qua đó chúng sẽ học được cách kiềm chế. Việc chịu đựng xét trên khía cạnh xây dựng nền tảng trí lực là một việc rất tốt, cha mẹ hãy dạy con biết chịu đựng. Mẹ nghiêm khắc, còn bố thì hiền hơn một chút, như thế con sẽ có cảm giác được giúp đỡ. Nếu cả hai đều quá nghiêm khắc, con sẽ không biết bấu víu vào đâu. Tuy nhiên, được bố hiểu cũng không có nghĩa là yêu cầu của con sẽ được đáp ứng ngay, mà thông qua đó dạy cho con biết chịu đựng từng chút một.
2. Dạy trẻ ý thức tự kiềm chế
Giáo dục ý thức để phát triển trí não của trẻ không phải là chỉ trích, bắt bẻ hành động của con từng li từng tí, mà cơ bản là phải để cho con được tự do. Tuy nhiên, dù con có khóc lóc, cha mẹ cũng phải giữ nguyên thái độ kiên quyết, buộc con phải chấp nhận.
Cơ bản của việc giáo dục ý thức kiềm chế để phát triển trí lực và nhân cách cho con là cha mẹ không được thỏa hiệp, vì nếu thỏa hiệp, trẻ sẽ trở nên tệ hơn. Còn đối với những hành động tự nhiên tất yếu trong quá trình lớn lên của trẻ (như giành giật đồ, đẩy người khác, ném mọi thứ…), cha mẹ không nên xem đó là sai phạm cố ý mà quát mắng con.
3. Cho trẻ 1 tuổi tập chịu đựng những việc nhỏ
Trẻ được 13 tháng tuổi trở ra, nhất thiết không được đáp ứng ngay mọi yêu cầu mà phải để cho trẻ chịu đựng từng chút một. Trả lời con bằng những câu như: “Đợi mẹ một chút, mẹ chưa rảnh tay…”, qua đó bắt đầu tập cho trẻ biết kiềm chế. Khi trẻ kiềm chế được, hãy khen ngợi trẻ thật nhiều. Kể cả trẻ có khóc lóc ăn vạ, hãy bế trẻ đi, để cho trẻ chịu đựng.
4. Những việc không được phép làm phải dạy cho rõ
Khi trẻ được khoảng 2 tuổi, với những việc “không được làm”, dù trẻ khóc đến đâu cũng vẫn phải nói cho trẻ hiểu rằng nhất định không được. Sau đó, hãy ôm trẻ vào lòng và nói thật nhẹ nhàng: “Không phải là mẹ mắng con, mẹ dạy con là không được làm vì mẹ nghĩ điều đó là cần thiết. Mẹ rất yêu con và muốn giúp con trở thành một đứa trẻ ngoan đấy thôi!” Như vậy, dần dần trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn.
Đầu tiên là mắng thật nghiêm (chỉ trong 30 giây), sau đó ôm trẻ, dịu dàng giải thích cho trẻ nghe rằng việc mắng là không tránh khỏi – cha mẹ hãy nhớ cách làm này.
5. Trẻ 2 tuổi phải biết giữ lời hứa
Trẻ 2 tuổi đã phát triển trí não hình thành một ý thức nhất định, vì vậy điều gì đã hứa với trẻ thì phải giữ lời.
Khi đi chơi, hãy cùng quy định xem mấy giờ về và dạy trẻ phải giữ lời. Không được cho phép trẻ chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân, phải kiên quyết dạy trẻ biết nghe lời.
Đọc sách trước khi đi ngủ cũng thế. Hãy hứa trước xem “Đọc đến trang bao nhiêu thì dừng” hoặc là “Đọc đến 9 giờ thì đi ngủ”. Nếu để cho trẻ nhắm mắt trong khi nghe, trẻ sẽ ngủ ngay. Bắt đầu tập chịu đựng từ những việc nhỏ nhặt, dần dần sẽ có thể huấn luyện trẻ chịu đựng những việc lớn hơn.
6. Độc lập từ khi lên 3
Trẻ được 3 tuổi là hoàn toàn có thể tự lập, vì vậy giữa mẹ và con hãy có những cam kết với nhau kèm theo một lời hứa: “Nếu phá vỡ những gì đã cam kết thì mẹ sẽ mắng đấy.” Khi mắng con không phải ghét con nên mắng, mà là “hành động không giữ lời hứa là một hành động rất xấu cần phải mắng.” Để quan hệ cha mẹ và con cái được thoải mái, nên thực hiện theo cách này ngay.
7. Tính cách được hình thành muộn nhất là 3 tuổi
Những trẻ mà đến tận 3 tuổi chưa từng bị mắng sẽ không có khả năng chịu đựng và sẽ là một đứa trẻ ích kỷ. Nếu trẻ hơn 3 tuổi mà cha mẹ không nghiêm khắc với những điều không được phép làm thì sau 4 tuổi, việc đó sẽ không có hiệu quả. Tính ích kỷ sẽ không thể thay đổi được. Trước 3 tuổi, nếu trẻ đã có ấn tượng về việc bị cha mẹ mắng thực sự thì điều đó sẽ có giá trị kìm hãm trẻ trước những mong muốn ích kỷ và sẽ khiến cho trẻ không trở thành người chỉ biết nghĩ đến bản thân.
Nuôi dạy trẻ về cơ bản phải có thái độ nhẹ nhàng hết sức, nhưng bên cạnh đó vẫn cần phải nghiêm khắc, điều này cũng là rất cần thiết, không thể thiếu được.
8. Không mắng trẻ bằng lời mà bằng thái độ, bằng sự biểu cảm
Những việc nguy hiểm tính mạng, không được phép làm thì rất cần phải làm cho trẻ hiểu. Nhưng không được mắng bằng những lời lẽ nặng nề.
Khi trẻ mắc phải điều cấm kỵ đã nói từ trước đó, không dùng lời để mắng trẻ mà hãy thể hiện bằng thái độ. Tuy nhiên, không phải là thái độ tức giận mà là thái độ buồn bã. Ngược lại, nếu cha mẹ dùng cách đánh trẻ thì sẽ ngày càng khó dạy trẻ. Tuyệt đối không dùng tất cả những biện pháp xử phạt thân thể, ép buộc trẻ.
Trẻ là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ, vì vậy muốn trẻ thay đổi, cha mẹ hãy thay đổi bản thân.
9. Khi trẻ ăn vạ
Khi trẻ khóc lóc ăn vạ, nếu xử trí không đúng sẽ rất nghiêm trọng, khiến cho về sau trẻ sẽ càng cứng đầu và khó dạy hơn. Trong trường hợp đó, nhất định không được thỏa hiệp. Mặc kệ trẻ khóc, hoặc là hướng trẻ chú ý đến thứ khác, qua đó dạy trẻ học cách chấp nhận. Nếu mặc kệ cho trẻ khóc, thì khi trẻ nín, hãy ôm trẻ vào lòng và khen: “Con đã chịu đựng rất tốt.” Với cách xử trí này, trẻ sẽ dần dần bỏ được thói ăn vạ. Ngược lại, nếu quá chú trọng đến cảm giác của trẻ, thỏa hiệp với thói ích kỷ, về sau trẻ sẽ luôn luôn làm như vậy.
10. Nói chuyện với trẻ khi tắm bồn
Muốn trẻ cải thiện thái độ thì hãy dùng cách nói chuyện trong khi cùng tắm bồn. Không phải nói thái độ thế nào là đáng ghét hay phải làm thế nào để được mọi người yêu quý, mà chỉ nói chuyện một cách bình thường. Cũng không phải nói như với trẻ con, hãy làm như đang nói chuyện với người lớn, nội dung là kể về những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời, cả chuyện về những đứa trẻ chưa ngoan. Như thế trẻ sẽ dễ tiếp thu.
11. Khi trẻ đúng phải nghiêm túc thừa nhận
Khi lời nói của con hợp lý hơn, cha mẹ phải thẳng thắn nhìn nhận cái sai của mình. Không dùng quyền uy của người lớn để đối xử với con. Khi cha mẹ có thể tự hạ mình xuống thấp hơn để lắng nghe con cái nói, sẽ giúp con lớn lên, biết bày tỏ cảm xúc một cách dễ dàng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cha mẹ cho phép con muốn gì được nấy. Điều gì không được, phải dứt khoát là không được, điều gì con có lý thì phải thừa nhận, như vậy mới là cách nuôi dạy đúng đắn.
12. Tách trẻ ra xa những chỗ không được chơi
Tất cả những việc trẻ làm là thực nghiệm, là học tập, vì vậy nhất định không được mắng trẻ. Nếu là những chỗ trẻ không được chơi thì tốt nhất nên tách trẻ ra xa để chúng không thể động vào được. Còn không thì cứ để trẻ làm, chứ đừng nghiêm khắc cấm đoán. Tuyệt đối không dùng cách mắng mỏ. Nếu cha mẹ tức giận mắng mỏ, có thể bắt con nghe lời nhưng thực tế trẻ không nhận thức được gì cả. Thay vì mắng mỏ, hãy bế con ra khỏi nơi đó.
Luôn ghi nhớ rằng tức giận và mắng mỏ sẽ tạo ra một đứa trẻ cứng đầu và không biết nghe lời. Hãy dùng cách khen ngợi để uốn nắn trẻ từ đó có thể phát triển trí não cho con.
13. Lễ nghĩa trong nhà và khi ra ngoài cần thống nhất
Khi ở nhà cũng như khi đi nhà hàng, lễ nghĩa không được thay đổi. Ví dụ như khi trẻ làm đổ đường, không cần phải mắng, nhưng người mẹ sẽ xin lỗi vì làm phiền người phục vụ và con cũng sẽ phải làm như vậy. Việc không may thiếu thận trọng với ai cũng có thể xảy ra, không nên vì thế mà mắng trẻ, mà qua đó dạy trẻ cách xin lỗi vì làm phiền người khác.
14. Không bận tâm nếu người xung quanh chê bai
Việc nuôi dạy con nếu vấp phải sự chê bai của những người xung quanh sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng nếu vì thế mà người mẹ lo lắng, sốt ruột thì rất không tốt cho con. Bởi vậy, người mẹ hãy cố gắng để luôn như mặt trời tỏa ánh sáng ấm áp. Để làm được như vậy, từ những việc nhỏ nhặt, người mẹ cũng không được có tâm lý bồn chồn, sốt ruột mà phải luôn giữ thái độ bình thản. Nếu bị thúc giục, trẻ sẽ không học được và cũng sẽ không đạt được kết quả gì. Cho nên, không bận tâm đến miệng tiếng thế gian, giữ vững phương châm giáo dục của gia đình mình là cách tốt nhất.
Tính cách và ý thức của trẻ, có thể nói có những điều rất khác biệt, cũng có cả những điều không thể nói hết được, về cơ bản, có đứa trẻ rất sáng dạ, cũng có đứa trẻ lại hơi “tăm tối” và ý thức của trẻ cũng theo đó mà khác nhau. Có những trẻ rất ngoan, lại có những trẻ không biết nghe lời – cái đó là do ý thức của mỗi người. Thế nên, nếu quá chú ý đến lời người khác thì sẽ chẳng làm được gì cả. Hãy bình tâm và lạc quan.
Mẹ xem thêm>> Cha mẹ Nhật nuôi con tốt thường đặt mục tiêu cao
(Nguồn: Sưu tầm)