Dưới đây là những chia sẻ của mẹ bỉm sữa về phương pháp rèn phản xạ nhai của bé trong quá trình ăn dặm. Mọi người hãy cùng theo dõi thông tin dưới đây:

Mẹ Nguyễn Tú Anh chia sẻ: 

Bước 1: Tập cho con ăn thô bằng đậu phụ (hoặc bất cứ thức ăn gì mềm, dễ nuốt mà bé thích: trứng chiên, đậu xanh nghiền, khoai tây/khoai lang hấp). Tuy nhiên các mẹ vẫn nên sử dụng đậu hũ vì nó lành, dễ tiêu mà cũng dễ chuẩn bị.  

Cho bé ăn dặm bắt đầu từ bước nghiền nhuyễn (giống như khi xay cháo) rồi tiến tới nghiền rối hơn 1 chút chút thôi (ví như xay bình thường là nhấn 5 lần, thì giờ chỉ nhấn 4 lần thôi). Nghe ngóng phản ứng của con, nếu bé thích nghi tốt thì tiếp tục cho con ăn xay rối hơn nữa (chỉ nhấn 3 lần thôi). Rồi tiến tới là cho con cả miếng to bằng 1/2 đầu đũa để con tự nhai nhỏ đến độ thô con có thể nuốt được, sẽ không nuốt chửng mà gây ọe nữa. 

Bước 2: Trộn cháo

Cách này là để bé quen ăn cháo có độ thô hơn vì nhiều bé ăn đậu phụ vã thì nhai rất tốt nhưng khi ăn cháo hơi lợn cợn hoặc không mịn thì vẫn bị ói nữa. Đó là vì các bé luôn có phản xạ “ăn cháo là phải nuốt chứng” mất rồi.

Trước mỗi lần nấu cháo cho con, mẹ múc 1 thìa súp cháo nguyên hạt đê riêng, xay rối hơn độ mịn bé vẫn ăn 1 tẹo. Sau đó mẹ trộn từ từ chỗ cháo xay rối đó vào cháo của con, bằng cách múc riêng từng bát cháo, mỗi bát cháo chỉ trộn 1/2 thìa cà phê cháo rối vào để xem phản ứng của bé. Nếu bé có dấu hiệu ói là dừng lại ngay.

Tiếp tục luyện cho con ăn thô bằng đậu phụ.

2 -3 ngày sau lại tiếp tục trộn cháo như vậy cho con. Nếu bé có dấu hiệu ói nhẹ thì lúc này mẹ có thể cho bé uống 1 thìa cà phê nước để giúp bé không bị ói nữa. Trong lần thử thứ 2 này, nếu bé ăn được hết 1/2 chỗ cháo trộn mà chỉ hơi muốn ói 1 -2 lần là ổn. Các mẹ cứ kiên nhẫn như vậy đến khi con ăn được hết lượng cháo rối mẹ trộn vào. Sau đó thì từ từ tăng lượng cháo rối lên đến khi lượng cháo xay rối chiếm 1/2 – 2/3 lượng con ăn thì tiếp tục nâng độ thô của cháo sẽ trộn lên 1 mức. Đích là bé đến 9 tháng phải ăn được cháo nguyên hạt hầm nhừ, rau xay vẫn có thể có xơ và thịt thì chỉ cần bằm nhuyễn là được.

Mẹ Lê Ngọc Anh Thy chia sẻ:

Việc cho bé cầm bốc những món bé thích ví dụ như dưa hấu, chuối, bơ, cà rốt, bông cải hay bất cứ món gì bé thích sẽ giúp bé tăng độ thô rất nhanh. Mẹ muốn con phát triển độ thô? Hãy cho con bốc. Trái cây khi xắt cho bé bốc nếu là loại trái cây mềm, hãy chừa lại 1 ít vỏ bên ngoài (phải rửa sạch trước) cho bé dễ cầm. 

Ở giai đoạn 1 tuổi, khi bước qua một giai đoạn khác, tăng độ thô của cá thì dễ vì thịt cá mềm, còn tăng độ thô của thịt khó hơn. Có 1 số cách như sau:

Chọn loại thịt có mỡ, khi nấu thịt không bị khô và ít dai, có thể luộc/chiên (có nước chứ không chiên khô), hay hầm, rồi xắt thật mỏng, vuông góc với thớ thịt cho con tập cầm bốc. Mẹ có thể trộn vào cơm 1 lượng thịt, còn 1 lượng thì để ngoài con bốc, để nếu con không ăn bốc thịt vã ở ngoài thì vẫn có thịt trong cơm cho con ăn. 

Thịt mẹ có thể băm, trộn với tí bột mì, trứng, hành tây rồi vo viên, cách làm này giúp viên thịt mềm, rồi làm sốt cho con ăn (kiểu xíu mại). Hay làm thịt băm, nấm rơm trộn với trứng chiên lên, cắt thành từng miếng cho bé bốc hoặc dùng nĩa ghim. 

Làm các món thịt hầm: Đu đủ hầm xương, bí đỏ hầm xương, rồi lấy thịt hầm đó xắt nhỏ cho con ăn. Hay có thể kho thịt với nước dừa cũng làm mềm thịt. Thịt bò thì có thể nhỏ vài giọt nước ép thơm (khóm) ướp trước khi nấu khoảng 2 phút (để lâu thịt sẽ bã ra, không còn ngon).

Đến giai đoạn bé mọc răng bé không ăn được thịt nhiều thì mẹ có thể thay thế các loại đạm từ các nguồn khác nhau như cá, đậu hũ, phô mai, sữa chua. Nhưng cũng phải cho bé ăn thịt xen kẽ để bé không quên thịt.

Vậy còn rau thì sao?

Quan trọng là mẹ phải tạo thói quen ăn rau cho con từ những giai đoạn đầu mới ăn dặm. Sẽ có những giai đoạn con chê rau (dù trước đó thích ăn rau) và chuyển qua thích ăn các loại củ. Không sao cả! Mẹ cứ cho bé ăn theo sở thích còn rau thì có thể 1 tuần vài lần để bé không quên. Có thể khi thì nấu canh, khi thì trộn chung với cơm khi thì xào, nói chung có nhiều cách để cho rau vào khẩu phần của bé (ví dụ trứng chiên thịt và rau chẳng hạn). Mẹ hãy cho phép giới hạn của con là khoảng 6 tuổi mới có thể ăn rau thuần thục vì rau khó nhai hơn củ.

Trên đây là 2 câu chuyện chia sẻ của các mẹ bỉm sữa về phương pháp rèn luyện phản xạ nhai cho bé trong quá trình ăn dặm. Hi vọng với những thông tin trên sẽ hữu ích đối với các mẹ.

(Nguồn: Sưu tầm)