Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến với các bậc làm cha mẹ một vấn đề xoay quanh việc bố mẹ mâu thuẫn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý và tính cách của trẻ. Mọi người hãy cùng tìm hiểu thông tin dưới đây. 

CÂU HỎI:

Cha mẹ cãi vã, xô xát nhau và những điều này luôn diễn ra trước mắt trẻ. Có khi quá nóng giận, người cha hoặc mẹ còn chửi thề, không tôn trọng nhau, vạch tội nhau trước mặt con cái. Có trường hợp đứa con trở nên bất cần và hỗn láo lại với cha mẹ chúng, thậm chí gọi ông/bà xưng tôi và dọa dẫm theo kiểu: “Bà im miệng đi, nếu không tôi ném chồng chén đĩa này vỡ nát cho xem!”. Có đứa trẻ học lớp một thì rượt cha đánh lộn hoặc tức cha mẹ rồi đánh em gái. Hoặc nóng lên, nó mang ngay cái áo mới mẹ vừa mua ra cắt nhỏ cho bõ tức. Theo chuyên gia, tình trạng cha mẹ mâu thuẫn sẽ tác động như thế nào đến tâm lý trẻ, bây giờ và cả sau này? Để lại hậu quả gì?

Tình trạng của đứa trẻ trên đã ở mức độ quá nguy hiểm chưa? Liệu có cách nào để thay đổi không? Lời khuyên và phương pháp cho bậc cha mẹ trong trường hợp này là gì?

Nguyễn Văn A. (Quận 4, TP. HCM)

TRẢ LỜI:

Trong gia đình, cha mẹ là những người trụ cột, chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái. Khi trụ cột này bị lung lay, luôn mâu thuẫn, cãi nhau trước mặt trẻ, thì trẻ sẽ mất điểm tựa cả về tinh thần và vật chất. Ông bà ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Khi vợ chồng không thuận thì gia đình đó sẽ không làm nên việc gì. Như vậy, kinh tế gia đình sẽ giảm sút, không khí gia đình nặng nề, cha mẹ giận cá chém thớt, không quan tâm chăm sóc, nuôi dạy con cái …

Chia sẻ về vấn đề dạy con trong gia đình mâu thuẫn

Vì vậy, tình trạng cha mẹ mâu thuẫn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ chứng kiến những hành vi bạo lực, những câu nói cả giận mất khôn khi nóng giận sẽ khiến trẻ bị nhiễm rất nhanh. Có trẻ buồn chán, thất vọng với cha mẹ mà trở nên thu mình, nhút nhát, học kém, ít giao lưu bạn bè, thù ghét đàn ông hoặc phụ nữ (nếu cha hay mẹ có hình ảnh xấu đối với trẻ). Có trẻ trở nên bạo lực, luôn cáu gắt, sẵn sàng đánh nhau với mọi người xung quanh.

Những biểu hiện của trẻ được đề cập ở trên đang ở mức độ nguy hiểm. Đây là hậu quả của một quá trình lâu dài trẻ chịu ảnh hưởng xấu từ tình trạng mâu thuẫn, cãi vã giữa cha và mẹ. Đứa trẻ đáng thương hơn đáng giận. Trẻ chỉ là người soi gương, soi lại, lặp lại những hành vi của chính cha mẹ mình. Người đáng giận là cha và mẹ. Người cần thay đổi là cha và mẹ. Khi cha mẹ ý thức sự ảnh hưởng quan trọng của mình tới con, thì họ sẽ phải điều chỉnh mối quan hệ của họ, cải thiện hoặc chia tay; họ cần ổn định lại hành vi của họ, bớt hành vi xấu, tăng hành vi tốt. Khi đó con họ sẽ thay đổi.

Chia sẻ về vấn đề dạy con trong gia đình mâu thuẫn

Với những trẻ ngỗ nghịch, cha mẹ chỉ có thể cảm hóa bằng tình yêu thương, sự chăm sóc và nêu gương tốt. Hơn hết, cha mẹ cần kiên nhẫn. Trẻ học tính xấu trong ba ngày, nhưng học tính tốt phải mất ba năm. Tôi được chứng kiến nhiều gia đình, vì con họ trở nên ôn hòa hơn, bớt cãi vã, bớt mâu thuẫn hơn. Nếu trước đây bạn vì cái tôi mà hay gây lộn, vì quên mất con, nên bạn tự do hành động mất kiểm soát thì bây giờ khi chứng kiến biểu hiện bạo lực, vô lễ… ở con cái, bạn sẽ được cảnh tỉnh. Đây là dịp bạn nhìn lại mình và thay đổi để sống tốt hơn cho mình và cho gia đình, cho các con! 

Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy