Cungconlonkhon.com sẽ chia sẻ giúp mẹ dạy trẻ những từ ngữ chuẩn và cách phát âm chuẩn sau đó nuôi dưỡng khả năng đọc bắt đầu từ tranh sách và phát triển những gì mà bé có hứng thú là cách tốt nhất.
Dạy trẻ những từ ngữ chuẩn và cách phát âm chuẩn
Kiểm tra khả năng ngôn ngữ từ khi trẻ được 10 tháng
Trẻ tầm 7-8 tháng cũng có thể biết được một vài từ, nhưng thông thường là khoảng 10 tháng.
Trẻ 10 tháng nói được từ “mẹ” là đạt. Mục tiêu là khi 11, 12 tháng nói được 3 – 4 từ.
Tập nói
Khi trẻ bắt đầu tập nói, ban đầu sẽ chỉ nói chữ đầu tiên, hoặc chữ cuối cùng. Sau đó mới nói được cả từ.
Điều quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con không phải là hướng tới sự tiến bộ về học lực mà là sự trưởng thành về tâm hồn. Cha mẹ hãy tin tưởng vào khả năng trưởng thành của con.
Khả năng ngôn ngữ ở mỗi trẻ là khác nhau
Trẻ có thể biết nói sớm hoặc muộn. Từ xưa các cụ đã có kinh nghiệm “những trẻ biết đi sớm thì sẽ biết nói muộn”, “ trẻ bỏ bò thì sẽ nói muộn”. Trẻ bị cha mẹ thúc ép quá sẽ càng không chịu nói. Hãy nhớ rằng trẻ con hiểu hết những gì người lớn nói, cha mẹ chỉ cần tin tưởng dõi theo con là đủ. Có khi, trẻ hơn 2 tuổi mới bắt đầu nói. Về mục tiêu của khả năng ngôn ngữ, trẻ 14 tháng có thể nói được từ đơn giản gồm hai chữ là được. Nếu trẻ không nói nhưng vẫn hiểu được lời người khác cũng không có vấn đề gì. Vẫn duy trì dạy trẻ thông qua các sự vật, tranh, sách, card bằng cách lặp đi lặp lại.
Khi trẻ không chịu nói
Trẻ không nói thường là do nguyên nhân tai có vấn đề, không nghe được. Hãy thử kiểm tra khả năng nghe của trẻ bằng cách gõ chuông và quan sát xem trẻ có phản ứng không. Mẹ hãy thử gọi con nhân lúc con không chú ý. Nếu việc tự kiểm tra gặp khó khăn, hãy đưa trẻ đi khám.
Phương pháp làm cho trẻ nói
- Bỏ các loại thịt, cho trẻ ăn rau và cơm.
- Cho trẻ ăn các đồ cần nhai nhiều, ăn các loại quả hạch, chú ý ăn từng chút một để khỏi hóc.
- Cho trẻ ra ngoài nhún nhảy, mỗi ngày khoảng 500 – 1000 lần.
- Không cho trẻ xem tivi.
- Lặp đi lặp lại một từ, có thể lặp lại đến hàng nghìn lần. Trẻ nghe nhiều sẽ bật ra thành lời.
- Đọc sách “Từ điển trẻ em bằng tranh” cho trẻ nghe.
- Cố gắng đưa từ vựng vào đầu trẻ.
Làm được tất cả những điều trên, trẻ sẽ nhanh chóng biết nói.
Trẻ lặp lại lời mẹ như vẹt
Có những khi người lớn nói gì, trẻ lặp lại y như vậy. Lúc đó, hãy dạy trẻ cách trả lời đúng, dần dần trẻ sẽ biết cách hội thoại. Không nặng lời chê trách, vì như thế sẽ khiến trẻ không muốn nói nữa. Chỉ cần cha mẹ nói thật chuẩn cho con nghe là được.
Phát âm rõ ràng
Có ba điều lưu ý sau:
- Luyện tập sức nhai.
- Phát âm thật chính xác cho trẻ nghe nhiều lần.
- Đọc cho trẻ nghe nhiều lần cuốn: “Từ điển trẻ em bằng tranh”.
Từ điều 195 đến điều 211, tác giả hướng dẫn cha mẹ dạy trẻ phát âm và học chữ Hán. Xét thấy nội dung không phù hợp với độc giả Việt Nam nên chúng tôi đã lược bớt.
Nuôi dưỡng khả năng đọc bắt đầu từ sách tranh
Giúp trẻ hiểu sách tranh qua trải nghiệm thực tế
Cha mẹ hãy nhớ rằng muốn nuôi dạy trẻ tốt phải làm cho trẻ thích sách tranh và phải đưa được càng nhiều từ ngữ vào đầu trẻ càng tốt. Sách tranh là sách có hình ảnh, không phải là truyện tranh.
Hãy đọc sách tranh thật nhiều
Cho trẻ được tiếp xúc với thực tế những gì đã thấy qua sách. Ví dụ, trẻ thường xuyên xem sách về các con vật, hãy đưa trẻ đến công viên để được trực tiếp nhìn thấy voi, ngựa vằn, …trẻ sẽ cảm thấy rất thú vị và sẽ nhớ rất lâu. Với những trẻ không bao giờ được xem sách, không biết tên các con vật, khi đến công viên, cũng sẽ chỉ thấy “nhiều quá, nhiều quá”, nhưng sẽ quên ngay.
Cách đọc sách tranh, xem sách tranh
Đọc cho trẻ nghe cuốn sách mà trẻ thích. Đọc đi đọc lại, đọc đến nhàu nát cả cuốn sách, sẽ nâng cao khả năng đọc, khả năng suy nghĩ của trẻ. Hãy vẽ cho trẻ các hình mà trẻ thích.
Phát triển những gì mà trẻ có hứng thú là cách tốt nhất.
Khi trẻ không tập trung xem sách
Thời kỳ 8 tháng tuổi trẻ luôn thích lật sách sang trang tiếp theo. Cho trẻ được mở theo ý mình, rồi đọc ở trang mà trẻ chọn. Như thế,trẻ sẽ lại tập trung lắng nghe.
Mặt khác, trẻ cũng sẽ thích cuốn này, không thích cuốn kia, hãy đọc cuốn mà trẻ muốn. Thường xuyên mua thêm sách mới. Có khi, trẻ chỉ nghịch sách chứ không xem. Khi đó hãy tìm cách dán sách lên tường và đọc từ xa.
Không đọc sách cho hai anh (chị) em cùng lúc
Trẻ lớn có sách thích hợp với trẻ lớn, trẻ nhỏ có sách của trẻ nhỏ. Không đọc cho cả hai cùng một lúc.
Mục tiêu là 300 cuốn mỗi năm
Hãy đọc thật nhiều cho trẻ nghe. Có những bà mẹ mỗi ngày đọc cho con tới 5 -10 cuốn. Công cụ giáo dục mới, sách mới, với trẻ bao nhiêu cũng không thừa. Cha mẹ hãy luôn có suy nghĩ đem đến cho con những điều mới mẻ. Một cuốn sách mà đọc đi đọc lại quá nhiều sẽ khiến trẻ thấy chán, không muốn học nữa. Cha mẹ cần chú ý không để tình trạng đó xảy ra. Có thể mượn sách của thư viện, của bạn bè, miễn là có thể đọc càng nhiều càng tốt.
Phương pháp xây dựng khả năng đọc sách
Để trẻ đọc sách tốt, hàng ngày hãy đọc thật nhiều sách tranh cho trẻ nghe. Đến khi trẻ có thể đọc thì cho trẻ tự đọc.Ban đầu, cho trẻ đọc những cuốn đơn giản. Sách có nhiều tranh, ít chữ, dễ đọc, sẽ khiến trẻ rất thích thú. Với loại sách này, hai mẹ con vừa đọc vừa lấy tay chỉ vào từng chữ. Nhiều lần như vậy trẻ sẽ nhớ được mặt chữ. Đọc được khoảng 10 cuốn, trẻ sẽ phát huy được khả năng đọc sách.
Trò chơi giúp nâng cao khả năng đọc
Phụ huynh có thể tham khảo năm phương pháp sau:
- Tìm card ghi chữ cái.
- Chơi trò xếp chữ và tranh thành cặp.
- Ghép chữ bằng các tấm card ghi chữ cái.
- Hai mẹ con tự vẽ tranh, viết chữ để làm thành sách (khoảng bốn trang).
Đọc thành tiếng và đọc thầm
Khi trẻ đã đọc sách tốt, hãy cho trẻ luyện đọc thành tiếng nhiều lần. Luyện tập chăm chỉ hàng ngày, trẻ sẽ đọc trôi chảy. Khi đã có thể đọc thành tiếng trôi chảy, hãy cho trẻ đọc thầm. Điều quan trọng là phải luyện đọc thành tiếng cho thành thạo trước. Hàng ngày đều phải luyện, sáng, trưa, tối, có cơ hội là cho trẻ đọc.
Giúp trẻ nói tốt
Khi đọc sách cho trẻ nghe, hãy đọc thật diễn cảm. Như vậy, trẻ cũng sẽ học theo. Hai mẹ con hãy ghi âm tiếng nói, sau đó nghe lại, sẽ thấy rõ hơn.
Có thể cho trẻ đứng lên bục và đọc sách như thể đang biểu diễn, trẻ cũng sẽ cố gắng đọc hay hơn.
Nâng cao khả năng hiểu nhờ sách tranh
Để trẻ có thể lý giải tốt vấn đề, hàng ngày hãy đọc cho trẻ khoảng 5-6 cuốn sách tranh. Hãy hình ảnh hóa câu hỏi, để nâng cao năng lực lý giải. Chọn những cuốn đơn giản, hai mẹ con vừa chỉ tay vừa đọc.
Phát triển khả năng nghe
Để trẻ biết lắng nghe, hãy kể chuyện Momotaro. Cho trẻ chơi trò Three-hunt (một loại bài tây có hình và tên các con vật, các động tác). Trò chơi này sẽ giúp trẻ tăng khả năng chú ý và lắng nghe.
Xem thêm: Lời khuyên cho mẹ dạy con phát triển toàn diện đối với từng lứa tuổi