Ba tuổi là giai đoạn phát triển đặc biệt của trẻ. Tính cách của trẻ đang dần được định hình nên trẻ có nhiều biểu hiện như: bướng bỉnh hơn, thích làm theo ý mình hơn, nói nhiều hơn, đặc biệt trẻ hỏi rất nhiều.
Với những trẻ phát triển tốt thì ba tuổi, trẻ đã nói được nhiều câu hoàn chỉnh, vốn từ phong phú. Việc phát triển ngôn ngữ giúp trẻ phát triển mạnh về tư duy. Trẻ càng muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Trẻ hỏi bất cứ thứ gì trẻ nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí vừa hỏi xong lại hỏi lại.
Trẻ nói nhiều, hỏi nhiều như vậy đôi khi làm người lớn mất kiên nhẫn, quát mắng: “Con hỏi gì hỏi lắm thế! Mệt với con quá đi, đi chỗ khác chơi…”. Người lớn làm vậy có ảnh hưởng gì tới trẻ không? Thực sự, cách ứng xử như vậy ảnh hưởng rất xấu tới trẻ.
Trẻ càng thông minh càng ham hỏi; trẻ càng ham hỏi càng thông minh. Điều quan trọng nhất để học được mọi thứ xung quanh là phải biết hỏi. Kỹ năng hỏi là một kỹ năng quan trọng nhất để mỗi người có khả năng học suốt đời. Và giai đoạn lên 3 cũng là giai đoạn tốt nhất để dạy trẻ kỹ năng này.
Nếu cha mẹ vì bận rộn, áp lực từ cuộc sống, công việc mà thiếu đi sự quan tâm tới con, thiếu sự khuyến khích con hỏi, không nỗ lực trả lời các thắc mắc của trẻ thì sẽ là thiệt thòi lớn đối với trẻ. Trẻ sẽ mất dần nhu cầu hỏi để biết, trẻ tự ti, thụ động, kém hoạt bát, sau này lớn lên sẽ không dám đặt câu hỏi với thầy cô để hiểu rõ hơn kiến thức, không dám đặt câu hỏi với chính mình để tự vấn, để tìm cách giải quyết vấn đề hiệu quả… Như vậy, hậu quả lâu dài rất nguy hiểm. Trẻ học kém, giao tiếp kém, làm việc thiếu tính sáng tạo và chủ động.
Với trẻ chủ động hỏi, người lớn cần phải mừng vì trẻ có tố chất thông minh, ham khám phá. Người lớn cần học cách dành thời gian tối đa khi ở bên con cái, “giờ nào việc nấy” để quan tâm thực sự tới con, không bị sao nhãng bởi những lo toan của cuộc sống khi ở cùng trẻ. Khi đó, trẻ hỏi, chúng ta sẽ có đủ kiên nhẫn, bình tâm trả lời.
Với trẻ ít hỏi, người lớn cần đặt câu hỏi cho trẻ trả lời và từ đó khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, trẻ học được cách đặt câu hỏi từ người lớn. Cha mẹ có thể hỏi con: “Con có biết tại sao con cần uống sữa không? Con ơi, hôm nay con đi học có vui không?”… Và chúng ta sẽ cùng trẻ trả lời.
Đặt câu hỏi và trả lời là một quá trình tư duy. Trẻ có thể có tư duy tích cực, tư duy sáng tạo, tư duy nhiều chiều, tư duy phân tích hay không chủ yếu được hình thành và rèn luyện qua quá trình hỏi và trả lời. Trẻ nào có sự ham hỏi, mạnh dạn, tự tin hỏi và trả lời, trẻ đó khi đi học sẽ tiếp thu bài nhanh hơn, kiến thức phong phú hơn, ngày càng tự tin hơn và lớn lên khả năng thành công cao hơn.
Dạy trẻ biết đặt câu hỏi là một việc cần được các bậc cha mẹ chú ý. Cách dạy đơn giản nhất là khuyến khích trẻ hỏi thật nhiều: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao, như thế nào? (5W1H). Đây là sáu dạng câu hỏi cơ bản nhất để khám phá thế giới xung quanh. Chúng ta cùng trẻ thực hành hàng ngày, mọi nơi mọi lúc có thể. Chỉ khi cha mẹ thường xuyên hỏi – trả lời thì trẻ mới học được thói quen hỏi – trả lời. Khi con hỏi, có thể câu hỏi còn ngây ngô nhưng tuyệt đối không chê bai trẻ, cần khen ngợi và giúp trẻ đặt lại câu hỏi cho đúng và trả lời trẻ đơn giản, dễ hiểu.
Nhiều trẻ vừa hỏi xong đã hỏi lại ngay cũng là một hiện tượng bình thường ở trẻ lên 3. Có thể trẻ chưa nghe rõ, chưa hiểu ý trả lời của người lớn, có thể đơn giản là trẻ muốn nói chuyện với chúng ta, muốn gần gũi cha mẹ, muốn cha mẹ quan tâm. Trẻ lên 3 đã đi nhà trẻ, cả ngày xa cha mẹ, trẻ rất nhớ và thấy thiếu tình yêu, sự quan tâm của cha mẹ. Trẻ có nhu cầu muốn được cha mẹ ôm hôn, nói cười, nhìn vào mắt trẻ. Khi trẻ được thỏa mãn sự quan tâm, trẻ sẽ chơi ngoan và đỡ quấy rầy người lớn. Cha mẹ hiểu được tâm lý này chỉ cần dành 5-10 phút thực sự cho trẻ: ôm trẻ vào lòng, hỏi chuyện trẻ thấy ở trường, và nói cha/mẹ nhớ trẻ, yêu trẻ, là trẻ thấy thỏa mãn, yên tâm chơi cho cha mẹ làm việc nhà. Còn nếu cha mẹ quá tất bật với công việc, không chú ý đến trẻ, trẻ sẽ tìm mọi cách quấn chân chúng ta như: ôm chân, nhõng nhẽo, đòi hỏi cái này, cái kia, hỏi liên tục để được cha mẹ nói chuyện cùng…
Trẻ hỏi sẽ học được điều hay. Cha mẹ gieo hạt giống “kỹ năng hỏi” và nuôi dưỡng hạt giống ấy thì sẽ gặt được trái ngọt trong tương lai. Hãy giúp con muốn hỏi, dám hỏi và biết hỏi!
“Nền tảng của giáo dục chủ yếu được xây dựng từ khi trước 5 tuổi, nó chiếm tới 90% chất lượng của quá trình giáo dục. Từ sau 5 tuổi trở đi, tất nhiên vẫn phải tiến hành giáo dục, con người sẽ trưởng thành thêm một bước để rồi đơm hoa, kết trái, nhưng bông hoa mà bạn dày công vun trồng, chăm sóc thực sự đã có nụ từ khi trước 5 tuổi.” – Nhà giáo dục A. X. Macarenco