Tiếp theo kinh nghiệm cho bé ăn dặm giai đoạn 5 – 6 tháng, bài chia sẻ dưới đây sẽ tổng hợp tất tần tật kinh nghiệm ăn dặm cho bé giai đoạn 2 (từ 7 – 8 tháng). Mọi người hãy cùng tham khảo thông tin dưới đây:
Đặc điểm của trẻ giai đoạn 7 – 8 tháng
Ở giai đoạn này lưỡi của trẻ ngoài động tác đẩy thức ăn từ miệng vào họng thì lưỡi bé còn di chuyển theo chiều dọc. Nghĩa là bé có thể dùng lưỡi và vòm hàm trên để nghiền thức ăn. Vì thế thức ăn của trẻ ở giai đoạn này sẽ không mịn như giai đoạn trước mà giống như mứt bánh mỳ: vẫn sền sệt nhưng bắt đầu có những mảnh thức ăn nho nhỏ lẫn bên trong để bé dùng lưỡi và vòm hàm trên nghiền ra. Khi thức ăn không mịn mà có những mẩu thức ăn nhỏ thì tự bé sẽ dùng lưỡi để đẩy thức ăn lên vòm hàm trên mà nghiền ra.
Đây là giai đoạn này cực quan trọng khi cho bé ăn dặm nên các mẹ khi cho bé ăn cần phải quan sát kĩ xem bé có thực hiện thao tác này không hay là nuốt chửng!
Khi bé đã làm quen xong với thức ăn ở thể sền sệt và mịn thì khi đó mẹ điều chỉnh bé lên giai đoạn 2. Mẹ không nên quá máy móc ở con số 7 – 8 tháng mà nên quan sát bé, nếu bé sẵn sàng thì mẹ điều chỉnh giai đoạn. Trong trường hợp bé vẫn thích ăn loãng và hầu như là nuốt chửng thì mẹ vẫn để bé ăn ở giai đoạn 1, từ từ rút dần nước đi cho thức ăn sệt lại.
Bước vào giai đoạn này bé sẽ có 2 sự thay đổi lớn:
- Bé có thể dùng lưỡi nghiền những mảnh thức ăn nhỏ và mềm thay vì nuốt chửng như từ trước đến nay.
- Trong thực đơn của bé xuất hiện thịt khiến thực đơn ngày càng phong phú. Số lượng bữa ăn là 2 bữa 1 ngày.
Nửa giai đoạn đầu
Khi bắt đầu bước vào giai đoạn này thức ăn mẹ vẫn chế biến ở dạng sền sệt lác đác những mẩu thức ăn nhỏ như hạt đỗ xanh và mềm như đậu phụ để bé dễ dàng dùng lưỡi và vòm hàm trên để nghiền.
Ngoài ra ở giai đoạn này vẫn chưa cần nêm gia vị, nếu mẹ vẫn muốn nêm thì nên nêm nhạt đến mức độ gần như không có vị gì.
Nửa giai đoạn sau
Với độ mềm (củ quả, cháo) như đậu phụ để bé dễ dàng nghiền bằng lưỡi và hàm trên. Khi cho bé ăn mẹ quan sát kĩ cách bé ăn, nếu bé có phản xạ nghiền thức ăn thì đúng còn nếu bé nuốt chửng mẹ phải xem lại cách bón hoặc cách chế biến thức ăn cho bé.
Điểm then chốt của giai đoạn này là bé nghiền thức ăn từng miếng từng miếng một cách từ từ, nghiền nhỏ các mảnh thức ăn bằng lưỡi, miệng bé cũng vì thế mà đã móm mém nhai. Lực và cơ miệng bé phát triển rõ rệt. Tuy nhiên không vì thế mà mẹ vội vàng. Bé nuốt hết trong mồm mẹ mới nên bón miếng tiếp theo để tránh bé phải nuốt chửng. Chính tốc độ ăn quá nhanh hoặc bón miếng sau chồng lên miếng trước làm bé có thói quen nuốt chửng. Mẹ cũng ko nên bón một thìa quá nhiều lượng thức ăn khiến bé gặp khó khăn trong quá trình nghiền và nuốt thức ăn.
Ở thời điểm này hầu hết các bé đã quen với việc ăn dặm, quen với các mảnh thức ăn và vị của món ăn. Điều này làm bé cảm thấy bớt háo hức hơn thời gian mới tập ăn nên một số bé sẽ trải qua thời kì biếng ăn sinh lý. Nếu bé vẫn năng động hoạt bát chơi bình thường thì mẹ hoàn toàn không cần phải lo lắng. Đây là một quá trình cần thiết trong các giai đoạn phát triển của trẻ. Mẹ hãy thử thay đổi linh hoạt các nguyên liệu giúp bé khám phá sở thích của mình, tuyệt đối không cần thiết ép bé ăn. Để tạo không khí vui vẻ trong quá trình bé ăn thì thỉnh thoảng mẹ nên đưa bé ra ngoài ăn cùng gia đình, cùng mẹ.
Thời điểm này cũng là thời điểm bé tập thể hiện hứng thú với đồ vật dụng cụ ăn uống thậm chí là món ăn. Bé đưa tay ra vấy thức ăn, nghịch ngợm hoặc kéo thìa của mẹ. Với một chừng mực và một khoảng thời gian nhất định của bữa ăn mẹ hãy để bé làm theo sở thích của mình. Việc bé vấy thức ăn và nghịch bát thìa là một cách bé học tiếp xúc với món ăn. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tập ăn bốc và tự bón sau này. Mẹ nên chuẩn bị chỗ ăn của bé sao cho việc dọn dẹp nhẹ nhàng và thuận lợi cho mẹ, tuyệt đối đừng la quát mắng bé khi bé nghịch thức ăn, cho dù là mặt mũi nhem nhuốc đầu tóc lấm lem!
Thời điểm cuối giai đoạn 2 đầu giai đoạn 3 là một thời kì hết sức nhạy cảm. Là một ngọn núi cao mà cả mẹ và bé đều phải nhẫn nại và kiên trì mới có thể vượt qua. Bé sẽ được luyện tập từ độ cứng mềm như đậu phụ lên một tầm mới: mềm như chuối tiêu và đây được coi là cả một thử thách lớn đối với bé. Ở thời điểm này trong mỗi bữa ăn mẹ chuẩn bị xen kẽ một ít món có độ cứng tương đương với chuối tiêu để tập cho cắn và nhai dần. Nhưng tránh để bé phải nhai và gặp thử thách quá nhiều trong 1 bữa ở giai đoạn này kẻo bé “stress” mà dẫn tới sợ hoặc không thích ăn nữa.
Khung giờ ăn và chế độ dinh dưỡng giai đoạn 2
6h00 | Sữa |
10h00 | Ăn dặm + Sữa (Sữa ăn theo nhu cầu) |
12h00 | Hoa quả (cũng có thể không ăn) |
14h00 | Sữa |
18h00 | Ăn dặm + Sữa |
22h00 | Sữa |
Lưu ý: Chế độ dinh dưỡng
- Nửa đầu giai đoạn: Ăn dặm (30%) + Sữa (70%)
- Nửa sau giai đoạn: Ăn dặm (40%) + Sữa (60%)
Danh sách thực phẩm cần thiết cho giai đoạn 2
Ngoài những thực phẩm ăn dặm giai đoạn 1 thì các mẹ cần bổ sung thêm các thực phẩm sau:
Tinh bột: Mì udon, yến mạch, bún (không nên mua bún ngoài chợ, nên mua bún khô trong siêu thị để bảo đảm an toàn cho con nha)
Đạm: thịt ức gà, cá thịt đỏ (cá hồi), gan gà, cream cheese.
Nhóm vitamin: xà lách, ớt chuông, rau dền, dưa chuột, măng tây tươi, hẹ, hành lá, cà tím, Kiwi, rong biển xanh, nấm tươi.
Lượng ăn tham khảo cho 1 bữa
Tinh bột: nửa giai đoạn đầu: cháo 1:7 nguyên hạt 50g, nửa sau giai đoạn: cháo 1:5 nguyên hạt 80g
Cá: 10 – 15g
Đậu phụ: 30-40g
Trứng: 1 lòng đỏ trứng –> 1.3 quả trứng
Thịt ức gà: 15ml làm quen –> 15g
Nhóm vitamin và khoáng chất: 20 – 30g.