Việc nuôi dạy và rèn luyện con từ thuở ấu thơ có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành nhân cách của con sau này. Con trẻ phát triển theo nhiều cách khác nhau, là bố mẹ chúng ta cần phải đảm bảo con mình có thể phát triển nhiều đức tính tốt ở trẻ và thích ứng được trong mọi môi trường. Hãy để Cungconlonkhon.com chia sẻ bí quyết làm sao để phát triển nhiều đức tính tốt ở trẻ nhé!
Thích tìm hiểu
Nếu trẻ ham hiểu biết, không nên vì lý do “khác với mong muốn của cha mẹ” mà ngăn cản trẻ. Hãy để trẻ tự do phát triển để nhanh tiến bộ. So với việc đưa ra cho trẻ nhiều hình mẫu, để trẻ được tìm tòi sâu vào cái mà trẻ ham thích sẽ tốt hơn. Khi trẻ quan tâm sâu sắc đến một vấn đề, sức tập trung và khả năng suy nghĩ của trẻ sẽ tăng lên, khả năng tiếp thu cũng tăng. Với trẻ thích quá nhiều thứ, cha mẹ hãy giúp đỡ để trẻ tìm thấy phương hướng riêng.
Tâm hồn phong phú
Làm thế nào để có thể nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ? Việc này phải làm ở giai đoạn trẻ từ 0 – 3 tuổi.
Giai đoạn trẻ ở 0 tuổi nên cho trẻ ra ngoài xem các trẻ khác chơi, khi trẻ 1 – 2 tuổi, cho đi chơi nhiều hơn, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Nếu không có những trải nghiệm đó, chỉ chơi loanh quanh trong nhà, thì trẻ sẽ chỉ biết đến mẹ, tâm hồn trẻ sẽ bị giới hạn. Hãy cho trẻ đi chơi những nơi như thủy cung trên cạn, vườn bách thú, về quê, càng nhiều càng tốt.
Cha mẹ có thể nhờ trẻ đi mua đồ, mua rau quả, dạy trẻ tự đi xe buýt, xe điện trên một chặng nào đó, nếu có nhầm lẫn cũng là một trải nghiệm thú vị. Hãy bắt đầu từ những nơi gần nhất.
Tính tình vui vẻ
Trẻ luôn vui vẻ là do được hưởng đầy đủ tình yêu của mẹ, được chú ý phát triển năng lực, bản thân trẻ cũng thấy tự tin. Khi hòa nhập vào tập thể được người khác tôn trọng, bản thân trẻ cũng biết giúp đỡ người khác, có tính cộng đồng cao.
Người mẹ hãy cho con tình yêu trọn vẹn, hãy cố gắng tạo điều kiện cho trẻ phát triển càng nhiều khả năng càng tốt, bên cạnh đó cũng nên cho trẻ giao lưu thật nhiều.
Biết thông cảm
Sự cảm thông không phải là thứ có thể học được từ sách vở, mà là từ giáo dục ý thức. Biện pháp là hãy nhờ trẻ giúp đỡ những việc phù hợp ngay từ nhỏ. Để trẻ có thể hiểu được tâm tư người khác thì đầu tiên hãy cho trẻ thấy rằng việc giúp đỡ người khác là mang lại niềm vui cho họ và nhận được lời cảm ơn cũng là một niềm vui. Bản thân trẻ cũng sẽ dần dần cảm nhận được niềm vui từ đó.
Kỹ lưỡng, tỉ mỉ
Đức tính này có thể rèn luyện được nhờ việc cho trẻ tự chơi ghép hình. Không được cho trẻ chơi các hình đã được ghép sẵn, vì như vậy trẻ sẽ không có khả năng tập trung, sẽ quen với việc “ăn sẵn”. Hãy cho trẻ chơi những đồ chơi mà phải tự mình bỏ công sức mới chơi được. Chú ý mua cho trẻ nhiều sách có hình ảnh. Làm mọi việc cẩn thận là đức tính có thể huấn luyện trẻ ngay từ nhỏ.
Ví dụ, ngoài vẽ tranh, có thể cho trẻ chơi những trò có tính tỉ mẩn như dán tem, ghép hình… cũng rất có tác dụng. Cho trẻ làm cả những việc cần theo dõi quan sát kỹ lưỡng như trồng hoa, nuôi con vật.
Có cá tính
Đứa trẻ cá tính là đứa trẻ có một tài năng đặc biệt nào đó. Có thể là ngoại ngữ, bơi lội, âm nhạc, múa,… Hãy giúp trẻ phát triển kỹ năng đó thật tốt. Ngoài ra, những trẻ này có tính cạnh tranh, không muốn thua kém bất kỳ ai. Cha mẹ hãy để trẻ được hướng đến lĩnh vực mà trẻ rất thích, rất giỏi và rất chuyên tâm.
Tính sáng tạo
Tính cách của trẻ chủ yếu hình thành ở nửa sau của giai đoạn 2 tuổi, đây là thời kỳ quan trọng nhất để phát huy tính sáng tạo ở trẻ.
Để trẻ phát huy tính sáng tạo, cha mẹ hãy luôn tỏ ra thích thú với những thứ con đã làm ra. Với những thứ mà con đã bỏ nhiều công sức, hãy chụp ảnh lại, treo lên tường hoặc cho vào album. Sau đó hãy khuyến khích con làm cái khác đẹp hơn nữa. Với cách làm này, dần dần sẽ có được 1, 2, rồi 5, 10 cuốn album, như vậy, trí sáng tạo của trẻ đã được nuôi dưỡng rất tốt.
Tóm lại, nếu cha mẹ thường xuyên chỉ cho con làm thế này, thế kia, thì sẽ tạo cho con thói quen nhờ vả, vì vậy nhất thiết không được làm giúp mà để con tự làm, sau đó khen ngợi thành quả của con.
Tính tích cực
Người mẹ hãy suy nghĩ xem ở nhà có nói quá nhiều không, có sai bảo con bằng mệnh lệnh không? Hãy thử đặt mình ngang hàng với con, rồi nhờ con giúp đỡ xem. Khi làm như vậy, trẻ sẽ rất hứng thú, sẽ cố tự suy nghĩ, dần dần làm được nhiều việc, trở thành một đứa trẻ tích cực.
Nếu cha mẹ xen vào quá nhiều, chăm lo cho con quá mức cần thiết, sẽ dẫn đến tình trạng không có chỉ dẫn của cha mẹ thì con không biết phải làm thế nào. Trẻ luôn nghĩ cha mẹ sẽ bảo mình làm và cứ thế chờ đợi, dần dần sinh ra không tự giác. Thói quen đó phải sửa càng sớm càng tốt.
Biết nói lên cảm giác của mình
Để trẻ có thể nói lên cảm nhận của mình và có cách ứng xử tích cực thì phương pháp lặp Yamabiko (Yamabiko nghĩa là tiếng vọng) rất có hiệu quả. Phương pháp Yamabiko là phương pháp mà người mẹ bỏ hẳn những câu mệnh lệnh dành cho con, thay vào đó là lắng nghe lời nói của con. Con nói gì thì mẹ sẽ lặp lại gần như thế.
Giả sử con nói: “Mẹ ơi, anh con tệ lắm!”
Người mẹ sẽ nói: “Anh con tệ lắm? Tệ như thế nào nhỉ?”
“Anh đánh con.”
“Vậy là anh con đã đánh con đấy! Sao anh lại đánh con?”
“Chẳng có gì cả mà anh lại đánh con.”
“À, chẳng có gì cả mà anh lại đánh con! Tại sao chẳng có gì cả mà anh lại đánh con nhỉ?”
Cứ như vậy, dùng phương pháp Yamabiko lặp lại những gì trẻ đã nói và tiếp tục hội thoại theo cách đó. Nhờ phương pháp này, đối thoại giữa hai mẹ con được hình thành, trẻ sẽ dần biết cách đối đáp. Trẻ cũng sẽ tích cực phát ngôn khi đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Tính tự chủ
Tính tự chủ thể hiện qua việc tự làm và tự chịu trách nhiệm, xuất phát từ tính độc lập của trẻ. Tính cách này không tự nhiên có mà phải nhờ vào cách nuôi dạy con của cha mẹ.
Người luôn suy nghĩ đến những điều có ích cho người khác, khiến người khác nghe theo ý kiến của mình, được cho là người có tính tự chủ.
Rèn luyện tính tự chủ,đầu tiên là phải tuân theo các quy tắc chung, phải học các luật lệ xã hội. Nếu không có ý thức nghiêm chỉnh tuân thủ trật tự chung, tự do làm những điều mình thích, thì khi lớn lên sẽ trở thành người không có khả năng tự kiểm soát.
Giáo dục trẻ nhỏ, ban đầu phải theo một khuôn khổ nhất định. Học các việc khác cũng như thế. Tiếp sau đó mới là vượt ra khỏi khuôn khổ và tự tạo ra hình ảnh của chính mình. Đó là căn bản của việc giáo dục ý thức tự chủ.
Có hứng thú
Muốn trẻ có hứng thú, phải quan sát thật kỹ lưỡng để tìm ra những khả năng nổi bật của trẻ để khen ngợi và khuyến khích. Hãy cố gắng ghi lại những điểm đặc biệt trong hành động của trẻ.
Cha mẹ thường có khuynh hướng chỉ nhìn thấy những điểm chưa được ở con mà bỏ qua mất điểm tốt. Hãy quan tâm tới mặt mạnh của con, giúp con nhận thức được khả năng tuyệt vời của bản thân. Khi trẻ hiểu rõ điều đó, trẻ sẽ có thể phát huy năng lực của mình ngày càng tốt hơn.
Động viên khen ngợi trẻ chính là để xóa đi màn sương mờ che phủ tâm hồn trẻ. Trẻ phải nhận thức được thế mạnh của mình thì mới cố gắng phấn đấu được. Đầu tiên trẻ chỉ có thể giúp được những việc rất nhỏ, nhưng không được chê cười trẻ. Nếu trẻ nói muốn tự mình làm việc gì đó, cũng không được trêu chọc.
Hàng ngày, hãy ghi chép lại những việc khiến con thích thú và làm tốt, chắc chắn sẽ có ích. Ban đầu có thể không đến năm việc mỗi ngày, nhưng sau có khi sẽ lên tới 50 việc tốt. Bản thân người mẹ hãy thay đổi cách nhìn với con mình.
Vô tư không lo lắng
Hãy dạy cho trẻ rằng, nếu trẻ có ấn tượng mạnh với một việc gì đó, thì hãy nhất quyết thực hiện. Thực hiện điều mình ấp ủ là quy tắc quan trọng thứ nhất.
Phần đông mọi người có thói quen suy nghĩ không tích cực, vì thế khó có thể thành công được. Nếu có thói quen suy nghĩ lạc quan thì sẽ làm được, ngược lại nếu luôn có thói quen bàn lùi thì sẽ không thực hiện được, đó là quy tắc quan trọng thứ hai.Theo quy tắc này, người hay lo lắng sẽ có kết cục thất bại. Quá lo lắng thì sẽ nhận được kết quả đúng như mình đã lo lắng, đó là quy tắc quan trọng thứ ba. Vì vậy, hãy tạo cho mình thói quen không lo lắng.
Với trẻ con, hãy dùng những câu nói kiểu như “Con chắc chắn sẽ làm được”, để tạo sự tự tin cho con. Nếu ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ luôn tự nhủ lạc quan, không từ bỏ giữa chừng, thì sẽ nuôi dạy con thành công.
Xem thêm: