Trẻ bị đầy hơi khó tiêu có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Vậy chăm sóc trẻ bị đầy hơi như thế nào hợp lý? Mọi người hãy cùng tham khảo những thông tin Cungconlonkhon chia sẻ dưới đây:
Nguyên nhân trẻ bị đầy hơi?
– Do chế độ ăn uống của mẹ: Trẻ sơ sinh – trẻ nhỏ, đa phần còn đang bú mẹ. Vì thế, chế độ ăn uống của mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe hệ tiêu hóa của bé. Khi bé có dấu hiệu đầy bụng, mẹ cần nghĩ đến nguyên nhân đầu tiên là do chế độ ăn uống của mình. Có thể các mẹ ăn phải thức ăn ôi thiu, thức ăn cũ nguội lạnh, thức ăn chưa được nấu chín hoặc thức ăn có tính hàn, có nhiều vị tanh khi còn trong thời gian ở cữ.
– Do thay đổi chế độ ăn đột ngột: Nguyên nhân này xảy ra khi bé đang trong giai đoạn chuyển tiếp chế độ ăn uống. Ví dụ như khi bé đang bú mẹ chuyển sang bú bình; đang bú sữa hoàn toàn chuyển sang ăn dặm,…Hệ tiêu hóa của bé sơ sinh còn non nớt và chưa quen tiêu hóa nhiều loại thức ăn khác nhau. Nên khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ ăn uống, những bé có hệ tiêu hóa nhạy cảm thường “phản ứng” bằng triệu chứng đầy bụng.
– Do bé không dụng nạp lactose trong sữa: Lactose là thành phần có trong hầu hết các loại sữa. Khi cơ thể bé không thể dung nạp được hoặc không dung nạp hết Lactose, bé cũng sẽ bị đầy bụng. Sở dĩ cơ thể bé không hấp thu được lactose là vì không sản sinh đủ lượng men lactase cần thiết. Vì thế, lactose bị tích tụ ở ruột và gây đầy bụng.
– Do dị ứng với protein trong sữa: Nhiều trường hợp bé bị dị ứng với thành phần này trong sữa. Việc này có thể khiến bé bị nôn trớ, khó thở, tiêu chảy ngoài biểu hiện đầy bụng, khó tiêu. Mẹ nên kiểm tra xem đây có phải nguyên nhân không trước khi nghĩ cách chữa đầy bụng cho trẻ sơ sinh.
– Do trào ngược dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón: Không thể phủ nhận những bệnh lý về tiêu hóa này lại có thể dẫn đến bệnh lý về hệ tiêu hóa khác. Cụ thể hơn, khi bé bị trào ngược dạ dày, hơi bị tống xuất theo chiều ngược so với bình thường. Vì thế, bé hay bị trướng bụng, ợ hơi, dễ nôn ói.
Trẻ bị đầy hơi phải làm sao?
Tình trạng đầy bụng khó tiêu ở trẻ không phải lúc nào cũng cần phải dùng thuốc điều trị. Nếu bệnh của con không quá nghiêm trọng, bé vẫn vận động, chơi đùa bình thường thì các mẹ có thể thử các biện pháp chăm sóc trẻ bị đầy hơi dưới đây:
Cách 1: Massage bụng cho bé
Sau khi bé ăn được khoảng 30 phút, mẹ hãy dùng các ngón tay xoay nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ từ lỗ rốn ra ngoài bụng của bé yêu. Để giảm việc chà sát mạnh vào làn da mỏng manh của bé, mẹ có thể dùng thêm dầu massage, vừa giảm đau, vừa giúp bé thêm thư giãn, thoải mái, giảm cảm giác khó chịu vì bị đầy bụng.
Cách 2: Chườm nóng bụng bé
Mẹ thực hiện bằng cách lấy 2 chiếc khăn tay, làm ấm chúng bằng cách nhúng vào nước nóng và vắt khô. Khi độ nóng phù hợp và đảm bảo không làm bỏng da bé, mẹ đặt 1 khăn đã gấp gọn lên bụng và dùng cái còn lại quấn quanh bụng để cố định lại. Hơi nóng và sức nặng của cái khăn sẽ giúp đẩy hơi tỏng bụng bé ra dễ dàng hơn.
Cách 3: Giúp trẻ ợ hơi
Đây là việc làm được các bác sĩ khuyên mẹ nên làm sau khi cho bé sơ sinh bú xong để giảm triệu chứng nôn trớ, trào ngược thực quản ở các bé. Khi bé bị đầy hơi, việc này càng cần thiết. Mẹ hãy bế bé sao cho đầu bé tựa vào mẹ. Sau đó, mẹ vỗ nhẹ lưng bé cho đến khi bé phát ra những tiếng ợ hơi.
Trẻ bị đầy hơi nên ăn gì?
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiêu hóa của trẻ. Ngoài những cách giúp trẻ bị đầy hơi ở nói trên thì mọi người có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm, hoa quả dưới đây cho bé:
Dứa: Loại trái cây này rất giàu chất xơ và bromelain – một loại enzym có khả năng phân hủy protein trong thức ăn, chống viêm, bảo vệ đường ruột.
Hạt thì là: Nghiên cứu cho thấy các chất trong hạt thì là có thể làm tăng tiết enzym tiêu hóa từ tuyến tụy. Mẹ có thể rang hạt thì là, nghiền thành bột mịn rồi pha nước hoặc thêm vào cháo cho trẻ dùng.
Rau củ và trái cây: Lê, táo, chuối, cà rốt, đu đủ, bí đỏ,…giàu chất xơ giúp làm dịu đường tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột.
Sữa chua: Trong sữa chua có nhiều lợi khuẩn probiotic rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Các mẹ có thể cho bé tập ăn sữa chua khi con được 7 – 8 tháng tuổi. Lúc mới đầu chỉ nên ăn vài thìa nhỏ, sau đó tăng dần số lượng lên đến 100g/ngày ở trẻ trên 2 tuổi. Trường hợp bé có vấn đề về dạ dày thì tránh ăn sữa chua lúc đói bụng, nên dùng sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ là tốt nhất.
Một số bài thuốc dân gian giúp trẻ bị đầy hơi
Uống nước ấm ngâm vỏ quýt và cam
Theo Đông y, vỏ quýt và cam khi phơi khô có tác dụng chữa chứng tiêu chảy, ợ nóng, khó tiêu và đầy bụng. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể sử dụng nguyên liệu tự nhiên này để làm giảm tình trạng đầy hơi ở trẻ.
Cách làm:
- Sử dụng vài vỏ cam và quýt khô đem rửa sạch bằng nước ấm
- Tiếp theo thái mỏng và cho vào cốc nước sôi, đậy nắp hãm từ 15 – 20 phút
- Sau đó lọc lấy nước và cho trẻ uống khi còn ấm
Uống nước lá tía tô
Theo Y học cổ truyền, lá tía tô có tính ấm, có tác dụng giải độc, hạ khí, tiêu ích và phát tán phong hàn. Do đó, mỗi khi trẻ bị chướng bụng, đầy hơi, cha mẹ có thể dùng nước lá tía tô cho bé uống để cải thiện triệu chứng khó chịu này.
Cách làm:
- Dùng 30 gram lá tía tô đem rửa sạch và ngâm nước muối
- Sau đó giã nát và vắt lấy nước cốt rồi đem đi hấp cách thủy
- Cho con uống nước thuốc khi còn ấm để tăng tính hiệu quả
Uống nước gừng
Gừng có tính ấm, có tác dụng chữa đầy bụng, nôn mửa. Bên cạnh đó, các tinh chất chứa trong nguyên liệu tự nhiên này còn có công dụng giải độc và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
Cách làm:
- Sử dụng 10 gram gừng khô đem hãm với 100ml nước đun sôi
- Sau đó, lọc lấy nước và cho con trẻ uống khi còn ấm
Dùng củ hành hoặc tỏi
Để cải thiện triệu chứng đầy hơi và chướng bụng ở con trẻ, phụ huynh có thể nướng một củ hành hoặc tỏi rồi cho vào miếng vải và đặt lên bụng trẻ. Cách làm này giúp làm giảm triệu chứng đầy bụng ở trẻ khá tốt. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý, không đặt trực tiếp hành hoặc tỏi lên bụng trẻ để tránh gây bỏng da.
Trên đây là những cách chăm sóc trẻ bị đầy hơi tại nhà để giúp bé giảm cảm giác khó chịu. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích đối với mọi người.