Trẻ đến tuổi ăn dặm nhưng các mẹ vẫn băn khoăn không biết nên chọn phương pháp ăn dặm nào tốt cho bé. Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm cho bé phổ biến nhất là: ăn dặm truyền thống, ăn dặm tự chỉ huy (BLW) và ăn dặm kiểu Nhật với những ưu, nhược điểm khác nhau. Mọi người hãy cùng theo dõi những thông tin dưới đây để lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp nhất với bé yêu của mình:
Phương pháp ăn dặm truyền thống
Phương pháp ăn dặm truyền thống có lẽ lâu đời phổ biến ở Việt Nam. Trẻ sẽ bắt đầu giai đoạn ăn dặm với bột và thức ăn (rau, củ, thịt, cá) xay nhuyễn. Sau đó sẽ dần chuyển sang ăn cháo với thức ăn vẫn là xay nhuyễn nấu chung với cháo. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ mà cháo và thức ăn xay nhuyễn dần dần đặc hơn, thô hơn đến khi trẻ có thể tự ăn cơm.
Ưu điểm:
- Trẻ bắt đầu ăn dặm với thực ăn được xay nhuyễn nên không gây hại gì cho hệ tiêu hóa. Chế biến đồ ăn đơn giản, không mất nhiều thời gian, đặc biệt phù hợp với các mẹ quá bận rộn.
- Phương pháp này đã được áp dụng lâu đời, ai cũng làm được và trẻ vẫn tăng cân đều.
Nhược điểm:
- Thức ăn nhuyễn có lợi cho hệ tiêu hóa, nhưng do ăn nhuyễn nhiều nên khả năng ăn thô của bé kém, có bé đến 2, 3 tuổi rồi vẫn ăn cháo hoặc cơm nhá.
- Việc nấu chung bột/ cháo với thức ăn sẽ khiến bé khó cảm nhận được mùi vị riêng biệt, từ đó có thể dẫn đến tình trạng ăn không ngon miệng, không hứng thú, biếng ăn, kén chọn thực phẩm về sau.
- Phương pháp này dễ dẫn đến thói quen ăn uống không tốt cho bé như: không chủ động, bị ép ăn, ăn rong… Đây cũng là nguyên nhân khiến các bà mẹ hiện đại không còn mặn mà với phương pháp ăn dặm truyền thống.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Đây là phương pháp ăn dặm cho bé đang được rất nhiều mẹ Việt ưu ái. Bé sẽ bắt đầu tập ăn dặm với cháo loãng theo tỷ lệ 1:10. Độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi phát triển của bé. Các loại thực phẩm khác cũng được chế biến theo độ thô phù hợp. Bé sẽ được ăn riêng từng loại và đảm bảo đủ 3 nhóm thực phẩm: Tinh bột, vitamin, đạm.
Ưu điểm:
- So với phương pháp ăn dặm truyền thống, thì phương pháp này bé sẽ có khả năng ăn thô sớm hơn. Ngoài ra nhờ ăn riêng từng loại thức ăn nên bé làm quen tốt hơn với mùi vị thực phẩm.
- Các món ăn của bé đa dạng, đầy đủ các nhóm chất, được thay đổi để phù hợp với các giai đoạn khác nhau. Bé cũng sẽ hình thành được thói quen ngồi ăn ngay từ sớm.
Nhược điểm:
Áp dụng phương pháp ăn dặm này ba mẹ Việt sẽ phải chuẩn bị tư tưởng và thời gian biểu hợp lý vì sẽ tốn rất nhiều thời gian cho việc chế biến bảo quản đồ ăn, dạy con tập ngồi, dạy con cầm thìa ngay từ khi còn rất nhỏ. Ngoài ra mẹ cũng cần dùng đến nhiều dụng cụ cho bé ăn dặm hơn các phương pháp khác.
Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy BLW
Với phương pháp ăn dặm này, ba mẹ chỉ quyết định loại đồ ăn và bé sẽ tự quyết định ăn như thế nào và ăn lượng bao nhiêu. Bé sẽ tự ngồi ăn, thức ăn được cắt với kích cỡ phù hợp cho bé tự cầm và tự đút được vào miệng.
Ưu điểm:
- Bé chủ động chọn đồ ăn, phản xạ nhai nuốt cực tốt và rất hứng thú với việc ăn uống.
- Bé sẽ học được nhiều thứ: kiểm soát lượng thức ăn đưa vào miệng, sử dụng tay và lưỡi linh hoạt khéo léo…
- Rèn luyện khả năng tự lập, thói quen sinh hoạt tốt ngay từ bé.
- Mẹ sẽ không cần chế biến quá cầu kỳ và tốn thời gian vì thực đơn của con cũng gần giống với cả nhà.
- Các mẹ sẽ không cần chuẩn bị quá nhiều dụng cụ cho bé ăn dặm như các phương pháp ăn dặm khác.
Nhược điểm:
- Trong thời gian đầu làm quen với phương pháp này bé sẽ ăn rất ít, do đó mẹ nào muốn con tăng cân nhanh sẽ không phù hợp. Ngoài ra việc cho bé ăn thô ngay từ đầu mới tập ăn dặm rất dễ làm bé bị hóc, nghẹn khi đó mẹ phải thật bình tĩnh để xử lý.
- Thêm nữa, phương pháp ăn dặm này sẽ gây ra sự bừa bộn, đòi hỏi mẹ phải thường xuyên lau dọn, làm vệ sinh. Nói chung nếu các mẹ lựa chọn phương pháp ăn dặm này thì phải thật sự hạ quyết tâm vì phải chịu áp lực tâm lý rất nhiều từ gia và cả chính các mẹ nữa.
- Mỗi phương pháp dặm đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc áp dung phương pháp ăn dặm nào cần xem xét nhiều thứ như: thời gian của ba mẹ, sự hợp tác và nhu cầu của con, sự ủng hộ của gia đình…