Giải đáp thắc mắc ăn dặm tự chỉ huy của mẹ Bubu Huong (Phần 1)

0
893

Bài viết dưới đây là những câu hỏi thắc mắc của các mẹ bỉm sữa xoay quanh vấn đề cho bé ăn dặm tự chỉ huy cũng như những giải đáp của mẹ Bubu Huong – bà mẹ nổi tiếng với những cuốn sách nuôi con vô cùng hữu ích. Các mẹ cùng theo dõi thông tin dưới đây:

HỎI:

Em mới biết đến phương pháp ăn dặm bé chỉ huy và rất thích phương pháp này. Nhưng bé nhà em đã được ông bà cho ăn dặm bột ngọt từ 4 tháng tuổi. Tết vừa rồi em lu bu công việc nên không đủ sữa cho con, vì vậy em tăng thêm cho con ngày hai bữa bột, mỗi bữa khoảng một chén nhỏ. Bé ăn rất ngoan và đang chán sữa mẹ. Giờ biết phương pháp BLW , em rất thích và muốn cho con theo, nhưng em có một số thắc mắc mong được sự tư vấn:

  1. Bé nhà em hiện nay được 5 tháng rưỡi, tức là đã ăn bột được 1 tháng rưỡi thì em có bắt đầu theo phương pháp BLW này nữa được không? Bé đang ăn bột đặc, có hôm em thử cho bé ăn cá lóc và bí đỏ hấp để nguyên miếng thì bé ăn ít nhưng ăn rất ngon, thỉnh thoảng mới ọe thôi.
  2. Nếu theo được thì em tính thực đơn bé sẽ thay đổi từ từ, tuần đầu thì 2 bữa bột chính và 2 bữa trái cây sẽ cho bé ăn theo BLW , sang tuần tiếp theo thì 1 bữa bột chính và 3 bữa còn lại là BLW , cho bé ăn như vậy trong 2 tuần thì chuyển hẳn sang BLW. Như vậy được không ạ? Vì em sợ bé tự ăn thì sẽ không ăn được nhiều và không đủ no.
  3. Em tính những tuần đầu thì thức ăn hấp thật mềm rồi mới cho bé ăn vì sợ bé sẽ bị hóc. Khi bé biết cách cắn vừa phải, không cắn miếng to quá thì em lại hấp như bình thường. Vậy có được không ạ?

ĐÁP:

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cho bé ăn dặm theo phương pháp BLW. Bé nhà bạn mới 5 tháng rưỡi thì bạn lại càng yên tâm để cho bé bắt đầu với  BLW. Tuy nhiên, do bé đã được đút bột được 1 tháng rưỡi rồi nên bé đã quen với phản xạ nuốt thức ăn mà không có phản xạ nhai trước đó. Vì vậy, khi làm quen với thức ăn dạng nguyên miếng, bé có thể gặp một chút khó khăn hơn so với các bé được làm quen với BLW ngay từ đầu. Bé nhà bạn có thể sẽ dễ nuốt miếng to vì chưa biết cách để nhai nghiền nhỏ thức ăn trước khi nuốt dẫn đến bị nghẹn và ọe. Tình trạng này có thể kéo dài hơn so với các bé theo BLW từ đầu. Do đó trong trường hợp của bé, mẹ nên chú ý quan sát bé cẩn thận hơn và nên bình tĩnh, kiên nhẫn để bé tự học cách xử lý thức ăn nguyên miếng.

Bé 6 tháng tuổi mà ăn dặm một ngày 4 bữa (kể cả bữa phụ trái cây) thì nhiều. Thường khi mới bắt đầu ăn dặm BLW, các bé chỉ ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ, tới khoảng 8 – 9 tháng mới ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ, gần 1 tuổi mới ăn 3 bữa và 1 bữa phụ. Bé nhà bạn 6 tháng mà bạn vừa muốn cho ăn 2 bữa bột, lại thêm 2 bữa ăn theo BLW nữa thì quá “nặng”. Bé ăn quá nhiều thức ăn dặm sẽ không còn chỗ chứa để bú sữa. Bạn cũng nói rằng bé đang chán sữa mẹ là do bé đang ăn quá nhiều thức ăn dặm. Bạn nên thực hiện giảm cữ ăn, giãn cữ bú 4 giờ/lần thì bé mới thấy đói và mới bú lại sữa. Bạn nên nhớ dưới 1 tuổi sữa  mới là dinh dưỡng chính của bé. Bé ăn nhiều mà bú ít sữa thì hoàn toàn không tốt. Hệ tiêu hóa non nớt của con sẽ bị quá tải, đồng thời con cũng không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.

Khi bé ăn theo BLW, bạn sẽ thấy lượng bé ăn có vẻ rất ít. Trên thực tế, do bé được quyền chủ động ăn uống, tự quyết định ăn gì, ăn thế nào, ăn bao nhiêu nên bé sẽ ăn đủ với nhu cầu của cơ thể. Nhu cầu của cơ thể thực ra ít hơn rất nhiều so với nhu cầu mà cha mẹ nghĩ là bé cần. Ăn dặm theo phương pháp BLW vì vậy tránh được tình trạng bé bị béo phì, thừa chất do bị ép ăn quá mức cần thiết.

Một lý do khác khiến bạn có thể cảm thấy lượng bé ăn quá ít, đó là do bé ăn thức ăn nguyên miếng chứ không phải đồ nghiền nhuyễn. Bạn cứ tưởng tượng bạn cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu rau, bao nhiêu thịt để nấu 1 bát bột cho bé? Cả 1 bát bột đầy thực ra chỉ có rất ít nguyên liệu. Còn bé ăn theo phương pháp BLW là ăn đồ nguyên miếng, nên nhìn có vẻ ít nhưng thực ra là ăn được rất nhiều.

Đồ ăn chuẩn bị cho bé không nên hấp quá mềm. Vì thời điểm này tay bé còn rất lóng ngóng, vụng về, đồ ăn hấp quá mềm sẽ dễ bị bé bóp nát trước khi đưa được lên miệng và có thể làm bé bực bội. Thức ăn quá mềm cũng làm bé dễ nuốt miếng to mà không cần nhai, do đó làm giảm khả năng học cách nhai, xử lý thức ăn nguyên miếng của bé. Vì thế, bạn nên chế biến đồ ăn vừa đủ chín, không quá mềm và không quá cứng. Bạn cũng nên quan sát bé thường xuyên để điều chỉnh kích thước và độ cứng mềm của đồ ăn cho phù hợp với bé. Khi cho bé ăn, bạn lưu ý luôn để bé ngồi thẳng lưng và để bé chủ động hoàn toàn việc đưa thức ăn vào miệng. Khi bé có dấu hiệu bị nghẹn, mẹ cũng nên bình tĩnh để bé tự ọe và đẩy thức ăn ra ngoài, tuyệt đối không cho tay vào móc họng bé và không cho bé uống nước. Khi bé ọe, nếu bé vui vẻ thì để bé ăn tiếp, nếu bé khóc lóc sợ hãi thì dừng ngay bữa ăn.

(Nguồn: Tham khảo)

=>> Xem thêm: Giải đáp thắc mắc ăn dặm tự chỉ huy của mẹ Bubu Huong (Phần 2)