Những lưu ý ăn dặm tự chỉ huy giai đoạn bé bốc nhón

0
1138

Tiếp theo giai đoạn tập bốc là giai đoạn bé bốc nhón, để các mẹ có thêm những kinh nghiệm trong quá trình bé ăn dặm tự chỉ huy, mọi người hãy cùng tham khảo thông tin chia sẻ dưới đây.

Thế nào là bốc nhón?

Bốc nhón được hiểu là hành động bé sử dụng các đầu ngón trỏ và ngón cái để bốc thức ăn thay vì sử dụng nguyên bàn tay như trước. Ban đầu có thể bé sẽ dùng cả 5 đầu ngón tay chụm vào để bốc thức ăn, nhưng sau đó bé sẽ dần dần sử dụng chỉ 2 ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) tạo thành một gọng kìm và bốc lấy đồ ăn. Đây là một kĩ năng thể hiện sự khéo léo vượt bậc so với giai đoạn tập bốc trước đó. Với kĩ năng này, bé có thể dễ dàng bốc được những miếng thức ăn nhỏ, mềm hơn so với giai đoạn đầu.

Giai đoạn bé tập bốc nhón BLW

Các kĩ năng cần thiết của bé giai đoạn bốc nhón

Có một khoảng thời gian trong giai đoạn bé được 7 đến 9 tháng tuổi, mọi người dường như không thấy bé có bất cứ sự thay đổi nào trong việc ăn uống, thậm chí nhiều lúc bé còn có những thái độ không tốt như bóp và ném đồ ăn, trèo ra khỏi chỗ ngồi. Có thể lúc này mọi người có thể sẽ cảm thấy hơi thất vọng và lo lắng rằng mình đang đi chệch hướng. Tuy nhiên, một ngày đẹp trời, các mẹ bỗng thấy tay bé trở nên khéo léo hon, bé bắt đầu không chú ý tới các miếng đồ ăn lớn mà chỉ chăm chăm nhặt những mẩu đồ ăn nhỏ rơi vãi trên khay. Và mọi người nhận ra rằng bé đang học một kĩ năng mới – Kĩ năng BỐC NHÓN. Kĩ năng này thường xuất hiện vào khoảng thời gian bé được 8 tháng tuổi đối với bé tập ăn dặm BLW từ 6 tháng và kéo dài cho tới khi bé vào giai đoạn tập xúc thìa (khoảng 11 tháng). Tất nhiên, sẽ có những bé sớm hơn hoặc muộn hơn, hãy nhớ đây là phương pháp ăn dặm BÉ CHỈ HUY, do đó các ông bố bà mẹ hãy để cho bé toàn quyền quyết định.

Để bé hoàn toàn quyết định khi ăn dặm tự chỉ huy
Để bé hoàn toàn quyết định khi ăn dặm tự chỉ huy

Trong giai đoạn này, một số bé cũng có thể cảm thấy hứng thú với việc sử dụng nĩa để xiên đồ ăn. Các mẹ có thể xiên sẵn thức ăn vào nĩa hoặc hướng dẫn bé cách xiên đồ ăn. Việc ăn thức ăn sử dụng nĩa cũng là một kĩ năng quan trọng cho việc bé tập sử dụng thìa về sau này. Bé cũng bắt đầu thích được lấy đồ ăn từ trong bát đĩa riêng của bé thay vì thức ăn để thẳng trên khay ăn. 

Kĩ năng “chấm” cũng bắt đầu xuất hiện. Bé tỏ ra khá thành thạo và thích thú với việc “chấm” món này vào món khác. Một chút phomai hay nước sốt là một gợi ý hoàn hảo cho bé.

Ngoài các kĩ năng về ăn thì việc uống của bé cũng có nhiều tiến bộ. Ở giai đoạn này hầu hết các bé có thể sử dụng ống hút để uống nước và tự mình giữ cốc, bát để húp các món dạng lỏng như canh, súp…mà không bị sặc hoặc đổ ra ngoài.

Những điều mẹ cần chuẩn bị khi bé tập bốc nhón

Khi chế biến và chuẩn bị đồ ăn cho bé, các mẹ có thể cắt thức ăn thành những miếng to nhỏ khác nhau để bé tập luyện cho kĩ năng mới. Các mẹ cũng nên quan sát để biết bé hứng thú với kích thước đồ ăn như thế nào để tùy chỉnh sao cho thích hợp. Thời gian này, mẹ cũng nên giới thiệu thêm cho bé nhiều món mới vì bé đang rất thích thú với kĩ năng mới của mình và muốn được thử nghiệm nhiều hơn. 

Mẹ nên giới thiệu nhiều món cho bé ăn dặm

Mẹ cũng nên tạo điều kiện cho bé được thực hành “bộ môn” chấm bằng một vài loại nước sốt tự làm như sốt cà chua, sốt cam hay chỉ đơn giản là một chút phomai tươi hoặc sữa chua. 

Hãy sắm cho bé một bộ bát đĩa nhựa và một chiếc nĩa trong quá trình ăn dặm. Nĩa ăn nên chọn loại có đầu bo tròn, không sắc nhọn. Bát đĩa nhựa chọn loại nhựa cao cấp không chứa chất độc hại. Bát đĩa có để hút dính vào khay ăn là một lựa chọn được nhiều mẹ đánh giá cao.

Mẹ cũng nhớ sắm một chiếc bình uống nước có ống hút và một bịch ống hút riêng lẻ để bé tập luyện kĩ năng hút nước. Một ly nhựa màu sắc hoặc có in hình con vật cũng là một gợi ý dành cho mẹ để kích thích giác quan của bé.

Cungconlonkhon.com (Tổng hợp)