Những lưu ý ăn dặm tự chỉ huy giai đoạn bé tập bốc 

0
1031

Bé tập bốc là giai đoạn đầu tiên trong quá trình ăn dặm tự chỉ huy. BLW bắt đầu bằng việc cho bé ngồi trên ghế, với tay bốc lấy đồ ăn để đưa vào miệng, nhưng đó không phải là tất cả những gì BLW hướng tới. Bốc – thực chất chỉ là giai đoạn bắt đầu của cả quá trình ăn dặm tự chủ của bé.

Các kỹ năng cần thiết cần cho trẻ

Em bé của bạn khi mới bắt đầu thường rất lóng ngóng. Đồ ăn thì có vẻ quá trơn hoặc quá mềm, tay bé thì còn quá vụng về. Các mẹ sẽ thấy bé đưa tay ra cố với lấy miếng thức ăn nhưng lại làm đẩy miếng thức ăn ra xa hơn. Hoặc bé dùng tay bốc rồi nắm thật chặt và vô tình bóp nát đồ ăn trước khi đưa được bất cứ thứ gì vào miệng. Cảnh tượng khác, bé nắm được đồ ăn trong tay nhưng miếng đồ ăn thụt xuống bên dưới, bé cố gắng gặm nhưng chỉ gặm được vào tay. Bé có thể sẽ cảm thấy hơi bực bội và muốn bỏ cuộc.

Ngoài việc tay xử lý đồ ăn còn chưa khéo thì miệng bé cũng sẽ gặp 1 chút khó khăn. Bé thường sẽ đút vào miệng mình quá nhiều đồ ăn hoặc cắn một miếng quá lớn. Một số bé có thể bị ọe rất nhiều lần, ọe ra miếng thức ăn vừa nuốt hay thậm chí cả những thứ đã ăn cách đó hàng giờ.

Song song với việc bóp nát đồ ăn và ọe, ở giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé cũng chưa thực sự đi vào nề nếp, chỉ mới bắt đầu làm quen với việc ăn thức ăn ngoài sữa nên mẹ có thể thấy bé cho ra sản phẩm giống như những gì bé đã ăn vào. Điều này thực sự không đáng lo ngại.

Thời gian lóng ngóng và vụng về của bé thường kéo dài khoảng 1 tháng (có thể ngắn hay dài hơn). Sau thời gian này, bé sẽ thực sự cảm thấy thích thú với việc ăn uống và ăn được nhiều thứ hơn. Tay của bé sẽ dần dần trở nên linh hoạt và khéo léo hơn. Bé sẽ vẫn cầm thức ăn bằng cả bàn tay nhưng sẽ không nắm quá chặt làm bóp nát thức ăn nữa. Bé cũng bắt đầu biết điều khiển các cơ hàm để cắn và nhai nhỏ thức ăn trước khi nuốt, do đó tình trạng nghẹn và ọe sẽ ít hơn. Hệ tiêu hóa của bé cũng dần quen với việc xử lý các thức ăn thô và bé sẽ bắt đầu cho ra “sản phẩm ” mịn hơn trước.

Những thứ mẹ cần chuẩn bị khi bé tập ăn bốc

Công việc của các mẹ khi bé ăn BLW chỉ là chuẩn bị một ít đồ và bày lên khay cho bé, tất cả những việc còn lại là của bé. Mọi người có thể giúp, nhưng chỉ một chút thôi – đẩy miếng thức ăn lại gần tầm tay với của bé hoặc đẩy tay bé để bé đưa đồ vào miệng chính xác – nhưng nhớ là chỉ một chút thôi nhé.

Khi bé bị nghẹn và ọe, nếu bé vẫn vui vẻ ăn tiếp – hãy lau dọn sơ cho bé rồi để bé tiếp tục, nếu bé ọe và khóc lóc – hãy cho bé ra khỏi ghế, dỗ dành bé và dừng bữa ăn tại đó. Hãy cho bé bú sữa trước bữa ăn ít nhất 1 tiếng, để cho dù bé có ọe hết ra thì sữa cũng đã kịp tiêu hóa hết. Hãy nhớ rằng nếu bé ọe ra sữa lợn cợn màu đục có nghĩa là sữa đã tiêu hóa hết, chỉ khi nào bé ọe ra sữa màu trong thì bạn mới lo sự rằng bé đã ọe ra sữa chưa được tiêu hóa và có thể bị đói. Luôn nhớ cho bé ngồi thẳng lưng và không đưa thức ăn vào miệng hộ bé để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.

Mọi người cũng nhớ tắt hết tivi, dọn dẹp hết đồ choi hay những thứ dễ làm bé xao lãng, vị trí ngồi ăn của bé cũng nên được cố định một nơi. Nên tập cho bé một thói quen ăn uống lành mạnh từ đầu – khi ăn phải ngồi vào ghế, tập trung vào ăn uống. Nên cho bé ăn cùng bữa với gia đình bất cứ khi nào bạn có thể, còn nếu không được thì khi bé ăn, người lớn nên hạn chế đi lại, nói chuyện xung quanh làm bé mất tập trung. Các em bé 6 tháng tuổi là những đứa trẻ vô cùng hiếu kỳ.

Hãy để cho bé được hoàn toàn chủ động khi ăn, tránh can thiệp quá nhiều vào việc ăn của bé. Có thể bé vụng về, có thể bé sẽ cho đồ ăn khắp người, nhưng bạn không nên liên tục lau người cho bé hay cố gắng cầm tay bé để chỉ bé cách ăn để tránh khiến bé bực bội, khó chịu.

Một số lưu ý khi chuẩn bị đồ ăn cho bé

Khi mới bắt đầu đồ ăn cho bé nên là các loại củ quả hấp chín vừa phải, không quá cứng nhưng cũng không nên chín mềm.

Cách đơn giản nhất: Hấp đồ ăn trong nồi cơm điện khi bạn nấu cơm, đồ ăn vừa giữ được giá trị dinh dưỡng và mọi người cũng không mất quá nhiều thời gian trong việc chuẩn bị đồ ăn cho bé.

Các loại củ quả được gợi ý để bắt đầu quá trình ăn dặm tự chỉ huy: Cà rốt, su su, su hào, bí đao, táo, lê, súp lơ xanh/trắng…

Nên cắt theo dạng hình que cỡ 2 ngón tay và sử dụng dao lượn sóng để tạo độ bám cho thức ăn, giúp bé dễ cầm nắm. Vì khẩu vị cũng như lượng ăn của mỗi bé là khác nhau nên mẹ cần chú ý theo dõi hàng ngày để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

Đồ ăn nên để trực tiếp lên khay của ghế ăn, bạn không cần phải chuẩn bị bát đĩa cầu kỳ dễ làm bé xao lãng. Ban đầu, hãy bày tất cả các món lên bàn, mỗi món một miếng để bé lựa chọn, sau này bạn có thể đưa cho bé từng món một.

Khi bé đã bắt đầu sử dụng tay nhuần nhuyễn, mẹ có thể cung cấp cho bé nhiều loại đồ ăn đa dạng hơn để “thử thách” con. Các món xào có dính dầu hơi trơn, như thịt băm viên chiên hay đậu hũ chiên giòn cũng là một trải nghiệm mới lạ cho bé.

Hi vọng với những thông tin trên đây sẽ hữu ích đối với các mẹ trong việc nuôi con. Chúc các mẹ thành công!

=>> Xem thêm: