Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, nguyên nhân do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác gây nên.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ lây qua đường nào?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, bệnh tay chân miệng lây lan qua đường tiêu hóa và rất dễ gây thành dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống xung quanh và đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ chưa tốt.
Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ
PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho hay biểu hiện của tay chân miệng gồm những triệu chứng như sau:
- Trẻ thường mệt mỏi quấy khóc, sau 6-12 tiếng có sốt, thông thường là sốt nhẹ từ 37,5 đến 38 độ C, có một số bé không sốt hoặc chỉ sốt thoáng qua.
- Sau khi sốt từ 24-48 tiếng, trẻ có biểu hiện có nốt phỏng nước ở miệng, sau 1-2 giờ do các bé mút nên vỡ ra tạo vết loét trên niêm mạc lưỡi, xung quanh miệng, có thể thấy những ban đỏ xung quanh miệng.
- Lòng bàn tay, lòng bàn chân có những nốt phỏng nổi cộm lên mặt da, cứng, chắc, những nốt này thường khô và đóng vảy sau 2-3 ngày,sau đó bong ra. Ngoài ra, các bé có thể có ban đỏ ở chân, mông, đùi, hoặc cẳng tay.
- Ngoài các biểu hiện chính như trên, các bé còn nôn trớ, hắt hơi, chảy nước mũi, đi ngoài phân lỏng 2-3 lần trong ngày trong 2-3 ngày.
- Bệnh thường diễn biến trong vòng 5 ngày sau đó đi vào trong giai đoạn ổn định, các vẩy trong lòng bàn tay bong ra, trẻ ăn trở lại. Tuy nhiên, một tỷ lệ (khoảng 1/1.000 trường hợp) có thể gặp biến chứng nặng.
Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ như thế nào?
Các mẹ nên rèn cho bé thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày và trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn hay trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ thì các mẹ cũng cần phải vệ sinh bằng xà phòng khử khuẩn một cách cẩn thận.
Vệ sinh ăn uống lành mạnh: ăn chín, uống chín; tất cả vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…
Đối với các dụng cụ bé hay tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, các tay nắm cửa, sàn nhà…thì các mẹ nên thường xuyên lau sạch bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do khả năng đề kháng của trẻ còn yếu.
Đối với những trẻ bị bệnh tay chân miệng thì các mẹ nên cho bé ở nhà, không nên đến nhà trẻ, trường học, những nơi công cộng 10-14 ngày đầu của bệnh để tránh lây lan.
(Nguồn: Tham khảo)