Sự phát triển của trẻ từ 1 -3 tuổi bao gồm những cột mốc quan trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Ở giai đoạn 1 -3 tuổi các bé phát triển khá nhanh, tạo nền tảng vững chắc cho sau này. Chúng ta hãy cùng Cungconlonkhon.com tìm hiểu những mốc quan trọng ở độ tuổi 1 -3 này của trẻ, để có cách chăm sóc phù hợp tốt nhất cho bé.

1. Sự phát triển của trẻ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi

1.1. Về thể lý và kỹ năng

Khi được khoảng 12 đến 15 tháng, trẻ đã có thể đứng vững mà không cần hỗ trợ. Một khi con đã đứng được rồi thì sẽ bắt đầu khám phá xung quanh nhiều hơn. Có nhiều trẻ ở độ tuổi này đã có thể bước đi được 15 đến 18 tháng thì cũng khá bình thường. Trên thực tế, trẻ còn có thể leo cầu thang hay bàn ghế, thậm chí chạy được. Có rất nhiều bé ở độ tuổi tập đi rất hiếu động và tò mò về mọi thứ.

Bé bắt đầu thích khám phá xung quanh nhiều hơn

Từ 12 đến 15 tháng tuổi

  • Trẻ có thể lắc đồ vật, đập chúng vào nhau, xếp chồng đồ vật lại và đẩy đổ chúng.
  • Trẻ có thể chỉ vào người hoặc vật mà trẻ biết khi bạn hỏi con.
  • Trẻ có thể uống nước bằng ly

Trẻ từ 15 đến 18 tháng

Khi được 18 tháng hầu hết trẻ đã có kiểm soát tốt cử động bàn tay cũng như cánh tay . Con có thể thử một số kỹ năng mới như sử dụng bút chì hoặc muỗng, hoặc uống nước từ ly. Cũng với bàn tay đã khéo léo hơn, trẻ có thể nhặt những đồ vật khá nhỏ như hòn đá hay những món đồ chơi nhỏ. Vì vậy bạn cần quan sát trẻ để tránh con nuốt phải những đồ vật nhỏ này.

1.2. Về mặt cảm xúc

Trẻ 12 tháng tuổi thường dã phát triển cảm xúc gắn bó, quyến luyến với bạn và sẽ thể hiện sự ảnh hưởng của bạn đối với trẻ. Thường khi được 14 tháng, trẻ bắt đầu cảm thấy lo sợ khi bị tách rời khỏi bạn.

Trẻ từ 12 đến 15 tháng: Trẻ hiểu được cảm xúc của người xung quanh, ví dụ như trẻ sẽ tỏ vè buồn nếu ai đó gần trẻ đang buồn hoặc khóc.

Trẻ từ 15 đến 18 tháng: Trẻ đã nhận thức được bản thân và dễ dàng thấy xấu hổ khi người khác đang nhìn hoặc chờ đợi trẻ thực hiện hành động nào đó.

1.3. Về mặt nhận thức và giao tiếp

Có lẽ bạn đã nghe trẻ bập bẹ từ 12 tháng tuổi. bây giờ bạn sẽ nghe trẻ nói thật sự, khoảng 1 đến 2 từ ở 12 tháng tuổi và tăng lên 6 từ hoặc hơn ở 18 tháng tuổi.

Trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi:

Đây là giai đoạn trẻ biết làm những việc sau:

  • Ôm bạn
  • Chỉ vào các bộ phận cơ thể hoặc những đồ vật mà trẻ yêu thích khi bạn gọi tên
  • Làm theo những chỉ dẫn đơn giản (đưa cho bạn món đồ gì đó hoặc nắm tay bạn…)

Trẻ từ 15 đến 18 tháng tuổi

Ở độ tuổi này trẻ có thể biết:

  • Nhận ra tên của mình
  • Làm theo những chỉ dẫn đơn giản như lấy một món đồ từ phòng khác mà không cần phải được dắt tay chỉ tận nơi
  • Nhận ra mình trong gương
  • Nhận biết được công dụng của đồ vật ví dụ như điện thoại hay bàn chải đánh răng.

1.4. Giúp trẻ phát triển tốt nhất như thế nào

Bạn có thể làm rất nhiều thứ để giúp trẻ phát triển như:

  • Ôm và hôn trẻ thật nhiều để thể hiện sự ấm áp và tình yêu thương của bạn
  • Hãy chơi với con thật nhiều, có thể dùng các đồ vật trong nhà hay dùng bộ phận cơ thể bạn (như các hộp giấy, hình khối, chơi ú òa…)
  • Nói chuyện với trẻ: bạn hãy gọi tên đồ vật mà bạn sử dụng hoặc màu sắc, người xung quanh…
  • Hãy khuyến khích trẻ bước đi và khám phá xung quanh, nhưng hãy ở gần để trẻ thấy an toàn
  • Khuyến khích trẻ chơi với các trẻ khác nhưng hãy chấp nhận việc trẻ không sẵn sàng chia sẻ những món đồ của mình với trẻ khác.

1.5.Một số biểu hiện ở trẻ bạn cần lo ngại

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ nếu ở 18 tháng tuổi trẻ không biết hoặc không hứng thú với những việc sau:

  • Không thích giao tiếp mắt hoặc sự vỗ về
  • Không nói
  • Không thực hiện theo những chỉ dẫn đơn giản
  • Không chỉ, vẫy tay hoặc dùng cử chỉ điệu bộ khác
  • Không biết chơi trò “giả vờ”
  • Không nhìn hoặc nghe rõ
  • Không duy trì được một kỹ năng nào đó trẻ đã có
  • Không quan tâm khi bạn rời đi hoặc trở về

2. Sự phát triển của trẻ từ 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi

Đây là độ tuổi trẻ đã thành thạo nhiều kỹ năng cũng như muốn tự lập nhiều hơn. Chúng ta hãy cùng xem những cột mốc đáng chú ý khi trẻ được 18 đến 24 tháng nhé.

Giai đoạn này bé đã thành thạo nhiều kỹ năng

2.1. Về thể lý và kỹ năng

Dưới đây là một số kỹ năng của trẻ khi được 18 đến 24 tháng tuổi:

  • Trẻ có thể đi vững, chạy và đi lên xuống cầu thang với sự giúp đỡ của bạn.
  • Mặc dù trẻ có thể thích chơi gần những trẻ khác, nhưng không phải lúc nào trẻ cũng muốn chơi cùng. Lúc này trẻ cũng đã có thể ném hoặc đá một quả bóng, viết nguệch ngoạc bằng bút chì và dùng các khối xếp thành cấu trúc nào đó.
  • Ở 24 tháng tuổi, trẻ thường có sở thích đặt tay này lên tay kia. Trẻ cũng muốn tự ăn, tự uống, tự sử dụng thìa, ly và có thể cả nĩa.
  • Từ 18 tháng tuổi trẻ thường thay đổi thói quen ăn uống, con sẽ ăn ít đi và tăng cân ít hơn. Trẻ cũng khó chịu với đồ ăn hơn và thể hiện rõ thái độ thích hoặc không và cũng thay đổi rất nhanh.
  • Một điều đáng chú ý trong giai đoạn này là trẻ sẽ thể hiện dấu hiệu của việc sẵn sàng tập ngồi bô, nhiều trẻ đã có thể ngồi bô khi được 2 tuổi.

2.2. Về mặt cảm xúc

Ở độ tuổi này, trẻ đã có nhiều cảm xúc hơn như biết giận dữ, xấu hổ hay háo hức về một chuyện gì đó. Trẻ đã có thể biết suy nghĩ, cân nhắc về những gì bạn dặn trẻ không được làm. Tuy nhiên, do đã bắt đầu biết nghĩ về những cảm xúc của mình, trẻ sẽ dễ dàng bị rơi vào những “cơn giận dữ” và thể hiện nó khi đối mặt với nhiều thứ.

Những cơn cáu giận này thường bao gồm những thái độ, hành vi như:

  • Giận dữ
  • Khóc lóc, la hét với người khác
  • Ném hoặc phá hỏng đồ đạc
  • Chạy đi
  • Đá chân hoặc tỏ ra hung hăng
  • Gồng người
  • Nín thở hoặc nôn

2.3. Về mặt nhận thức và giao tiếp

Ở 18-24 tháng, sự phát triển các dây thần kinh liên kết và phối hợp sẽ khiến trẻ bị tác động mạnh mẽ bởi những gì con học, thử và trải nghiệm. Con sẽ bắt chước và lặp lại những gì con nhìn thấy và nghe được.

Trẻ sẽ nhận thức được và có hành động phối hợp nổi bật như:

  • Tìm những vật được giấu
  • Sắp xếp, phân loại hình dạng và màu sắc đồ vật
  • Thuộc những giai điệu quen thuộc và 1 phần của bài hát
  • Nêu được tên những món đồ trong sách

Ngoài ra, kỹ năng ngôn ngữ của trẻ cũng phát triển ở giai đoạn này. Trẻ có thể dùng từ 1 đến 7 từ mới 1 tuần để mô tả những gì trẻ thấy, những bộ phận trên cơ thể mình và tiếng của động vật. Trẻ cũng biết chỉ vào những vật trẻ nhận ra trong sách ảnh.

3. Sự phát triển của trẻ 3 tuổi

3.1. Về thể lý và kỹ năng

Khi được 3 tuổi, trẻ đã có thể thành thạo việc ngồi bô, tuy nhiên bạn cần rất kiên nhẫn khi tập cho con.

Bạn sẽ thấy trẻ tiến bộ trong những hoạt động sau:

  • Ném, đá và bắt quả bóng
  • Đi bộ lên xuống cầu thang khi vịn tay cầm hoặc nắm tay bạn
  • Dùng thìa xúc đồ ăn (nhưng bạn nên kiên nhẫn và chấp nhận một chút lộn xộn nhé)

Con cũng sẽ biết làm những việc sau:

  • Nhảy lên tại chỗ
  • Lái xe ba bánh
  • Mặc quần áo (với sự giúp đỡ của bạn)
  • Vẽ lại 1 vòng tròn bằng bút chì hoặc sáp màu
  • Đóng và mở nắp lọ, vặn tay nắm cửa
  • Giở trang sách
  • Giúp bạn khi bạn tắm cho trẻ
  • Thích cùng những trẻ khác chơi trò giả vờ, hát, hoặc bắt chước những việc người lớn làm như nấu ăn, dùng điều khiển tivi…

3.2. Về cảm xúc

3 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng về mặt cảm xúc của trẻ. Trẻ biết thấy có lỗi hay xấu hổ và cảm nhận được cảm xúc của người khác, bao gồm cả việc hành động của chúng sẽ tác động đến người khác như thế nào và ngược lại.

Những “cơn giận dữ” sẽ tiếp tục diễn ra ở giai đoạn này. Vì cảm xúc của trẻ đã phong phú hơn nhưng trẻ lại chưa thể dùng từ để diễn tả nó, nên sẽ dễ dàng trở nên giận dữ.

Trẻ cũng sẽ bắt đầu biết quan tâm nếu như trẻ khác khóc. Con cũng thích sự cố định, đều đặn và sẽ thấy khó chịu khi có sự thay đổi.

3.3. Về nhận thức và sự phát triển ngôn ngữ

Trẻ 3 tuổi đã có vốn từ khoảng 300 từ và có thể kết hợp chúng thành câu đơn giản gồm 3 từ hoặc nhiều hơn. Trẻ bắt đầu biết dùng đại từ nhân xưng như “con”, “chúng ta” và có thể đối thoại qua lại với bạn. Hầu hết những câu nói của trẻ lúc này đã có thể hiểu được.

Khả năng ngôn ngữ của bé phát triển

Trẻ cũng giải thích được với bạn là trẻ đã ở đâu, làm gì. Người lạ đã hiểu được hầu hết những gì trẻ nói. Trẻ cũng thực hiện được những chỉ dẫn gồm 2 đến 3 bước.

3.4. Một số biểu hiện ở trẻ bạn cần lo ngại

Cũng giống như các giai đoạn khác, nếu thấy trẻ có những biểu hiện không giống trẻ cùng độ tuổi, bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ nhé. Những biểu hiện cụ thể của trẻ như sau:

  • Té ngã thường xuyên hoặc thường gặp rắc rối với các bậc thang
  • Không thể giữ thăng bằng trên 1 chân
  • Nói không rõ ràng
  • Không vẽ được đường thẳng hoặc dấu thập, không dùng được kéo
  • Không nói được câu
  • Không hiểu được chỉ dẫn gồm 2- bước
  • Không biết chơi trò giả vờ
  • Không muốn chơi với trẻ khác hoặc đồ chơi
  • Không giao tiếp bằng mắt
  • Mất đi kỹ năng đã từng có

Xem thêm: 8 đặc điểm phát triển trí tuệ ở trẻ từ 1 – 2 tuổi mẹ nên biết