Những lưu ý khi sử dụng gia vị chế biến thức ăn cho bé

0
1793

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều gia đình quan niệm rằng thức ăn dặm của trẻ nên được nêm nếm mắm muối, gia vị cho “vừa miệng” thì mới hấp dẫn và tạo cho bé sự ngon miệng. Tuy nhiên, khái niệm “vừa miệng” của người lớn thực ra hoàn toàn không thể áp dụng được cho các bé. Cho bé ăn quá nhiều muối, đường từ sớm trước 1 tuổi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ tiêu hóa và thận của bé, thậm chí có thể gây tổn thương tới não bộ.

Việc sử dụng gia vị nêm nếm vào đồ ăn dặm của bé là một thắc mắc được khá nhiều mẹ quan tâm. Nên hay không nên bỏ thêm các loại gia vị vào thức ăn của bé? Lượng nêm nếm nếu có thì bao nhiêu là đủ?

Muối

Natri và Clo là hai thành phần của muối có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều muối dư thừa vào cơ thể bởi thói quen ăn mặn sẽ làm tăng nguy cơ bị các bệnh về huyết áp, tim mạch, giảm chức năng hệ bài tiết, suy thận, loãng xương…

Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư đường tiêu hóa.

Đối với trẻ em, các bé dưới 6 tháng tuổi chỉ cần ít hơn 1 g muối/ngày, các em bé từ 6 tháng đến 1 tuổi cần khoảng 1g muối/ngày và trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2 g muối/ngày.

Lưu ý khi nêm muối vào đồ ăn dặm cho bé
Lưu ý khi nêm muối vào đồ ăn dặm cho bé

Như vậy lượng muối cơ thể các bé cần được cung cấp trong ngày là rất ít. Hơn nữa, trong SỮA (sữa mẹ, sữa công thức) và các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, trái cây, thịt cá, rau tươi đều chứa một hàm lượng muối nhất định. Hàm lượng muối tự nhiên trong các loại thực phẩm này hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu muối của cơ thể bé. Việc bạn nêm nếm thêm mắm muối, hạt nêm (có chứa muối) thêm vào thức ăn cho bé sẽ dẫn tới nguy cơ thừa muối, gây hại thận, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tói tim mạch cũng như suy giảm chức năng của hệ bài tiết.

Do đó, các mẹ hoàn toàn không nên nêm nếm thêm một chút muối nào vào khẩu phần ăn dặm của bé trước khi bé được 1 tuổi. Sau 1 tuổi, nếu có thể bạn hãy cố gắng duy trì cho bé ăn nhạt càng lâu càng tốt.

Khi sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn dành cho bé tuổi ăn dặm, các mẹ nên xem kỹ thành phần muối ghi trên nhãn hàng. Với các loại rau đông lạnh, pho-mát, nước sốt, khoai tây chiên, thịt nguội… đa phần đều bổ sung muối, nếu không nói là có hàm lượng muối cao, tốt nhất bạn không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn và nên hạn chế với trẻ trên 1 tuổi.

Đường

Đường có hai loại cơ bản là đường tự nhiên và đường hóa học. Đường tự nhiên thường được tìm thấy trong các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa. Đường hóa học thường có nhiều trong các sản phẩm bánh kẹo, nước ngọt, nước hoa quả đóng hộp…

Đường thực chất không phải là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Đường cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể nhưng rất nghèo nàn về giá trị dinh dưỡng, hơn nữa đường còn gây cản trở việc hấp thu các loại Vitamin (A, c, B12), Canxi, Phốt pho, Magiê và sắt. Các bé ăn nhiều thực phẩm có đường như bánh, kẹo, nước ngọt sẽ làm tăng khả năng gây sâu răng, các bệnh về lợi và dẫn tới các nguy cơ về tim mạch. Ăn quá nhiều các thực phẩm có chứa đường cũng gây cảm giác ngang dạ, chán ăn, bỏ bữa ăn chính và tăng nguy cơ bệnh béo phì, tiểu đường.

Giống như muối, đường cũng là thành phần có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên như trái cây, rau củ, ngũ cốc, sữa… Do đó, bé đã hấp thu đủ lượng đường cần thiết từ các loại thực phẩm này và không cần thiết phải bổ sung thêm nữa. Bánh kẹo, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp là các thực phẩm chứa nhiều đường rất không tốt cho cơ thể bé, vì vậy bạn nên hạn chế tối đa việc cho bé sử dụng các loại thực phẩm này.

Các gia vị khác

Các loại gia vị nấu đồ ăn dặm cho bé
Các loại gia vị nấu đồ ăn dặm cho bé

Các loại gia vị tự nhiên như gừng, tỏi, sả, nghệ, tiêu, quế, hồi…, các loại thảo dược và rau thơm thường ít được cha mẹ bổ sung vào khẩu phần ăn của con hoặc khá dè dặt khi bổ sung. Tuy nhiên trên thực tế, việc cho bé làm quen với các loại gia vị này từ sớm lại góp phần tạo nên mùi vị mới lạ cho các bữa ăn cũng như kích thích và phát triển vị giác của bé. Các loại gia vị, thảo dược và rau thơm còn được biết đến với vai trò là các vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa và nhiều tác dụng khác tùy từng loại.

Khi trẻ được 8 tháng trở đi, các mẹ có thể bắt đầu giới thiệu cho bé nhiều loại gia vị khác nhau kết hợp cùng các món ăn hàng ngày của bé. Đây là một cách tuyệt vời để tạo nên mùi vị đặc biệt hấp dẫn cho món ăn mà không cần dùng tói muối và đường. Tùy vào từng loại gia vị khác nhau mà bạn sẽ điều chỉnh lượng cho phù hợp với món ăn của bé. Đối với các gia vị cay, nóng (như hạt tiêu, ớt) bạn nên thận trọng khi sử dụng vì có thể gây bỏng lưỡi bé và ảnh hưởng tới dạ dày, hãy chỉ bổ sung một lượng rất nhỏ và quan sát phản ứng của bé.

(Tham khảo)

Bài viết liên quan: