Việc xác định độ đặc loãng và độ thô trong quá trình bé ăn dặm khá là quan trọng giúp bé hấp thụ thức ăn một cách tốt hơn và thích thú với việc ăn uống.
Xác định độ đặc loãng
Vấn đề xác định độ đặc loãng làm hầu hết các mẹ lúng túng. Câu trả lời chung là việc điều chỉnh như thế nào là do các mẹ & do các bé hợp tác tới đâu. Xuất phát điểm có thể nhận biết bằng cách sau. Ví dụ như cháo, xúc 1 thìa cháo cho nhỏ giọt xuống bát, khi mới bắt đầu cho bé ăn thì thìa cháo nhỏ giọt nhanh (cỡ 1s/2,3 giọt chẳng hạn), sau đó vài bữa tăng dần (1s/1 giọt)…và tiếp tục tăng dần lên. Tới giai đoạn 7,8 tháng thì thìa cháo chắc phải 5s mới nhỏ 1 giọt, vì lúc này đã ăn cháo đặc hơn. Giai đoạn 9-11 tháng thì cháo không nhỏ xuống được nữa đâu nhé!
Tương tự đối với các thực phẩm ăn dặm cho bé khác. Tăng độ đặc loãng bằng cách làm sánh (sử dụng bột năng, bột sắn…). Việc làm sánh rất quan trọng, giúp bé nuốt tốt hơn, ngay cả khi bé ăn thô giỏi rồi, tới giai đoạn 9-11 tháng tùy theo loại thực phẩm khác nhau, đôi khi vẫn cần thiết làm sánh.
Cách xác định độ loãng thích hợp khởi đầu giai đoạn 5-6 tháng (mẹ Lê Thị Hồng Nhung): múc 1 muỗng cháo trải ra 1 cái đĩa, lấy muỗng vệt 1 đường ngang phần cháo trên đĩa. Nếu cái đường đó mất ngay nghĩa là cháo thích hợp cho bé khi mới bắt đầu ăn dặm. Nếu đường này không mất, nghĩa là cháo quá đặc.
Cách tăng độ thô của thức ăn dặm cho bé
Ở giai đoạn 5,6 tháng bé ăn cháo hạt mịn. Giai đoạn 7,8 tháng ăn thô hơn. Lúc đầu các mẹ giã hoặc nghiền cháo bằng cán thìa tất rồi tiếp đến nghiền 1/2 phần cháo đó, còn lại 1/2 để nguyên hạt, rồi tăng dần thành cháo nguyên hạt…Tuy nhiên lúc đầu để bé nuốt thô quen thì vẫn nên làm loãng, nói dễ hiểu là lúc đầu bé ăn cháo loãng hạt vỡ 100%, rồi cháo loãng hạt vỡ 50%, nguyên hạt 50%, rồi dần chuyển sang cháo loãng nguyên hạt, rồi cháo đặc nguyên hạt…(tùy theo từng bé mà các mẹ điều chỉnh).
Dưới đây là chia sẻ của mẹ Lê Ngọc Anh Thy về cách tăng đột thô thức ăn dặm cho bé: Con không thể chuyển từ cháo ray mịn lên cháo nguyên hạt, nên mẹ mua gạo tấm (hạt gạo còn khoảng ½ so hạt gạo thường, hay dùng nấu cơm tấm) để nấu cháo. Con cũng chưa chuyển trực tiếp từ cháo ray mịn sang cháo gạo tấm nguyên hạt nên sau khi nấu cháo gạo tấm xong, mẹ lấy cháo này pha theo tỉ lệ: đầu tiên 2/3 ray mịn + 1/3 nghiền cối, sau đó 1/2 ray mịn + 1/2 nghiền cối, 1/3 ray mịn + 2/3 nghiền cối, rồi hoàn toàn chỉ cần nghiền sơ bằng chày và cối.
Lúc này bé nào khó vẫn có thể ăn cháo 1:10, khi nào con ăn cháo nguyên hạt gạo tấm được thì sẽ nấu bằng cháo gạo nguyên hạt thường 1:10, cũng tăng tỉ lệ như trên. Khi con đã ăn được cháo nguyên hạt gạo thường 1:10, mẹ bắt đầu tập con ăn tỉ lệ 1:7. Còn bé nào ăn thô tốt thì có thể cắt giai đoạn nhanh hơn, không cần theo những bước trên. Mỗi lần tăng thô 1 chút bé có thể ói một chút, nhưng mẹ đừng quá lo lắng, vài ngày bé sẽ quen.
Mẹ nên tăng độ thô mỗi đợt 1 nhóm thực phẩm thôi, không nên tăng độ thô hết tất cả các nhóm thực phẩm trong cùng 1 lần. Ví dụ: mẹ tăng độ thô của cháo trước, các món đạm và rau củ vẫn độ thô cũ. Khi con quen độ thô của cháo, mẹ bắt đầu tăng tiếp độ thô của rau củ hay của đậu hũ, cuối cùng là nhóm đạm khác.
Mẹ cũng có thể tăng độ thô cho con bằng trái cây như: chuối,bơ, dưa hấu, hay bất cứ loại trái cây nào bé thích. Ví dụ: ban đầu là ăn chuối nạo, khi con 7-9 tháng, mẹ lấy nĩa dằm nát, rồi giảm dần độ nát, sau đó là cắt lát mỏng cho con cầm ăn. Chuối trơn, dễ nuốt lại mềm nên rất dễ tập con tăng độ thô.
Chúc các mẹ thành công!