11176712 - jealousy in family, boy, girl and mother

CungconlonkhonCó bậc phụ huynh nào đang gặp phải tình trạng bé lớn ganh tỵ với em cho rằng cha mẹ không còn yêu thương mình nữa? Mọi người hãy cùng lắng nghe câu chuyện và chia sẻ của chuyên viên tham vấn tâm lý sau đây để áp dụng với trường hợp của mình nhé!

=>> Xem thêm: Những điểm cha mẹ cần chú ý khi con có anh chị em

CÂU HỎI:

Bé nhà tôi được 4 tuổi thì tôi cũng vừa sanh thêm em bé, vậy là bé lớn đâm ra ganh với em nhỏ. Mỗi khi mẹ cho em bú là bé khóc đòi mẹ bế hoặc vẻ mặt bé rất buồn. Hay khi mẹ ru em ngủ, chơi với em… thì bé mè nheo, thậm chí có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi của em hay chọc cho em khóc. Trong khi đó, những lúc em bé ngủ là tôi dành hết thời gian chơi với bé lớn, nhưng bé vẫn ganh tỵ với em. Có cách nào để cho bé hiểu là mẹ vẫn thương yêu bé không?

-Phạm Thu T. (Cần Thơ)-

TRẢ LỜI: 

Chị T. mến, cháu đầu nhà chị đã có bốn năm được hưởng trọn sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ. Bây giờ có em, cháu phải san sẻ tất cả những gì cháu đang “độc quyền”. Vì vậy, cháu tỏ thái độ phản ứng lại với em bé – người mà cháu nghĩ đang lấy bớt của cháu tình yêu của mẹ, thời gian của mẹ – là một phản ứng thường gặp chị ạ.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ ganh tỵ với em

Để khắc phục sự “ghen” này của các bé đầu lòng, cha mẹ thường làm công tác tâm lý cho bé ngay khi cha mẹ có ý định sinh em bé thứ hai. Và sự chuẩn bị này phải làm thường xuyên liên tục. Cha mẹ cần nói với bé về ý định sinh thêm một người bạn cho bé, thêm người chơi với bé, thêm người bảo vệ bé khi bé bị bắt nạt… Khi mang bầu bé thứ hai, cha mẹ thường xuyên cho anh hai/chị hai nói chuyện với em bé, chơi với em bé, cho bé tham gia vào quá trình thai giáo – dạy bé trong bụng mẹ cùng cha mẹ.

Nếu chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo từ sớm, cháu sẽ bớt cảm giác ghen với em, sẽ yêu thương em và cùng giúp mẹ chăm em. Trường hợp cháu nhà chị có biểu hiện ghét em, giành đồ chơi, chọc em khóc có thể có nguyên nhân từ việc cháu cảm thấy chưa sẵn sàng đón nhận một thành viên mới của gia đình, cháu cảm thấy thiếu tình yêu của mẹ. Dù chị đã dành thời gian cho cháu khi em bé ngủ nhưng cháu vẫn thấy chưa đủ, chưa an tâm. Thậm chí, các cháu khi lớn lên còn luôn hỏi mẹ thương ai hơn nữa.

Có bé còn có mặc cảm mẹ chỉ thương anh chị hay em mà không thương mình. Từ đó bé mặc cảm, tự ti và ngầm ghen ghét anh chị hay em mình. Cảm xúc tiêu cực này rất cần cha mẹ quan tâm và điều chỉnh.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ ganh tỵ với em

Có nhiều cách để điều chỉnh cảm xúc của bé trong trường hợp này:

Cho con cùng tham gia chăm em bé cùng mẹ: nhờ cháu giúp những việc nho nhỏ như lấy tã cho bé, chuẩn bị đồ tắm cho em bé…

Tạo trò chơi giữa cháu và em bé: cho bé lắc lục lạc, đung đưa bóng bay cho em bé chơi. Khi thấy em bé cười, hãy khen cháu đã biết dỗ em…

Khuyến khích, động viên, khen ngợi vai trò làm anh/chị của cháu để cháu thấy sự quan trọng của mình với cha mẹ và em bé, ví dụ, “Con xứng đáng là người anh/chị khi con giúp mẹ chăm em. Mẹ rất tự hào về con. Em bé rất vui khi con chơi với em đấy”. Thường xuyên nói: “Có em con sẽ có thêm bạn, thêm người cùng chơi, cùng bảo vệ nhau…” để cháu hiểu khi có em cháu sẽ “được” rất nhiều.

Luôn công bằng trong việc quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ hai bé, ví dụ cùng mua đồ chơi cho hai bé, có thể khuyến khích cho bé lớn chọn đồ chơi cho em. Dù bận chăm sóc em bé, nhưng cha mẹ vẫn luôn quan tâm đến cháu bằng ánh mắt, nụ cười, bằng những cử chỉ quen thuộc, như xoa lưng, cõng… cháu như trước khi có em bé. Không mắng, phạt khi cháu có biểu hiện xấu với em. Hãy phân tích cho cháu hiểu hành động cháu làm là sai và cha mẹ rất buồn khi cháu làm như vậy.

Tránh để cháu một mình với em bé, vì có thể cháu sẽ có những hành vi khó kiểm soát gây nguy hiểm cho em bé. Nếu những rối loạn hành vi của bé có dấu hiệu tăng lên, cha mẹ nên đưa bé đi gặp chuyên viên tham vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý nhi để được tư vấn và giúp đỡ. Sự thay đổi của cháu phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm và tình yêu thương của chị và ông xã. Chúc anh/chị giúp cháu sớm hòa đồng và yêu thương em bé.

-Ths. Phạm Thị Thúy-